Tăng giá nhiên liệu và làn sóng biểu tình tại Pháp

30/11/2018 - 06:24

PNO - Chính sách tăng thuế nhiên liệu của chính phủ Pháp kể từ tháng Mười vừa qua đã ngay lập tức gây ra những tác động đối với đời sống người dân, gây ra làn sóng phản đối.

Tang gia nhien lieu va lan song bieu tinh tai Phap
Đa số người Pháp cho rằng, phong trào "áo vàng" phản đối chính sách tăng giá xăng dầu là có cơ sở

Đại lộ Champs-Élysées ở Paris, thủ đô nước Pháp, nơi cấm biểu tình, ngày 24/11 vẫn tràn ngập màu áo vàng. Cuộc họp của Bộ Kinh tế hôm 26/11 đánh giá thiệt hại do các cuộc biểu tình gây ra là rất lớn vì đang thời điểm mua bán cuối năm.

Các cuộc biểu tình xuất phát sau khi chính phủ Pháp tuyên bố ngay từ ngày đầu tiên của năm tới, giá xăng ở Pháp sẽ tăng thêm 2,9 euro/lít. Trước đó kể từ tháng 10/2018, giá xăng tăng 15%.

Việc tăng thuế nhiên liệu thực ra đã được chính phủ thông qua hồi cuối năm 2017. Theo chủ trương của Tổng thống Macron, điều này nhằm khuyến khích người tiêu dùng chuyển sang năng lượng thân thiện với môi trường, giảm sự phụ thuộc vào nguồn nhiên liệu hóa thạch. Nhằm khuyến khích người dân bảo vệ môi trường, chính phủ Pháp còn đưa ra đề án lập Quỹ hỗ trợ đổi xe cũ sang xe mới trong cố gắng loại bỏ những chiếc xe gây ô nhiễm. Việc tăng thuế đối với cả những phương tiện gây ô nhiễm cũng được kỳ vọng sẽ giúp chính phủ Pháp có thêm 40 triệu euro, nâng tổng quỹ hỗ trợ việc mua xe mới thân thiện với môi trường đến năm 2019 lên tới 610 triệu euro.

Tổng thống Pháp còn tuyên bố sẽ đóng cửa từ bốn đến sáu nhà máy điện hạt nhân từ nay đến năm 2028, cũng như toàn bộ nhà máy điện chạy than trước năm 2022. Trong khoảng thời gian từ năm 2028 đến 2035, sẽ tiếp tục đóng 6 - 8 nhà máy điện hạt nhân để đạt mục tiêu điện hạt nhân chỉ chiếm phân nửa tổng sản lượng điện quốc gia thay vì 75% như hiện nay, dù rằng năng lượng hạt nhân mang đến nhiều lợi ích như giảm phát thải carbon và chi phí thấp.

Để bảo đảm nhu cầu năng lượng quốc gia, Pháp sẽ đầu tư mạnh vào sản xuất điện gió và điện mặt trời. Công suất điện mặt trời sẽ tăng gấp năm lần so với hiện nay và đạt 40 gigawatt (GW) vào năm 2028. Các nhà máy điện gió trên đất liền cũng tăng gấp đôi công suất và đạt 35GW vào năm 2029. Nhà máy điện gió trên biển đầu tiên sẽ được xây dựng ngoài khơi nước Pháp. Vốn đầu tư cho năng lượng tái tạo điện hiện nay từ 5 tỷ euro sẽ tăng lên 7-8 tỷ euro/năm trong những năm tới. Nhà nước sẽ đầu tư thêm tiền để hỗ trợ những gia đình khó khăn do việc tăng thuế ảnh hưởng, đồng thời sẽ thảo luận với người dân về những vấn đề bất đồng.

Tuy nhiên, chính sách tăng thuế nhiên liệu của chính phủ Pháp kể từ tháng Mười vừa qua đã ngay lập tức gây ra những tác động đối với đời sống người dân, gây ra làn sóng phản đối. Theo một thăm dò dư luận của Viện nghiên cứu Odoxa, 77% người Pháp được hỏi cho rằng phong trào “áo vàng” phản đối chính sách tăng giá xăng dầu của chính phủ là có cơ sở. Cuộc biểu tình chống tăng thuế xăng dầu của phe “áo vàng” hôm 24/11 diễn ra trong bạo lực: ném đá đập phá cửa hàng, trạm xe buýt, đốt rào cản pha lẫn khói của lựu đạn cay đã bao trùm đại lộ đẹp nhất thế giới Champs-Élysées.

Ngày 24/11 được gọi là màn hai của phong chào chống tăng thuế xăng dầu, dự kiến huy động 106.000 người trên khắp nước Pháp, nhưng chỉ có 8.000 người kéo về Paris. Tại thủ đô Pháp, đoàn biểu tình không tập trung dưới chân tháp Eiffel theo đề nghị của cảnh sát mà kéo về khu thương mại và khu vực du lịch. Trong suốt nhiều tiếng đồng hồ, một số người biểu tình xung đột với nhân viên công lực, ném đá, đốt pháo. Chính phủ Pháp qua tuyên bố của bộ trưởng Bộ Nội vụ đã lên án lãnh đạo phe bạo động. 

Theo nhận định của AFP, “màn hai” của phe “áo vàng” không huy động đông đảo như trong ngày đầu tiên: từ 300.000 xuống chừng 100.000 người. Tuy nhiên, họ vẫn được đại đa số công luận với 72% người ủng hộ. Tổng thống Pháp Macron cho rằng, những người ủng hộ phong trào “áo vàng” chính là nạn nhân đầu tiên của sự xuống cấp môi trường và xã hội. Theo ông, giá bán lẻ nhiên liệu tăng có nguyên nhân chính là sự tăng mạnh của giá dầu thô trên thị trường thế giới, chứ không phải hoàn toàn do tăng thuế trong nước.

Tổng thống tỏ ra thông hiểu sự giận dữ của những người biểu tình và tuyên bố rằng, việc đánh thuế nhiên liệu sẽ được tính toán lại phù hợp với biến động giá cả trên thị trường dầu mỏ thế giới. Tuy nhiên, tổng thống nhấn mạnh nhiệm vụ của chính phủ là phải giải quyết “bạo động xã hội” mà người dân thể hiện thông qua các cuộc biểu tình, nhưng cũng không được từ bỏ trách nhiệm trước nguy cơ ô nhiễm môi trường. 

Giáng Châu (theo RFI - Le Monde)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI