Tăng liên kết để có chuỗi sản phẩm đa dạng

19/12/2024 - 06:50

PNO - Từng cùng người thân du lịch đường sông Sài Gòn nhiều lần, chị Nguyễn Thị Hương (quận 7, TPHCM) nhận xét, đi buýt sông ngắm cảnh là loại hình du lịch thú vị. Chị thấy tiếc khi đến nay, chưa có tour du lịch đường sông nào kết nối TPHCM với vùng Tây Nam Bộ - nơi có hệ thống sông, kênh dày đặc, cuộc sống người dân cũng đậm chất sông nước.

Ông Phan Văn Mạnh - Giám đốc Công ty Du lịch Rồng Vàng Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang - cho biết, ông đã khảo sát rất nhiều tỉnh, thành ở miền Tây Nam Bộ để mở các tour, tuyến khám phá sông nước. Đây là lợi thế rất lớn của vùng này nhưng chưa được khai thác tốt. Mỗi tỉnh, thành cũng có tiềm năng, thế mạnh du lịch riêng nhưng chưa chịu đánh thức chúng. Chẳng hạn, tỉnh An Giang có nhiều chùa, miếu nổi tiếng nên cần khai thác mạnh du lịch tâm linh; tỉnh Đồng Tháp nên khai thác thế mạnh du lịch nông nghiệp, sinh thái; tỉnh Kiên Giang nên phát triển du lịch biển đảo; tỉnh Cà Mau nên phát triển du lịch sinh thái nước mặn, trải nghiệm chèo xuồng… “Phải khai thác nét riêng của từng địa phương thì sản phẩm du lịch mới độc đáo, không trùng lắp, gây nhàm chán” - ông nói.

Chủ vườn ở làng hoa Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp đang tất bật chăm sóc vườn để đón khách du lịch đến tham quan dịp tết - ẢNH: HUỲNH LỢI
Chủ vườn ở làng hoa Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp đang tất bật chăm sóc vườn để đón khách du lịch đến tham quan dịp tết - Ảnh: Huỳnh Lợi

Ông Trần Thanh Nghị - Giám đốc chi nhánh Cần Thơ của Công ty cổ phần Dịch vụ du lịch Bến Thành - cũng cho rằng, mỗi địa phương nên có sản phẩm du lịch đặc trưng của mình, sau đó liên kết du lịch với các địa phương khác để tạo thành chuỗi sản phẩm đa dạng, liền mạch. Với cách làm này, du khách sẽ có hành trình du lịch thuận tiện, phong phú.

Hiện đang tư vấn cho ngành du lịch tỉnh Đồng Tháp, Trà Vinh và một số tỉnh xây dựng mô hình du lịch thực hành nông nghiệp, du lịch cộng đồng, tiến sĩ Dương Đức Minh - Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế và du lịch TPHCM - cho rằng, các sản phẩm này sẽ giúp các địa phương tăng nguồn thu từ du lịch, lan tỏa lợi ích cho cộng đồng.

Ông nhận xét, tính trải nghiệm trong các tour du lịch miền Tây Nam Bộ còn đơn điệu, khách đến nơi chủ yếu để chụp hình do thiếu các hoạt động tương tác. Do vậy, sau một chuyến đi, khách không thu được sự hiểu biết nào về vùng đất họ vừa đến. “Các tỉnh cần xây dựng sản phẩm du lịch mang bản sắc riêng thay vì na ná nhau. Ngoài ra, các tỉnh nên hình thành các cụm du lịch như cụm Huế - Đà Nẵng - Quảng Nam để tăng tính hấp dẫn, tăng lượng khách. Trong cụm động lực phát triển du lịch vùng Tây Nam Bộ thì TPHCM đóng vai trò hạt nhân liên kết” - ông góp ý.

Chuyên gia thiết kế sản phẩm du lịch Phan Yến Ly (TPHCM) cho rằng, dù đã được cải thiện đáng kể, giao thông đường bộ vùng đồng bằng sông Cửu Long vẫn chưa thực sự thuận tiện. Chẳng hạn, quãng đường từ TPHCM đến tỉnh Bến Tre chỉ khoảng 140km nhưng đi ô tô trong ngày đầu tuần cũng mất khoảng 4 giờ, dịp lễ tết còn lâu hơn nữa, trong đó chỉ riêng việc qua được cầu Rạch Miễu đã mất 30 phút. Do đó, để phát triển kinh tế nói chung, du lịch nói riêng ở vùng đồng bằng sông Cửu Long, cần đầu tư hơn nữa về hạ tầng giao thông và nghiên cứu phát triển du lịch đường thủy.

Bà Phan Yến Ly lưu ý, biến đổi khí hậu đang làm cho vùng này không còn là vùng đất phù sa màu mỡ, không còn là vựa lúa phì nhiêu. Trước đây, việc làm du lịch ở đây có thể dựa vào yếu tố tự nhiên như sông Mê Kông, ruộng lúa, những nẻo đường phù sa thì nay, những điều này đang dần mất đi. Do đó, muốn làm du lịch, nhất thiết phải có sự đầu tư, xây dựng. Bà dẫn chứng, hiện tại, đất làng khóm Cầu Đúc (tỉnh Hậu Giang) bạc màu, khóm mất mùa nên không thể phát triển du lịch cộng đồng; dừa Bến Tre bị sâu bệnh tấn công, nước lũ không còn đổ về trong mùa nước nổi nữa…

Theo bà, thay vì tập trung khai thác tài nguyên thiên nhiên để thu hút du khách, các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long nên đầu tư vào các câu chuyện làm toát lên nét đặc trưng của vùng đất, văn hóa Nam Bộ, đồng thời chọn các doanh nghiệp du lịch khai thác các sản phẩm này thông qua đội ngũ hướng dẫn viên, thuyết minh viên được đào tạo bài bản.

Nên xây dựng trung tâm văn hóa ẩm thực

Sản phẩm du lịch ở đồng bằng sông Cửu Long thời gian qua đã có nhiều đổi mới, đa dạng hơn nhưng nhìn chung vẫn thiếu các sản phẩm ban đêm, thiếu các sự kiện văn hóa, giải trí mang tầm quốc gia, khu vực. Nhiều du khách đến vùng này để khám phá chứ không phải nghỉ dưỡng nên chỉ đến 1 lần rồi không quay lại nữa.

Để thu hút khách du lịch, các cơ sở du lịch ở vùng này cần đầu tư vào dịch vụ lưu trú, nâng chất lượng phục vụ, đặc biệt là trang bị cho nhân viên các kỹ năng dịch vụ, trong đó có kỹ năng giao tiếp bằng ngoại ngữ. Ẩm thực là một thế mạnh của miền Tây, nhưng việc khai thác ẩm thực hiện nay chủ yếu là ở các chợ đêm, sản phẩm ẩm thực chủ yếu do các tiểu thương khai thác theo kiểu tự phát. Để khai thác thế mạnh này, cần đầu tư xây dựng một trung tâm văn hóa ẩm thực Tây Nam Bộ để vừa tăng thêm sản phẩm du lịch, vừa giới thiệu được nét văn hóa ẩm thực đặc sắc của cả vùng. Tôi tin rằng, những món ăn phong phú, ngon miệng, có sự giao thoa văn hóa nhiều vùng miền, quốc gia sẽ là những trải nghiệm thu hút khách du lịch.

Cùng với đó, cần xây dựng các chương trình tổng hợp, kết hợp nét văn hóa độc đáo của các dân tộc Kinh, Hoa, Khơ Me, Chăm, giúp các tour hấp dẫn, bớt đơn điệu, nhàm chán.

Bà Lê Đình Minh Thy - Giám đốc chi nhánh Cần Thơ của Công ty Vietravel

Quốc Thái - Huỳnh Lợi

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI