Đám tang của người Việt Nam đa số được tổ chức tại nhà, hình thức mỗi nơi, mỗi khác tùy theo tập tục địa phương.
Thường thì khi người thân không may qua đời lập tức có người của dịch vụ mai táng tiếp cận với gia đình tang chủ. Họ làm việc rất chuyên nghiệp, tư vấn cụ thể cho gia quyến những việc cần phải làm mà cơ sở của họ có thể đáp ứng hoặc giới thiệu nơi có thể đáp ứng. Dàn nhạc lễ là một trong những dịch vụ được họ giới thiệu.
|
Tang lễ văn minh cần được hướng đến. Ảnh minh họa |
Dàn nhạc được gọi là nhạc lễ, khi nhạc công đánh trống, đánh đàn, thổi kèn…được hệ thống khuếch đại âm thanh từ sáng cho đến gần giữa đêm, kéo dài nhiều ngày, nhiều đêm gây khó chịu cho cả những người đến viếng. Trưa, chiều các nhà sư dùng micro để tụng kinh, hòa nhịp cùng dàn nhạc, thông qua dàn loa âm thanh vang xa. Các bài kinh được tụng như diễn tấu cổ nhạc trong hát bộ, cải lương, đàn ca tài tử.
Một thời chúng ta đã vận động tổ chức tang lễ văn minh, chủ yếu là thể hiện sự tôn nghiêm tưởng nhớ tiếc thương người đã mất. Nhưng ngày nay, trừ những tang lễ có ban lễ tang do chính quyền chủ trì ở nhà tang lễ do Nhà nước quản lý, không hiểu sao việc lễ tang theo nếp văn minh kể trên không được gìn giữ và nhân rộng mà lại thực hiện rườm rà, ồn ào như ngày hôm nay.
Ngày xưa có lẽ nhận thấy một số phong tục tập quán không còn phù hợp nên tiến sĩ Hồ Sĩ Tân, người Quỳnh Lưu, Nghệ An đã biên soạn sách “Thọ Mai gia lễ” chủ yếu áp dụng cho gia tộc mình. Sau này người ta mới noi theo mà thực hiện. Đến hôm nay một số cơ sở dịch vụ tang lễ cho rằng mình căn cứ theo quyển sách trên để cung ứng dịch vụ mai táng. Số khác chỉ làm theo thói quen, tập quán ở địa phương.
Xem phim dễ thấy các nước tiên tiến tổ chức tang lễ không rườm rà. Cơ sở dịch vụ mai táng lo liệu mọi việc. Gia quyến và thân hữu chỉ đến lễ viếng. Họ được khuyến khích lên bục để kể về kỷ niệm hoặc cảm nghĩ của mình với người đã khuất cho mọi người tham dự nghe, để nhớ về người đang nằm trong quan tài. Xong lễ viếng, quan tài được đưa ra nghĩa trang để linh mục làm phép và mọi người đặt hoa trên quan tài chia tay lần cuối.
Ngay cả người Hàn cũng ảnh hưởng tam giáo như chúng ta giờ cũng đã tổ chức tang lễ khá hiện đại. Người thân mặc áo đen cài nơ trắng hoặc áo trắng đeo băng đen. Người đến viếng đứng cúi đầu trước di ảnh và nói lời chia buồn với người đại diện gia đình thì gia quyến cúi đầu cám ơn.
Thiết nghĩ việc cải cách hình thức tổ chức tang lễ rất cần thiết. Muốn vậy trước tiên phải tập hợp những nhà khoa học về xã hội nhân văn, có hiểu biết sâu rộng về văn hóa vùng miền, kết hợp với những chức sắc của các tôn giáo có nhiều tín đồ ở Việt Nam để đưa ra những nghi thức để tổ chức tang lễ văn minh, phù hợp cho từng nơi, từng dân tộc, từng tôn giáo. Căn cứ vào đó mà tuyên truyền hướng dẫn thậm chí khuyến khích người dân thực hiện. Việc tuyên truyền nên bắt đầu từ các cơ sở dịch vụ mai táng. Đồng thời Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ cho những người bị mất việc do không còn hành nghề trong các khâu tổ chức đám ma theo kiểu cũ để họ chuyển đổi công ăn việc làm.
Một việc cũng rất cần thiết là cần có những nhà tang lễ công cộng để cư dân có thể tiếp cận khi cần thiết, thay vì phải tổ chức tại nhà gây cản trở giao thông, làm ồn ào phiền nhiễu xóm giềng.
Chúng ta đã từng thay đổi tập quán, phong tục đốt pháo. Từng tạo ra cho người Việt thói quen đội mũ bảo hiểm khi chạy xe gắn máy. Nếu quyết tâm, chắc chắc chúng ta có thể thay đổi hình thức tang lễ văn minh hơn.
Nguyễn Thu Đăng