Tặng qua tặng lại để vui...

19/01/2025 - 09:57

PNO - Tết đến, anh chuẩn bị vài giỏ quà mang biếu lối xóm, rồi vui vẻ nhận quà lối xóm gửi. Tặng qua tặng lại để vui, để có không khí tết, và quan trọng là để thắt chặt tình thân...

Kiệu làm nhiều để dành tặng lối xóm (ảnh minh hoạ)
Má làm nhiều hũ kiệu để tặng lối xóm (ảnh minh hoạ)

Sáng thức giấc anh nhìn qua khung cửa, mưa lất phất nhắc anh nhớ đã cuối Chạp, tết sắp đến.

Anh nhớ lúc nhỏ ở quê, cuối Chạp là lúc tát đìa ăn tết, nhổ cải làm dưa, hái dừa cho má làm mứt… Dưa cải má muối cả lu lớn, kiệu thì cả chục hũ, mứt dừa cũng phải 3 chảo. Má xếp kiệu vào hũ cho thật đẹp. Mứt dừa thì cho vào hộp rồi rắc giấy kim tuyến lên trên. Má xếp những món ấy vào túi rồi bảo anh mang biếu bác Ba, cô Sáu, chú Bảy, thím Út…

Mấy đứa con hay càu nhàu má sao phải đem cho. Má nói: “Người ta ăn thì còn con à!”. Anh thấy các cô bác nhận quà ai cũng vui, mấy hôm sau lại mang sang biếu má bánh tét bánh phồng, khô sặc… những thứ nhà làm ngon và lành, anh đã hiểu câu “người ta ăn thì còn” của má.

Sau này lớn khôn, anh cũng học má, mỗi lần về quê đều có quà tặng lối xóm. Mấy thứ kẹo dẻo, sôcôla được cả xóm hoan nghênh. Tụi con nít thấy anh về là chạy theo đòi quà. Cô bác lớn tuổi thì xúm lại hỏi thăm anh công việc, vợ con. Mọi người mừng như thể anh là đứa con xa của họ. Xuống xe từ đầu làng, lòng anh đã rộn rã, những muộn phiền, bon chen như rơi đâu mất.

Nhớ hồi ba anh mất, cả xóm xúm lại dựng rạp, kê bàn ghế, lo bánh nước tiếp khách. Trong lúc tang gia bối rối, được lối xóm sẻ chia và gánh đỡ, nỗi đau của gia đình anh vơi bớt. Anh chợt thấm thía câu “bán bà con xa mua láng giềng gần”.

Nhớ tết 3 năm trước, vợ chồng anh mua được nhà riêng. Tết đến, anh lo trang hoàng nhà cửa, vợ anh làm giò chả, bánh mứt. Má lên mừng nhà mới với vợ chồng anh, mang theo lủ khủ dưa kiệu, khô cá lóc, chuối khô ngào đường… Đống đồ của má để chật cả gian bếp. Anh kêu trời: “Vợ chồng con ăn nửa năm chưa hết”. Má cười tủm tỉm: “Mấy thứ này để con “mua láng giềng gần”.

Trước kia anh nghĩ ở thành phố nhà nào biết nhà đó, chẳng ai qua lại với ai. Nhưng má nói trước lạ sau quen, sống phải có tình nghĩa xóm giềng để khi tối lửa tắt đèn còn giúp nhau. Đã thân thiện thì ra vào gặp mặt, cười với nhau một cái cũng ấm lòng.

Mấy túi quà được má xếp vào giỏ tre, thắt nơ xinh. Anh bối rối đi cùng má biếu quà lối xóm, lòng hoài nghi không biết mọi người sẽ nghĩ gì và phản ứng ra sao.

Tới nhà nào má cũng trịnh trọng nói: “Xin phép tặng chút quà quê cho anh chị. Con tôi mới về khu này, mong anh chị dòm ngó, chỉ bảo vợ chồng nó!”.

Có người vui vẻ nhận, có người ngại ngần, nhưng rồi cũng nhận quà vì má rất khéo nói. Nhờ má bắc nhịp cầu, sau này lối xóm bắt đầu thân thiện với nhau. Nhà anh quên khoá cổng, chú Sáu gọi điện nhắc nhở. Con anh Bình nửa đêm bị sốt, anh Bình lại đi công tác xa, lối xóm cùng vợ anh Bình đưa đứa nhỏ vào bệnh viện…

Nhớ nhất là mùa dịch COVID-19, khu phố lập ra “Trạm cho nhận”. Ai có thực phẩm muốn tặng thì mang ra để đó, ai cần thì tới lấy. Nhờ “Trạm cho nhận” mà nhà anh qua được mùa dịch cam go. Tết năm ấy, cả xóm góp lại cùng gói bánh tét, rồi thức cả đêm để luộc bánh. Trong ánh lửa chiều cuối năm, lũ trẻ trong xóm xúm lại chơi rượt bắt, trốn tìm. Người lớn thì bày mâm chờ đón giao thừa, cảnh chộn rộn hệt ở quê. Nhìn tụi nhỏ cười đùa, trong anh nhen lên hy vọng những gì tươi đẹp sẽ thành ký ức ngọt ngào mai sau…

Má anh đã rời cõi tạm, nhưng những gì má dạy anh vẫn nhớ. Tết đến, anh chuẩn bị vài giỏ quà mang biếu lối xóm, rồi vui vẻ nhận lại quà lối xóm gửi cho. Tặng qua tặng lại để vui, để có không khí tết, và quan trọng là để thắt chặt tình thân.

Vợ anh hôm qua nhắc: “Ở quê mùa này đang tát đìa, em dặn Út mua vài chục ký cá lóc làm khô, dành tặng lối xóm”. Anh bỗng thấy lòng chộn rộn và ấm áp quá chừng, tết đã sát bên lưng.

Đức Phương

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI