Tăng tầm soát, chặn đà tăng bệnh nhân lao ở miền Tây

20/04/2024 - 06:12

PNO - Khoảng 1 tháng nay, anh Th. - ở TP Cà Mau, tỉnh Cà Mau - cứ ho, sốt vào mỗi chiều nhưng chỉ tự mua thuốc uống. Khi bệnh trở nặng, anh mới vào bệnh viện khám và biết mình mắc bệnh lao. Việc chậm phát hiện bệnh như trường hợp anh Th. là một trong những nguyên nhân khiến số ca mắc bệnh lao ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long tăng.

Không ngờ mình mắc bệnh lao

Cách đây gần 2 tháng, thấy mình ho nhiều, ông Đào Văn U. - 62 tuổi, ở xã Vị Thủy, huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang - ra quầy thuốc gần nhà mua mấy liều về uống.

Thấy giảm ho, ông ngưng uống nhưng không lâu sau đó lại ho, thỉnh thoảng còn bị sốt. Nghĩ mình bị hội chứng “hậu COVID-19”, ông không đi khám mà tiếp tục tự mua thuốc uống nhưng ho càng nặng kèm sụt cân.

Khi đến Bệnh viện Lao và Bệnh phổi TP Cần Thơ khám, ông U. được các bác sĩ thông báo đã bị bệnh lao, phổi bị tổn thương nặng, cần nhập viện điều trị.

Bác sĩ Hứa Trung Tiếp - Giám đốc Bệnh viện Lao và Bệnh phổi TP Cần Thơ - cho hay, nếu phát hiện bệnh sớm, ông U. chỉ cần nằm viện trong 7-8 ngày nhưng do chậm đến khám, phổi tổn thương nặng nên phải nằm viện từ 2 tuần trở lên, sau đó tiếp tục uống thuốc theo phác đồ.

Theo ban điều hành chương trình Phòng, chống lao quốc gia, đồng bằng sông Cửu Long là nơi có tỉ lệ người mắc bệnh lao cao nhất nước, với 400-500 ca/100.000 dân.

Tương tự, anh Trần Minh Th. - 37 tuổi, ở TP Cà Mau, tỉnh Cà Mau - cũng đợi bệnh nặng mới đi khám và được chẩn đoán mắc bệnh lao.

Anh kể: “Khoảng 1 tháng nay, tôi bị ho, sốt vào buổi chiều nhưng do công việc quá bận rộn nên chỉ tự mua thuốc uống. Tôi không nghĩ gì tới bệnh lao bởi mình còn trẻ tuổi. Khi bệnh nặng hơn, tôi đến trạm y tế phường, họ cũng chỉ phát thuốc uống. Gần đây, thấy tôi sụt cân, người nhà đưa tôi tới Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh Cà Mau khám, chụp phổi, mới biết mình bị lao, phải nhập viện điều trị”.

Cùng điều trị ở Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh Cà Mau, chị Nguyễn Thị T.N. - 33 tuổi, ở huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long - và chị Ngô Thị M. - 26 tuổi, ở TP Cà Mau - cho biết, khi bị ho nhiều, họ đều tự mua thuốc uống, chỉ khi bệnh trở nặng, mới vào bệnh viện chuyên về bệnh phổi để khám. Cả hai đều nghĩ mình còn trẻ nên không nghĩ tới bệnh lao.

Theo bác sĩ Trần Hiến Khóa - Giám đốc Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh Cà Mau - trước đây, đa số bệnh nhân lao là người cao tuổi, nam nhiều hơn nữ nhưng gần đây, bệnh nhân trẻ tuổi, bệnh nhân nữ có chiều hướng tăng.

Điều đáng lưu ý là đa phần bệnh nhân khi bị ho, sốt thường tự mua thuốc uống, không đi khám. Cũng có trường hợp đến khám ở trạm y tế xã, trung tâm y tế huyện nhưng “được” chẩn đoán viêm phổi hay các bệnh khác mà không xét nghiệm lao. Đến lúc trị không khỏi, bệnh nặng thêm, bệnh nhân mới được đưa tới bệnh viện chuyên khoa để khám.

Bệnh viện Lao và Bệnh phổi TP Cần Thơ tổ chức tầm soát lao trong cộng đồng
Bệnh viện Lao và Bệnh phổi TP Cần Thơ tổ chức tầm soát lao trong cộng đồng

Tăng tầm soát lao trong cộng đồng

Mỗi năm, ngành y tế tỉnh Cà Mau ghi nhận khoảng 1.500 ca mắc bệnh lao, riêng năm 2023 có hơn 1.700 ca. Năm 2023, tỉnh An Giang có hơn 5.470 người mắc bệnh lao, cao nhất vùng đồng bằng sông Cửu Long; đứng thứ hai là tỉnh Đồng Tháp với hơn 3.690 ca mắc mới (cao hơn trung bình hằng năm 690 ca). Cũng trong năm qua, tỉnh Kiên Giang có 2.961 ca, TP Cần Thơ có 2.713 ca mắc bệnh lao.

Bác sĩ Hứa Trung Tiếp cho hay, trong năm 2020 và 2021, việc đi lại bị hạn chế do dịch COVID-19 nên người dân ít đi khám và điều trị lao, đồng thời các cơ sở y tế cũng được trưng dụng để chuyên phòng, chống COVID-19. Qua năm 2022, các địa phương tăng cường tầm soát bệnh lao, người dân cũng đi khám bệnh nhiều hơn nên số ca mắc lao được phát hiện tăng cao.

Cùng với việc gia tăng số người bệnh, điều đáng quan ngại là tỉ lệ ca bệnh nặng cũng tăng do phát hiện muộn. Với những ca lao nặng, dù được điều trị khỏi, các di chứng phổi vẫn còn. Các ca nặng cũng rất dễ làm lây lan bệnh lao trong cộng đồng.

Cũng theo bác sĩ Hứa Trung Tiếp, mỗi ngày, Bệnh viện Lao và Bệnh phổi TP Cần Thơ điều trị nội trú cho khoảng 140 người. Năm 2023, bệnh viện phối hợp các đơn vị tổ chức 8 đợt khám sàng lọc bệnh lao tại cộng đồng cho hơn 16.700 người, qua đó phát hiện 203 ca lao các thể, cho nhập viện điều trị trên 95%.

Năm 2024, bệnh viện tiếp tục tầm soát lao ở các vùng nông thôn, các cơ sở cai nghiện ma túy, các trung tâm bảo trợ xã hội, để phát hiện bệnh sớm, điều trị hiệu quả, giảm nguồn lây lan.

Lãnh đạo Sở Y tế tỉnh Đồng Tháp cho biết, hằng năm, Bệnh viện Phổi tỉnh Đồng Tháp phối hợp cùng trạm y tế các xã và trung tâm y tế các huyện khám tầm soát lao cho hàng ngàn người. Nhờ sự hỗ trợ kinh phí của Cơ quan Phát triển quốc tế Mỹ (USAID), ngành y tế tỉnh đã tăng cường năng lực cung cấp dịch vụ khám, chữa bệnh lao.

Về cơ bản, Bệnh viện Phổi tỉnh Đồng Tháp và các trung tâm y tế huyện có đủ năng lực khám và điều trị bệnh lao hiệu quả. Tuy nhiên, vẫn có một số người dân e ngại đi khám lao khiến việc tầm soát và phát hiện bệnh còn chậm.

Bác sĩ Nguyễn Hữu Thành - Giám đốc Bệnh viện Phổi tỉnh Đồng Tháp - cho hay, tới đây, bệnh viện sẽ mở rộng tầm soát bệnh lao trong cộng đồng, tiếp cận sớm với người nghi nhiễm lao, chủ động tiêm vắc xin phòng bệnh lao cho 100% trẻ sơ sinh thông qua chương trình tiêm chủng mở rộng, đồng thời đẩy mạnh truyền thông để mọi người hiểu tác hại của bệnh lao và chủ động đi xét nghiệm.

Bác sĩ Nguyễn Văn Việt - Giám đốc Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh Kiên Giang - thông tin, trong năm 2023, bệnh viện phối hợp các đơn vị tổ chức xét nghiệm lao cho hơn 30.400 người và năm 2024 sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, tầm soát lao trong cộng đồng.

Năm 2025, điều tra toàn quốc về bệnh lao

Tại hội nghị triển khai công tác năm 2024 của Ủy ban quốc gia về chấm dứt bệnh lao, diễn ra ngày 8/4, lãnh đạo Bộ Y tế cho biết, năm 2023, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ước tính, mỗi năm, Việt Nam có thêm 172.000 người mới mắc lao và khoảng 13.000 người tử vong do lao, đứng thứ 11 trong 30 nước có số người bệnh lao, lao kháng đa thuốc cao nhất toàn cầu.

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan, năm 2023, Việt Nam ghi nhận 106.086 trường hợp mắc lao các thể, tăng so với cùng kỳ năm 2021 và 2022 lần lượt là 34,4% và 2,2%, ghi nhận 3.775 bệnh nhân lao kháng đa thuốc, cao hơn các năm 2020, 2021, 2022 lần lượt là 7,8%, 45,8% và 9,5%. Tình hình dịch tễ bệnh lao tại Việt Nam còn rất phức tạp, nhất là sau đợt dịch COVID-19.

Số bệnh nhân lao được phát hiện, đưa vào điều trị và được báo cáo hằng năm chỉ chiếm khoảng 60% số bệnh nhân lao ước tính, tức có khoảng 40% ca lao tiềm ẩn trong cộng đồng chưa được phát hiện, cùng với 2% bệnh nhân lao kháng thuốc là nguyên nhân lây lan trong cộng đồng.

Hiện mô hình y tế tuyến huyện chưa đồng nhất giữa 63 tỉnh, thành, gây trở ngại cho việc thanh toán thuốc lao và các dịch vụ khám bệnh lao từ bảo hiểm y tế; cán bộ y tế chuyên ngành phòng, chống lao rất thiếu, chế độ chính sách hạn chế; nguồn kinh phí viện trợ quốc tế có xu hướng giảm dần, trong khi ngân sách địa phương cho hoạt động này còn hạn chế. Thêm vào đó, nhận thức của người dân về bệnh lao có nhiều tiến bộ nhưng vẫn còn sai lệch, chưa đầy đủ.

Trước tình hình trên, Phó thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà giao Bộ Y tế chuẩn bị nhân lực, trang thiết bị y tế để tổ chức điều tra toàn quốc về bệnh lao trong năm 2025; cập nhật tình hình và bổ sung nhiệm vụ, có các giải pháp mạnh mẽ, quyết liệt, hiệu quả hơn nữa trong phòng, chống lao.

Nhân viên y tế ở tỉnh Kiên Giang lấy mẫu xét nghiệm tầm soát bệnh lao cho người dân ở vùng nông thôn
Nhân viên y tế ở tỉnh Kiên Giang lấy mẫu xét nghiệm tầm soát bệnh lao cho người dân ở vùng nông thôn

Bệnh viện lao vắng người đến khám, điều trị

Tháng 12/2021, Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh Cà Mau được thành lập từ tháng 12/2021 với 4 phòng chuyên môn, 7 khoa, quy mô 100 giường bệnh, nhằm làm giảm tình trạng chuyển viện đối với bệnh nhân lao, tăng hiệu quả điều trị và giảm chi phí đi lại cho bệnh nhân.

Thế nhưng, từ khi thành lập đến nay, bình quân mỗi ngày, bệnh viện chỉ tiếp nhận khoảng 30 người đến khám, điều trị nội trú cho 50-60 bệnh nhân (hơn 50% số giường). Bác sĩ Trần Hiến Khóa - Giám đốc bệnh viện - lý giải, do bệnh viện chuyên khoa này không được phân tuyến đăng ký khám, chữa bệnh ban đầu cho bệnh nhân có bảo hiểm y tế nên bệnh nhân diện này muốn khám ngoại trú thì phải xin giấy chuyển viện.

Thêm nữa, khi tiếp nhận bệnh nhân ban đầu có các triệu chứng ho, sốt, các cơ sở y tế tư nhân và các bệnh viện công khác vẫn giữ lại để điều trị, khi không khỏi mới chuyển viện. Do đó, bệnh viện chuyên khoa lao, bệnh phổi này thường xuyên thưa vắng bệnh nhân.

Kinh phí được giao theo giường bệnh thấp (24 triệu đồng/giường), lại ít bệnh nhân nên bệnh viện gặp nhiều khó khăn trong chi lương và các hoạt động khác. Ban giám đốc bệnh viện kiến nghị UBND tỉnh hỗ trợ kinh phí hoặc cho phép bệnh viện được tiếp nhận, khám và điều trị ngoại trú cho bệnh nhân diện bảo hiểm y tế có triệu chứng về lao hoặc phổi mà không cần có giấy chuyển viện.

Huỳnh Lợi

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI