Tăng lượng sản phẩm bình ổn thị trường người tiêu dùng có được lợi?

02/05/2018 - 07:51

PNO - Năm 2018, TP.HCM tăng lượng hàng bình ổn thị trường thêm 15-35% so với năm 2017, đồng thời dành hơn 2.000 tỷ đồng vốn vay ưu đãi cho bình ổn thị trường. Liệu NTD có thu nhập thấp, ở vùng sâu, xa có tiếp cận được?

“Chưa biết tới, chưa mua được hàng bình ổn”

Năm nay, TP.HCM tiếp tục thực hiện bốn chương trình bình ổn thị trường (BÔTT), áp dụng cho các nhóm hàng: lương thực - thực phẩm thiết yếu, sữa, sản phẩm phục vụ mùa khai giảng, dược phẩm thiết yếu.

Theo Sở Công thương TP.HCM, tổng lượng hàng BÔTT chiếm khoảng 25-40% nhu cầu thị trường và tăng bình quân 15-35% so với năm 2017.

Nhóm hàng lương thực - thực phẩm thiết yếu gồm: gạo, đường, dầu ăn, thịt gia súc, thịt gia cầm, trứng gia cầm, thực phẩm chế biến, rau củ quả, thủy hải sản, gia vị. Sản phẩm phục vụ mùa khai giảng gồm 103 loại, tăng 22 loại so với năm 2017.

Tổng lượng sữa tham gia BÔTT năm nay là 1.940,5 tấn (161,71 tấn/tháng) và 12,52 triệu lít sữa nước (1,43 triệu lít/tháng); chiếm từ 30-35% mức tiêu dùng của thị trường thành phố. Các mặt hàng dược phẩm chiếm khoảng 50% thị phần của các nhóm thuốc thiết yếu với 21 nhóm thuốc, 176 hoạt chất và 383 mặt hàng.

Tang luong san pham binh on thi truong nguoi tieu dung co duoc loi?
 

Thực tế, nhiều người tiêu dùng (NTD) vẫn chưa biết đến và chưa mua được sản phẩm BÔTT với giá thấp hơn 5-15% so với giá thị trường vì phần lớn hàng BÔTT được phân phối chủ yếu ở các siêu thị, cửa hàng tiện ích và một số chợ truyền thống.

Các chợ nhỏ, gần như “vắng bóng” hàng BÔTT nên NTD vẫn chưa tiếp cận được. Khi được hỏi về hàng BÔTT, cô Liên (70 tuổi, ngụ tại Q.Gò Vấp, TP.HCM) lắc đầu: “Đi chợ mấy chục năm nay, tôi có nghe ai nói tới hàng bình ổn đâu, mà cũng không thấy điểm bán nào trưng bảng hàng bình ổn để ghé mua. Mua chỗ quen cho yên tâm, không bị hớ giá”. 

Ngay cả ở các chợ truyền thống có triển khai bán hàng BÔTT, mặt hàng BÔTT chủ yếu là thịt heo, trứng gà, vịt; muốn mua thủy hải sản, rau củ quả, thực phẩm chế biến giá bình ổn, lại không có để mua.

Thậm chí, vào một số hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi, NTD cũng khó nhận diện được khu vực nào, mặt hàng nào có giá BÔTT, ngoại trừ một số sản phẩm đường, bột ngọt, dầu ăn, trứng gia cầm…

Do vậy, nhiều NTD dần dần không còn quan tâm tìm mua hàng BÔTT. Đáng nói, số lượng điểm bán hàng BÔTT chưa “phủ sóng” rộng khắp được đến vùng nông thôn, các chợ vùng ven, khu chế xuất (KCX), khu công nghiệp (KCN) nên hầu như người dân và công nhân chưa được hưởng lợi từ chương trình này. 

Giám đốc một doanh nghiệp tham gia chương trình BÔTT nhận định: “Hệ thống phân phối hàng bình ổn còn mang tính tự phát; một số đơn vị đưa hàng về nông thôn, vùng sâu, vùng xa nhưng số lượng rất ít. Công tác kiểm tra, giám sát còn chưa chặt chẽ nên vẫn còn tình trạng một số nơi không niêm yết giá, giá bán hàng bình ổn cao hơn giá thị trường”. 

Công nhân có nhu cầu nhưng doanh nghiệp đành chịu

Ông Trần Công Khanh - Đại diện Ban Quản lý các KCX và KCN TP.HCM (Hepza) - cho rằng, tại các KCX và KCN do Hepza quản lý, có 290.000 công nhân. Nhu cầu hiện nay đối với công nhân là muốn tiếp cận được thực phẩm sạch, an toàn, giá cả hợp lý.

Chương trình bán hàng lưu động của các doanh nghiệp vào các KCX, KCN là thiết thực, nhưng các mặt hàng bán ở đó vẫn còn đơn điệu, chưa phong phú về chủng loại nên chưa đáp ứng đủ nhu cầu của công nhân.

Thời gian qua, chỉ có 10-12 doanh nghiệp tham gia chương trình bán hàng lưu động trong các KCX và KCN nhưng chủ yếu là bánh kẹo, nước mắm, trong khi nhu cầu tiêu dùng của công nhân là các mặt hàng tươi sống như thịt gà, thịt vịt, thịt heo…

Ngược lại, đại diện nhiều doanh nghiệp tham gia chương trình BÔTT lại bức xúc cho biết, khó đưa hàng vào các KCX, KCN, các bếp ăn trường học hay các doanh nghiệp chuyên cung cấp suất ăn công nghiệp. Nhiều nơi từ chối với lý do “đã có đơn vị cung ứng thực phẩm ổn định”. 

Bà Phạm Thị Huân - Giám đốc điều hành Công ty cổ phần Ba Huân - bức xúc: “Công ty Ba Huân tham gia chương trình bình ổn đã 15 năm. Không có doanh nghiệp nào mà không muốn phát triển thị trường trong các KCN nơi có đông công nhân, hay trường học, khu đông dân cư. Nhưng hầu như các bếp ăn trong các KCN, trường học đều có mối mang, họ không chấp nhận mua hàng của chúng tôi. Thậm chí, chúng tôi sẵn sàng bán hàng lấy tiền trả chậm, nhưng cũng bị gạt ra”.

Tương tự, đại diện Doanh nghiệp tư nhân Nông Gia Trang cũng cho biết, có đi chào hàng ở KCX và trường học nhưng không “vào” được do không chung chi. Giá chung chi cho chủ bếp ăn tập thể là 25%; còn lại, doanh nghiệp phải tự tính làm sao có lãi thì mới đưa hàng vô được. Với mức chung chi này, doanh nghiệp đành bó tay.

Tăng chất lượng sản phẩm, mở rộng điểm bán

Theo Sở Công thương TP.HCM, giá bán hàng BÔTT được thực hiện theo cơ chế điều chỉnh linh hoạt, đảm bảo các mặt hàng lương thực - thực phẩm, dược phẩm thấp hơn giá thị trường ít nhất 5-10%; các mặt hàng mùa khai trường thấp hơn giá thị trường ít nhất 10-15%.

Riêng với các mặt hàng sữa, doanh nghiệp kê khai giá và cam kết bán đúng giá quy định của chương trình đã được Sở Tài chính phê duyệt; trong trường hợp giá nguyên vật liệu, chi phí đầu vào biến động từ 5-10% so với thời điểm kê khai giá bán liền trước, doanh nghiệp sẽ kê khai lại giá bán để được điều chỉnh; trường hợp thị trường giảm giá chưa đến 5%, doanh nghiệp chủ động thực hiện các chương trình khuyến mãi phù hợp với tình hình thực tế.

Ông Đỗ Đông Hướng - Trưởng ban Vật giá, Sở Tài chính TP.HCM - thông tin: “Chúng tôi đã theo dõi sát diễn biến thị trường để điều chỉnh giá bán phù hợp, ổn định. Qua kiểm tra, hầu hết các điểm bán hàng BÔTT đều có treo băng-rôn bán hàng BÔTT, có niêm yết giá và bán đúng giá niêm yết, hàng BÔTT có khu vực riêng để NTD dễ nhìn thấy. Nhưng, vẫn còn một số điểm bán chưa bày bán hàng bình ổn ở khu vực riêng, không niêm yết giá”. 

Được biết, TP.HCM hiện có khoảng 300.000 doanh nghiệp nhưng chỉ có 88 doanh nghiệp tham gia chương trình BÔTT. Song, bà Nguyễn Huỳnh Trang - Phó giám đốc Sở Công thương TP.HCM - cho rằng, hàng của các doanh nghiệp tham gia BÔTT chiếm đến gần 50% thị phần trên tất cả các lĩnh vực hàng thiết yếu.

“Năm nay, chúng tôi sẽ hỗ trợ tích cực cho các doanh nghiệp mở rộng hệ thống phân phối, sẽ giới thiệu mặt bằng ở các quận, huyện cho các doanh nghiệp bán hàng bình ổn. Chương trình BÔTT sẽ tập trung đi sâu vào chất lượng sản phẩm, để NTD dần hiểu rằng, họ đang sử dụng hàng chất lượng cao chứ không phải chỉ đơn thuần đó là hàng BÔTT. Chúng tôi cũng sẽ tiếp tục mở rộng mạng lưới phân phối đến các vùng sâu, vùng xa, các KCX, KCN không chỉ ở TP.HCM mà còn ở các tỉnh” - bà Trang nói.  

Về những khó khăn của doanh nghiệp khi muốn đưa hàng BÔTT đến công nhân, bà Trang thừa nhận khó đưa thực phẩm BÔTT vào các bếp ăn tập thể.

“Sở sẽ có buổi làm việc để cùng ngồi lại xem xét, đưa ra giải pháp và kiến nghị UBND TP.HCM có chỉ đạo cụ thể. Bếp ăn trường học, bếp ăn cho công nhân thì hàng hóa phải có nguồn gốc rõ ràng. Chúng tôi cũng sẽ tăng cường kiểm tra các bếp ăn tập thể này”.  

Nguyễn Cẩm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI