Tăng nặng mức phạt, nên hay không?

09/03/2022 - 10:00

PNO - Văn hóa ứng xử, thượng tôn pháp luật trong giao thông ở nước ta hiện nay là chưa cao, thông qua hàng loạt vụ vi phạm pháp luật nghiêm trọng. Việc tăng mức hình phạt là cần thiết để tăng giá trị hệ thống pháp luật của nước ta, nhưng cũng cần phải tăng sao cho phù hợp với thực tế.

 

Ảnh minh họa
Việc tăng mức phạt để xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm giao thông là cần thiết nhưng cần tăng sao cho hợp lý (Ảnh minh họa)

Hai năm trước, khi Nghị định 100 được ban hành, có quy định tăng nặng xử phạt về việc uống rượu, bia khi tham gia giao thông, có thể thấy các vụ tai nạn giao thông do rượu bia ở nước ta đã giảm đáng kể. Việc tăng nặng hình phạt, mà cụ thể là vào túi tiền đã tác động vào lợi ích của người vi phạm, từ đó thay đổi đáng kể hành vi của đại đa số người dân.

Theo báo cáo của Ủy Ban An toàn giao thông Quốc gia, trong 5 tháng đầu năm 2020 so với năm 2019 số vụ tai nạn giao thông đã giảm 18,75%. Để làm được điều này, việc thực thi pháp luật phải nghiêm. Cần xây dựng được đội ngũ đủ mạnh để kiểm tra thường xuyên. Không có chuyện sau khi nghị định “ra mắt” thì tức tốc ra quân kiểm tra rồi sau đó “đâu lại vào đấy”.

Việc xây dựng tàng thư vi phạm là cần thiết và cần xây dựng từ lĩnh vực hành chính, dân sự đến hình sự. Khi một người lần đầu tiên trộm cắp bị phạt 6 tháng tù giam, nếu vi phạm lần hai thì ngoài hình phạt gốc thì cần thêm hình phạt bổ sung.

Hiện nay, việc xử phạt trong hệ thống pháp luật của nước ta còn nhiều hạn chế. Theo tôi, hiện nay một số thì quá nặng, còn một số thì quá nhẹ. Cần điều chỉnh lại sao cho phù hợp.

Chẳng hạn, với hành vi cá nhân “Có cử chỉ, lời nói thô bạo, khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác” chỉ phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng là quá thấp. Còn khi mức phạt quá cao thì dễ xảy ra tiêu cực, thương lượng giữa người vi phạm và người thi hành luật, hoặc người vi phạm không có đủ tiền để nộp phạt. Từ đó làm giảm tính nghiêm minh của pháp luật, làm mất lòng tin của nhân dân.

Lấy ví dụ nhiều người chạy chiếc xe chỉ còn đáng giá 3 triệu đồng, nhưng khi vi phạm giao thông lại bị phạt đến 6 triệu đồng thì họ sẵn sàng chấp nhận bỏ chiếc xe đó. Nhà nước không những không thu được tiền phạt mà còn phải tốn tiền để tạm giữ xe, nếu muốn tiêu hủy cũng mất một khoản phí.

Vì vậy, đòi hỏi phải có được một hệ thống pháp luật cụ thể, thậm chí có thể điều chỉnh liên tục cho phù hợp với tình hình hiện tại. Tùy vào từng khu vực, đối tượng cụ thể mà có những quy định xử phạt khác nhau. Sẽ mất nhiều năm mới có thể cải cách lại các quy định nếu muốn làm cho cụ thể, nên cần phải sửa đổi ngay từ bây giờ. Như Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan (khi đó là Bí thư Tỉnh ủy của Đồng Tháp) từng chia sẻ với báo chí: “Khi cán bộ về với dân, tìm hiểu cuộc sống của người dân, san sẻ khó khăn với người dân, lúc đó mới biết người dân cần gì? muốn gì? thiếu gì? để rồi tìm cách giúp họ”.

Xây dựng pháp luật cũng như thế, việc tăng nặng, giảm nhẹ mức phạt cần lấy ý kiến của dân trước khi ban hành các quy định xử phạt, làm luật không phải là tự nghĩ ra mà phải đi ra từ dân, phải hiểu dân thì luật mới phù hợp. Xét cho cùng, nếu người dân được sống trong một hệ thống pháp luật hoàn chỉnh, được giáo dục tốt và người thực thi pháp luật nghiêm minh, minh bạch thì việc thượng tôn pháp luật của người dân là điều đương nhiên.

Lương Anh Vũ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI