Sở dĩ nói "không riêng" vì ban đại diện cha mẹ học sinh lớp con tôi "không tha" bất cứ ngày nào có thể "thể hiện tình cảm" với giáo viên. Nào là 20/10, 20/11, Giáng sinh, Tết Nguyên đán, 8/3, tổng kết năm học, lễ tri ân thầy cô, ngày sinh nhật cô... cũng phải đủ "thủ tục".
Sở dĩ tôi gọi là thủ tục, vì việc tặng quà hiếm khi xuất phát từ tình cảm của phụ huynh, mà nó mang ý nghĩa "làm sao cho cô không buồn", "tặng gì cho bằng lớp khác". Ở trong ban đại diện, tôi đã bao lần đau đầu vì phải chọn mua quà gì cho giáo viên, quà trị giá bao nhiêu. Việc chọn quà khó như sao trên trời, được lòng phụ huynh nọ thì mất lòng phụ huynh kia, trong khi quỹ lớp thì eo hẹp.
Các phụ huynh thì tùy quan điểm và khả năng kinh tế của họ, quan niệm về quà tặng cũng muôn ý muôn vẻ, group của hội phụ huynh cứ tới gần ngày lễ tết là ồn ào tranh cãi.
Hồi con tôi lên lớp 8, sau ngày nhà giáo, tôi hoảng hốt khi vô tình đọc tin nhắn trong nhóm các con, chúng kháo nhau rằng cô chủ nhiệm "tám" với cô giáo lớp khác, chê phụ huynh lớp mình "không nghèo mà keo", cả lớp mấy chục học sinh chỉ một món quà lấy lệ, cho xong.
|
Quà tặng liệu có là thước đo tình cảm? Nguồn ảnh: Internet |
Tôi nghe con kể thì "nóng máu". Giáo viên, nói dù là nghề cao quý, nhưng suy cho cùng cũng là một nghề kiếm sống. Nghề nào có đặc thù đó, giáo viên luôn được xã hội tôn vinh, nhớ ơn và trân trọng. Giáo viên đi làm cũng có lương, thậm chí còn được ưu ái hơn các nghề khác là có mấy tháng hè không đi làm vẫn nhận lương. Từ bao giờ giáo viên coi cả việc tặng quà là “bổn phận” của phụ huynh và học sinh? Phải tặng quà đúng ý mới là tôn sư trọng đạo, biết lễ nghĩa?
Trên mạng, tôi cũng từng thấy hình ảnh những bông hồng các bé mua tặng, bị các cô gom bỏ trong thùng rác ngay sau lễ 20-11. Quà mang ý nghĩa tinh thần bị coi nhẹ, đối xử phũ phàng, nghĩ mà xót xa.
Khi con tôi học mẫu giáo, tôi luôn thấy phụ huynh hàng tháng "bồi dưỡng" cho cô mấy trăm để cô "chú ý" con mình. Người không có điều kiện cũng ráng cho bằng người khác, vì sợ con mình bị bỏ bê.
Thử hỏi, ai cũng mong con mình được chú ý, thì cuối cùng ai được chú ý hơn. Và sự thật là không có cô giáo, bảo mẫu nào từ chối bao thư. Họ coi đó là khoản "thu nhập cộng thêm" hợp pháp.
Tối qua, con trai lớp 4 của tôi đòi mẹ mua quà, nếu mua hoa thì chỉ một bông nhỏ 10 ngàn đồng cho... đỡ thô. Con nói nhà bạn A chuẩn bị quà cho cô là đôi giày, bạn C là túi xách, bạn khác là nước hoa, mỹ phẩm, có mấy bạn được mẹ mua vải may áo dài tặng cô...
Tôi thở dài, trẻ bây giờ đâu ngây thơ như ngày xưa, chúng chỉ biết đua nhau mà không biết "cuộc đua" đó đúng hay sai. Kết quả là phụ huynh mang thêm cái áp lực nhìn nhau để "sao coi cho được".
|
Nhiều phụ huynh quen tặng giáo viên món quà thiết thực nhất: tiền mặt - Ảnh minh họa |
Nguyên nhân bọn trẻ có suy nghĩ thực dụng như vậy, hoàn toàn do người lớn. Khi tôi phản đối lấy quỹ lớp ra mua món quà tiền triệu, một số phụ huynh đã nói: "Cô đã vất vả vì con em mình, tặng cô món quà cho cô vui", có người thẳng thừng "tôi sẽ tặng riêng".
Tôi nghĩ không phải giáo viên nào cũng chú tâm đến quà cáp và bị chi phối tình cảm thái độ với học sinh qua món quà tặng, nhưng hẳn là có một vài giáo viên rất mong chờ cơ hội nhận quà, và buồn khi quà không như ý nên mới "rầu nồi canh".
Gia đình tôi có người làm ngành giáo dục, bạn bè tôi cũng có giáo viên dạy môn chính, môn phụ. Giáo viên không phụ trách lớp, hoặc dạy các môn phụ thường buồn hơn đồng nghiệp trong ngày lễ ngành. Giáo viên chủ nhiệm hay người môn dạy môn chính, nếu không được nhà trường khen thưởng, nếu hội cha mẹ học sinh phụ huynh "bỏ quên", thì cũng có chút chạnh lòng. Nhưng có lẽ đó chỉ là nỗi buồn thoáng qua, chứ không nặng nề. Vì vậy, khi có “lệnh” cấm tặng quà từ ngành giáo dục, tôi hỏi ý thì họ xem đó là điều hợp lý.
|
Trẻ nhỏ rất thích tặng hoa tri ân thầy cô - Tranh minh họa |
Khi nhiều giáo viên chủ nhiệm vẫn xem các ngày lễ là dịp "tăng thu nhập", và phụ huynh ngầm hiểu điều này nên cấm tặng quà riêng cho cô ở trường thì phụ huynh sẽ hẹn gặp nơi khác, hoặc ship quà về tận nhà giáo viên… Tất cả vẫn theo dòng tâm lý: cô vui thì con mình không thiệt thòi.
Đến bao giờ thì những món quà mới thật sự là quà mà không mang theo ý đồ ẩn sau giá trị? Đến bao giờ thì trường học mới thật sự là nơi bình đẳng, mọi học sinh đều được đối xử như nhau, bất kể cha mẹ chúng là ai, như thế nào?
Bản thân quà tặng và việc tặng quà là tốt đẹp, nhưng khi nó đã góp phần ảnh hưởng môi trường bình đẳng - bác ái của trường học, thì nên hủy bỏ. Trong khi chờ những người lãnh đạo có tâm có tầm của ngành giáo dục ra những quyết sách đúng đắn, cải cách quản lý và giáo dục. Là một phụ huynh, tôi vẫn phản đối việc tặng quà, dù dưới hình thức nào.
Lê Bảo Thy (quận 6, TPHCM)