Đầu tháng Chạp, khi thấy một chiếc áo màu đỏ, chị đã nhắm sẽ mua nó để mặc vào tết. Chiếc áo nếu phối với chiếc chân váy đen của chị, diện thêm đôi bốt nữa thì chắc chắn sẽ khoe khéo được vòng eo nhỏ, trông vừa sang trọng vừa trẻ trung. Năm nay làm ăn vất vả, không tiết kiệm được gì nên cứ chọn màu đỏ để hy vọng năm sau gặp nhiều may mắn.
Từ khi quyết định sẽ mặc chiếc áo ấy vào Mùng 1 tết, chị không còn muốn mua món đồ nào khác nữa cả. Nhưng giá chiếc áo là gần 600 ngàn đồng – bằng một giỏ quà đơn giản nhất để mang đi biếu được một người.
Viết sơ sơ ra trong giấy, chị thấy cũng phải 15 người cần được mua quà cho. Giám đốc, trưởng phòng, chị kế toán, đối tác, thầy dạy kinh doanh, ông bà nội, ông bà ngoại, chú bác bên nhà chồng… Rồi chồng và 2 đứa con chị cũng cần phải có cái áo mới mặc tết.
|
(Ảnh minh họa) |
Nhớ cảnh vài năm trước khi không mua đồ mới cho chồng, con, mới sáng Mùng 1 chị đã bị mẹ chồng nhắc nhở: “Con làm gì thì làm, thiếu thốn đến mấy cũng phải lo cho con cái tinh tươm. Chứ ai lại đến tết vẫn mặc đồ cũ thế kia, các cụ ngày xưa là kiêng lắm đấy”.
Chị chẳng kiêng cữ gì, cũng chẳng phải sợ mẹ chồng nói nhưng lời nói ấy khiến chị nghĩ đúng là các con nên có đồ mới ngày tết. Chị nhớ đến ký ức ngày bé của mình, cứ đến gần tết là được cha chở xuống khu thương nghiệp, vừa ngắm nhìn không khí mua sắm rộn ràng, vừa được mua áo mới. Chiếc áo mới được chị nâng niu, đi ra đi vào ngó nghiêng thời tiết xem mặc có phù hợp không, rồi đêm giao thừa chỉ mong nhanh đến sáng mùng 1 để được diện áo mới.
Chị cũng muốn các con của mình có những ký ức đẹp đẽ như thế. Nên sau đó, cứ đến tết là chị sẽ thêm khoản mua áo quần mới cho con vào danh sách cần chi. Chị muốn tặng con quà.
Rồi chồng nữa, chị cũng đâu thể để anh xuề xòa, không ra dáng khi cả năm trời mới về quê một lần. Nên cứ đến tết, chị sẽ sắm cho anh bộ vest hoặc chiếc áo sơ mi mới. Giày da của anh năm nay cũng sờn da, mòn đế rồi, lại thêm khoản phải chi.
Chị cũng nghĩ đến gương mặt của bố mẹ chồng hay bố mẹ đẻ khi đón con cháu về quê sum vầy. Ông bà lúc nào cũng nói không cần quà cáp, bày vẽ gì cho tốn kém nhưng chỉ cần có món quà nào mà chị mua cho thì cũng khoe khắp làng xóm, gương mặt bừng sáng, mừng vui. Vậy nên chị vẫn cứ muốn mua cho từng ông, bà những món đồ thiết thực.
Ông bà già rồi, năm nay biếu mấy củ sâm tươi để ngâm mật ong, tính ra cũng ngót nghét hơn 3 triệu.
Những khoản quà cố định cuối năm cho sếp hiện tại, sếp cũ rồi trưởng phòng, đối tác để tạo điều kiện tốt hơn cho công việc của mình cũng không thể thiếu được. Tùy độ thân thiết và uy nghiêm của từng người mà chị cần phải mua giỏ quà to hay giỏ quà bé, nhưng ít nhất cũng phải là 6 trăm nghìn một giỏ.
Chị kế toán đợt vừa rồi duyệt chi mấy khoản cho chị rất khó khăn nên chị tính năm nay cũng phải biếu chút quà.
Tính đi tính lại, món quà cáp nào cũng là cần thiết. Chưa kể mấy đứa cháu cứ lúc nào cũng gọi điện cho chị, ríu rít “thím nhớ mua lego, ô tô điều khiển từ xa cho cháu, tết mang về nhé”. Nghĩ mà thấy ngại khi thất hứa với đám cháu nhưng nếu mua nữa thì đúng là “thím cũng kiệt quệ, các cháu ạ”.
Quanh đi quẩn lại, số tiền 20 triệu mà chồng đưa cho chị để sắm tết thì chưa kịp sắm gì đã phải chi hết cho phần quà cáp. Chị còn bỏ thêm số tiền thưởng tết 20 triệu đồng của mình vào nữa mà cũng đã hết sạch, chỉ dư đúng 4 triệu, mà phải đổi tiền lẻ để còn lo khoản lì xì.
Chiếc áo đỏ mà chị định mua cứ thi thoảng lại đi qua đi lại trong đầu chị. “Năm nay có khi tối giản thôi, mua sắm gì cho tốn kém, có gì mặc nấy”, chị bảo với chồng như thế và nghĩ là tiết kiệm được khoản nào hay khoản đấy. “Nhưng đời phụ nữ có mấy mùa xuân, gì mà đến cái áo cho mình cũng tiếc”, chị tự nhủ.
Đấu tranh mãi, cuối cùng chị tặc lưỡi và quyết định sẽ mua, dù cho thiếu tiền để tiêu Tết nữa. Đó là buổi chiều trước khi gia đình chị sắp xếp đồ đạc để về quê. Nhưng chị vừa inbox bảo ship thì cửa hàng đã báo hết hàng.
“Chị không đặt cọc nên tụi em đã bán rồi ạ”, em nhân viên trả lời tỉnh bơ nhưng trong lòng chị là sự tan nát.
Với chị thì bây giờ mặc gì cũng không còn ý nghĩa nữa. Chị thấy mình tệ với bản thân quá, khi câu nệ lễ nghĩa, tặng quà cho 15 người nhưng lễ nghĩa cho chính mình lại bỏ qua.
Cát Tường