Tăng huyết áp - "Sát thủ thầm lặng"

22/07/2024 - 07:23

PNO - Tăng huyết áp (cao huyết áp) đang trở thành vấn đề sức khỏe ngày càng ảnh hưởng đến nhiều người. Đáng lo ngại hơn, tỉ lệ người mắc bệnh tăng huyết áp không được phát hiện, chẩn đoán, điều trị và kiểm soát hiệu quả còn rất cao. Tình trạng này tiềm ẩn nguy cơ dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm, hệ lụy ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe và tính mạng.

Hậu quả của tăng huyết áp không được điều trị kịp thời

Theo thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Xuân Tuấn Anh - Phòng khám Tim mạch - Khoa Khám bệnh Bệnh viện Đại học y dược TPHCM - ước tính cứ 3 người trưởng thành thì có 1 người mắc bệnh tăng huyết áp, tỉ lệ này tăng cao theo độ tuổi. Đặc biệt, ở nhóm người cao tuổi từ 70-80, tỉ lệ mắc bệnh lên đến 80%. Tuy nhiên, căn bệnh này ngày càng có xu hướng trẻ hóa do lối sống hiện đại hối hả, căng thẳng, ít vận động, chế độ ăn uống thiếu khoa học (nhiều đạm, dầu mỡ, bia rượu, thuốc lá...).

Tình trạng trẻ hóa bệnh tăng huyết áp đồng nghĩa với việc các biến chứng nguy hiểm cũng xuất hiện sớm hơn. Nguy hiểm hơn, có đến 50% người đã được chẩn đoán mắc bệnh nhưng chủ quan không điều trị vì bệnh thường không có triệu chứng rõ ràng. Trong số những người tuân thủ điều trị, tỉ lệ đạt được huyết áp mục tiêu cũng chỉ ở mức 30%, tiềm ẩn nhiều nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe. Do đó, việc chẩn đoán chính xác và tuân thủ điều trị là vô cùng quan trọng.

Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Xuân Tuấn Anh  đang tư vấn về điều trị cho một trường hợp mắc bệnh tăng huyết áp - Ảnh: M.T.
Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Xuân Tuấn Anh đang tư vấn về điều trị cho một trường hợp mắc bệnh tăng huyết áp - Ảnh: M.T.

Ông T.V.K. (65 tuổi, ngụ tỉnh Đồng Nai) là trường hợp điển hình về hậu quả bệnh tăng huyết áp không được phát hiện và can thiệp kịp thời. Bệnh nhân có tiền sử béo phì, ít vận động và hút thuốc lá lâu năm. Ông K. chưa bao giờ đi khám sức khỏe định kỳ. Đầu năm 2023, ông K. đột ngột đau đầu dữ dội, chóng mặt, buồn nôn và ngã ra bất tỉnh. Gia đình liền đưa ông đến bệnh viện. Sau khi thăm khám, bác sĩ chẩn đoán ông bị đột quỵ não do xuất huyết não. Nguyên nhân xuất phát từ bệnh tăng huyết áp không được kiểm soát. Sau tai biến, bệnh nhân bị liệt nửa người bên phải và nằm liệt giường trong thời gian dài. Di chứng của tai biến mạch máu não khiến ông K. gặp nhiều khó khăn trong sinh hoạt cá nhân, cần có người thường trực để hỗ trợ chăm sóc. Ông cũng thường xuyên phải nhập viện điều trị các biến chứng do tăng huyết áp như suy tim, suy thận...

Trường hợp khác là chị P.T.B. (40 tuổi, ngụ quận Tân Bình, TPHCM) có tiền sử gia đình mắc bệnh tăng huyết áp. Chị B. được chẩn đoán mắc bệnh tăng huyết áp cách đây 5 năm nhưng không tuân thủ điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ. Bệnh nhân thường xuyên bỏ thuốc hoặc tự ý thay đổi liều lượng thuốc. Tháng 5/2024, chị bỗng bị đau tức ngực dữ dội, khó thở, ngã quỵ. Sau khi thăm khám, bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim do biến chứng của bệnh tăng huyết áp. Dù được cấp cứu kịp thời, chị B. vẫn bị tổn thương tim vĩnh viễn và phải điều trị lâu dài.

Thêm một trường hợp là chị P.T.T. (50 tuổi, ngụ Bình Dương). Chị được chẩn đoán mắc bệnh tăng huyết áp cách đây 3 năm, thường xuyên mua thuốc huyết áp không rõ nguồn gốc và tự ý điều chỉnh liều lượng thuốc. Mới đây, chị đột nhiên bị ngất xỉu. Sau khi thăm khám, bác sĩ chẩn đoán chị bị tụt huyết áp do sử dụng thuốc huyết áp bừa bãi. Tụt huyết áp khiến não bộ của chị không được cung cấp đủ ô xy, dẫn đến các triệu chứng như ngất xỉu, chóng mặt, hoa mắt, buồn nôn, nôn ói...

Theo chia sẻ của bác sĩ Nguyễn Xuân Tuấn Anh, huyết áp chính là áp lực mà dòng máu tác động lên thành mạch khi tim co bóp. Mỗi lần tim co bóp, máu sẽ được bơm vào tim và di chuyển đi nuôi dưỡng cơ thể. Lượng máu này tạo ra áp lực lên thành mạch và đây là giá trị chúng ta có thể đo, gọi là huyết áp. Khi 1 trong 2 chỉ số huyết áp tâm thu hoặc huyết áp tâm trương vượt quá mức quy định, cụ thể là huyết áp tâm thu từ 140 mmHg trở lên hoặc huyết áp tâm trương từ 90 mmHg trở lên, người bệnh được chẩn đoán tăng huyết áp. Mức huyết áp lý tưởng được khuyến nghị là 140/90 mmHg. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, tình trạng huyết áp cao có thể dẫn đến những biến chứng nguy hiểm như đột quỵ, nhồi máu cơ tim, thiếu máu cơ tim, ảnh hưởng tiêu cực đến tim, mắt, thận, mạch máu...

Sử dụng thuốc kết hợp chế độ ăn uống khoa học để kiểm soát bệnh

Bác sĩ Nguyễn Xuân Tuấn Anh cho rằng việc chẩn đoán tăng huyết áp không hề khó. Phát hiện sớm và điều trị hiệu quả là chìa khóa để kiểm soát tăng huyết áp - căn bệnh tiềm ẩn nhiều nguy cơ cho sức khỏe tim mạch. Mỗi người có thể chủ động theo dõi sức khỏe bằng cách tự đo huyết áp tại nhà hoặc đến các cơ sở y tế gần nhất. Khi được chẩn đoán mắc bệnh, người bệnh cần phối hợp chặt chẽ với bác sĩ để điều chỉnh huyết áp về mức an toàn. Việc điều trị bao gồm xây dựng lối sống hợp lý kết hợp sử dụng thuốc theo chỉ định.

Hút thuốc lá là một trong những  nguyên nhân dẫn đến tăng huyết áp -  Nguồn ảnh: Internet
Hút thuốc lá là một trong những nguyên nhân dẫn đến tăng huyết áp - Nguồn ảnh: Internet

Nhiều người bệnh lơ là trong việc thay đổi thói quen sinh hoạt như ăn uống mặn, stress kéo dài, thiếu vận động... khiến việc kiểm soát huyết áp trở nên khó khăn hơn. Do đó, tuân thủ nghiêm ngặt phác đồ điều trị và tái khám định kỳ là vô cùng quan trọng, đặc biệt là đối với những người mắc các bệnh lý nền như đái tháo đường, rối loạn mỡ máu, bệnh thận mạn... Bên cạnh việc sử dụng thuốc, chế độ ăn uống khoa học đóng vai trò then chốt trong việc kiểm soát huyết áp.Người bệnh nên hạn chế thức ăn mặn, nhiều dầu mỡ, cholesterol cao đồng thời tăng cường rau xanh, trái cây và thực phẩm giàu kali. Giảm căng thẳng, hạn chế các chất kích thích như rượu bia, thuốc lá cũng góp phần đáng kể vào việc ổn định huyết áp. Tập thể dục đều đặn ít nhất 30 phút mỗi ngày giúp tăng cường sức khỏe tim mạch và hỗ trợ điều trị hiệu quả.

Tóm lại, nâng cao hiệu quả điều trị và kiểm soát tăng huyết áp là một trong những ưu tiên hàng đầu. Để đạt được mục tiêu này, việc truyền thông giáo dục sức khỏe đóng vai trò vô cùng quan trọng. Cộng đồng cần được tăng cường nhận thức về bệnh, bao gồm hiểu rõ về mục tiêu huyết áp trong điều trị và tầm quan trọng của việc chia sẻ với bác sĩ khi có bất thường về chỉ số huyết áp trong quá trình tự theo dõi tại nhà. Mỗi cá nhân cần chủ động trang bị kiến thức về bệnh từ các nguồn thông tin chính thống, uy tín. Việc nâng cao hiểu biết sẽ giúp người bệnh tự tin theo dõi sức khỏe, tuân thủ phác đồ điều trị và phối hợp hiệu quả với bác sĩ để kiểm soát tốt huyết áp.

Những đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh tăng huyết áp là người cao tuổi, có tiền sử gia đình mắc bệnh tim mạch, huyết áp cao, thừa cân, béo phì, ít vận động. Bên cạnh đó, lối sống cũng tác động đáng kể tới bệnh tăng huyết áp. Đối tượng có nguy cơ cao là người có chế độ dinh dưỡng nhiều muối; thường xuyên dùng thức ăn nhanh, đồ chiên rán, sử dụng rượu bia, thuốc lá. Mặt khác, các bệnh nhân đái tháo đường, bệnh thận mạn, tuyến giáp, rối loạn lipid máu, stress cũng là đối tượng nguy cơ cao của bệnh tăng huyết áp.

Hầu hết bệnh nhân tăng huyết áp ở giai đoạn đầu không có triệu chứng rõ ràng. Vì thế, cách phát hiện sớm nhất là tuân thủ khám tầm soát sức khỏe định kỳ.

Trâm Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI