Tăng số lượng lẫn chất lượng lao động xuất khẩu

08/09/2022 - 06:18

PNO - Thị trường xuất khẩu lao động đang dần hồi phục sau hai năm hứng chịu đại dịch COVID-19. Phóng viên Báo Phụ Nữ TPHCM đã phỏng vấn ông Nguyễn Gia Liêm - Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐTBXH) về lĩnh vực này.

Phóng viên: Xin ông đánh giá về kết quả hoạt động xuất khẩu lao động thời  gian qua?

 Ông Nguyễn Gia Liêm: Trong bảy tháng đầu năm 2022, xuất khẩu lao động có nhiều tín hiệu lạc quan, có bước chuyển quan trọng. Sau khi kiểm soát được dịch COVID-19, thị trường xuất khẩu lao động đã từng bước hồi phục, số người đi làm việc ở nước ngoài không ngừng tăng lên.

Trong tháng 7/2022, cả nước đã đưa được 10.285 người đi làm việc ở nước ngoài, cao gấp 13 lần so với cùng kỳ năm ngoái (trong tháng 7/2021, chỉ đưa được 781 người đi). Các thị trường tiếp nhận nhiều người lao động Việt Nam trong tháng 7/2022 là Đài Loan (Trung Quốc) 5.519 người, Nhật Bản 4.278 người, Singapore 158 người, Hungary 67 người, Trung Quốc 57 người, Ba Lan 52 người, Hàn Quốc 39 người, Rumani 35 người... 

Tính chung bảy tháng đầu năm 2022, cả nước đã đưa 81.429 người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, đạt 90,8% kế hoạch năm (kế hoạch năm là 90.000 người), trong đó có 29.990 lao động nữ. Thị trường tiếp nhận nhiều người lao động Việt Nam nhất là Nhật Bản, kế đến là Đài Loan (Trung Quốc), Singapore, Hàn Quốc, Trung Quốc, Hungary, Rumani, liên bang Nga, Ba Lan.

Bên cạnh những thành công bước đầu, hoạt động xuất khẩu lao động vẫn đối mặt nhiều khó khăn, thách thức, chủ yếu là do dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp. 

Ông Nguyễn Gia Liêm - Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước
Ông Nguyễn Gia Liêm - Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước

* Như vậy là hoạt động xuất khẩu lao động đang dần khởi sắc. Triển vọng của hoạt động này từ đây đến cuối năm là như thế nào, thưa ông?

- Như trên đã nói, hoạt động này đã lấy lại được nhịp và sẽ tiếp tục khởi sắc trong thời gian tới bởi gần đây, các nước đã thay đổi chính sách ứng phó với dịch COVID-19 theo hướng đẩy mạnh các hoạt động phục hồi sản xuất kinh doanh, khiến nhu cầu tiếp nhận lao động sẽ gia tăng. Đây là thời cơ thuận lợi để Việt Nam tăng cường đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài. Việc đưa được 90.000 người đi làm việc ở nước ngoài trong năm 2022 như kế hoạch đề ra là hoàn toàn khả thi.

Cụ thể, thị trường các nước châu Âu mở lại từ năm 2021; Hàn Quốc mở cửa lại từ tháng 5/2021; Đài Loan (Trung Quốc) mở cửa lại từ ngày 15/2/2022; Nhật Bản mở cửa lại từ tháng 3/2022 và một số thị trường khác cũng bắt đầu tiếp nhận lao động trở lại với các điều kiện và quy định phù hợp.

Ngoài ra, chúng ta còn mở rộng thị trường tiếp nhận lao động sang các nước như Úc, Đức, Liên bang Nga, Israel. Đó là chưa kể tới các thị trường tiềm năng trong khu vực Đông Nam Á như Thái Lan, Singapore, Malaysia... Hiện các thị trường này cũng được nhiều lao động trong nước lựa chọn bởi thu nhập khá, khoảng cách địa lý cũng gần.

* Cục Quản lý lao động ngoài nước đang chú trọng vào những điều gì trong lĩnh vực xuất khẩu lao động, thưa ông?  

- Chúng tôi không chỉ đặt mục tiêu nâng cao số người đi làm việc ở nước ngoài mà còn đặt mục tiêu nâng cao chất lượng lao động. Chúng tôi cũng chú trọng tìm giải pháp hỗ trợ người lao động diện nghèo, yếu thế đi làm việc ở nước ngoài để cải thiện hoàn cảnh kinh tế của họ. Chúng tôi cũng đẩy mạnh các hoạt động thông tin, tuyên truyền, giúp lao động tiếp cận với thông tin chính thống, ngăn chặn tình trạng cò mồi, môi giới bất hợp pháp, lừa đảo người lao động. 

Trong các nhiệm vụ kể trên, việc nâng cao chất lượng lao động được đặt lên hàng đầu. Điều này không chỉ giúp nâng cao thu nhập cho người lao động đi xuất khẩu mà còn tạo uy tín thương hiệu cho lao động Việt Nam. 

Ngay từ đầu năm, Bộ LĐTBXH đã xúc tiến nhiều hoạt động như ký kết bản ghi nhớ hợp tác lao động trong nông nghiệp với Úc. Dự kiến, Úc sẽ tiếp nhận khoảng 1.000 người lao động/năm, mức lương cơ bản (chưa trừ phí sinh hoạt) từ 3.200-4.000 AUD (đô la Úc)/người/tháng, tương đương 52,8-66 triệu đồng/người/tháng.

Để nâng cao chất lượng của hoạt động đưa người đi làm việc ở nước ngoài, Bộ LĐTBXH cũng yêu cầu các doanh nghiệp làm tốt công tác tạo nguồn, gồm tuyển chọn, đào tạo ngoại ngữ, tay nghề và ý thức tổ chức kỷ luật cũng như truyền thông phòng tránh bị lạm dụng, cưỡng bức khi đi làm việc ở nước ngoài.

* Với lao động nữ đi làm việc ở nước ngoài, chúng ta có chính sách ưu tiên nào không, thưa ông? 

- Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ người lao động nghèo, lao động yếu thế như phụ nữ dân tộc thiểu số, người dân tộc thiểu số. Người lao động thuộc diện này có thể được miễn phí đào tạo, phí học tiếng, được cho vay vốn tín dụng ưu đãi, ký quỹ 
lao động... 

Hiện chưa có chính sách đặc thù cho lao động nữ đi làm việc ở nước ngoài, nhưng sắp tới, chúng tôi sẽ nghiên cứu và kiến nghị bổ sung một số chính sách nhằm tăng cường bảo vệ lao động nữ khi đi làm việc ở nước ngoài.
* Xin cảm ơn ông! 

Chỉ tiêu đề ra cho năm 2022 là đưa 90.000 người đi làm việc ở nước ngoài, nhưng chúng tôi phấn đấu hoàn thành vượt chỉ tiêu, tạo tiền đề cho các năm tiếp theo. Bối cảnh tình hình kinh tế thế giới có nhiều thay đổi, dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp nên Cục Quản lý lao động ngoài nước sẽ tiếp tục bám sát tình hình để hướng dẫn người lao động, chỉ đạo doanh nghiệp làm tốt công tác đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài.

Ông Nguyễn Gia LiêmPhó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước


Nguyệt Anh (thực hiện) 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI