Thế nhưng đúng là vậy. Má lặp lại lần nữa: “Cuối tuần này, cả nhà mình sẽ đi chơi biển. Chiều thứ Sáu, tụi nhỏ đi học về là lên xe liền, tối Chủ nhật về”.
Đúng là thật rồi. Ba tôi, chồng tôi và hai đứa con trai của tôi đồng loạt vỗ tay, không khí bừng lên tươi tắn. Cơn hào hứng chừng như quét bay nỗi bức bối tích tụ từ khi khu phố tôi ở bị phong tỏa, cuộc sống bị thu hẹp giữa bốn bức tường nhà, công việc đình đốn khiến thu nhập giảm sút trầm trọng và thường trực nỗi lo mình có thể là F0, F1…
Có vẻ như phe đàn ông bất cần thắc mắc mà cứ thoải mái tận hưởng niềm vui. Tôi là đàn bà, “tiền đâu” luôn là câu hỏi đầu tiên, nên tôi theo má vô phòng và thì thầm: “Ngày nào má cũng rên sắp hết tiền đi chợ thì lấy đâu mà đi chơi?”.
Má chìa ra trang báo du lịch với nụ cười hài lòng: “Resort giảm giá, phòng cho ở ghép tính giá sinh viên. Mình đem theo bánh mì với xúc xích, cá hộp, có muốn ăn tươi một hai bữa cũng không tốn thêm bao nhiêu”. Nói xong, má nháy mắt với tôi đúng kiểu đàn bà khéo ăn thì no khéo co thì ấm.
Tôi phục má quá đi. Chẳng mấy khi tôi thấy má đọc báo, vậy mà giờ má lại túm được chuyến đi chơi giá rẻ này.
***
Sáng sớm, cả nhà ra biển. Chồng và hai con trai tôi chèo kayak ra xa còn ba má và tôi bơi lội gần bờ. Nhiều người đứng trên bãi, điện thoại trong tay hướng về phía chân mây đang ưng ửng, có lẽ họ đang chờ để bấm máy đúng lúc mặt trời vừa nhô lên.
Canh khi con sóng chồm tới khiến má loạng choạng và ba đưa tay ra đỡ kịp lúc, tôi bấm máy lia lịa. Má la lên: “Nhè ngay lúc người ta nhắm mắt nhắm mũi mà chụp hình là dìm hàng đó nghen” rồi má cười vang. Ba thì cười nhẹ ra vẻ hiểu con của ba quá mà. Phải, tôi rất muốn xóa đi cái khoảng cách mơ hồ giữa ba má mà tôi cảm nhận được, dù lúc nào ba cũng tỏ ra chiều ý má.
Mặt trời lên cao, mọi người lần lượt lên bờ và hỏi nhau bữa sáng có những món gì. Má thì thào bên tai tôi: “Bữa trưa và bữa chiều mình đóng cửa lại ăn bánh mì với cá hộp đem theo, còn bữa sáng đã tính luôn trong tiền phòng thì dĩ nhiên mình thưởng thức tại nhà hàng”.
Vậy nhưng thực đơn chỉ có hai món: bánh mì ốp la và mì gói thịt bằm. “Resort mà ăn sáng bình thường vậy thôi hả?” - má nói nhỏ bên tai tôi mà cô bé chạy bàn nghe được. “Hồi trước có nhiều món tây, món ta ngon lắm dì ơi, tại dịch bệnh không có khách nên mới như vậy đó” - cô bé nói. “Nhưng hôm nay đông khách mà?” - má thắc mắc. Cô bé nhún vai hồn nhiên: “Cô chủ nói hoa nở đẹp mà không có người ngắm thì uổng phí quá nên mở cửa đón khách chứ giá rẻ vậy thì lời lãi gì đâu mà ăn sang được hả dì”.
Ăn sáng xong, má nói muốn đi chợ. Ba nhăn mặt: “Đã đi chơi thì tranh thủ tận hưởng, chợ búa gì”. Má cười: “Đi xứ biển mà không mua hải sản thì uổng. Để tôi tìm chỗ nào bán rẻ mà ngon thì dặn họ chiều mai đóng một thùng đem về nhà để dành ăn dần”.
Vậy là má đi chợ. Tôi và ba dạo quanh. “Hoa nở đẹp mà không có người ngắm thì uổng phí quá” - câu nói của cô bé chạy bàn khiến tôi cảm động và nhìn ngó bằng con mắt tò mò. Đúng là tất cả các loài hoa đều đang nở rộ, rực rỡ từ chân cầu thang cho đến ban công, từ những lối nhỏ dẫn ra biển cho đến những ngôi nhà nhỏ xây kiểu hình trái táo, trái khế, trái dứa giữa vườn… Khắp nơi ngập sắc màu lộng lẫy. Phòng mát-xa vắng tanh cũng phủ đầy dây leo mành trúc lấm chấm hoa trắng và ven chân tường sơn màu nâu đất nổi bật màu hoa xuyến chi vàng rực.
|
Ảnh Internet |
Ba kéo tay tôi đi về phía căn phòng mà mỗi khung cửa sổ treo một chậu hoa yên thảo còn ven tường chạy dài những khóm cúc sao băng. Tưởng đây là nơi cho khách thư giãn, hóa ra là phòng giặt đồ. Mười cái máy giặt xếp hàng bên nhau, lặng im.
“Khu này rõ là từ lâu không sử dụng mà phòng nào cũng sạch sẽ” - tôi nói. Ba gật đầu: “Ờ, chắc là cô chủ muốn cho du khách biết rằng họ luôn được chào đón”. Câu nói thấu hiểu của ba thốt lên giữa vắng vẻ, nghe xót lòng giùm người.
Từ đợt dịch đầu tiên đến nay, công việc đình trệ, tâm trí tôi lúc nào cũng nghĩ ngợi tìm cách bù đắp cho thu nhập giảm sút. Còn cô chủ resort này… Dịch bệnh tấn công toàn thế giới, du lịch rõ ràng là ngành nghề bị thua trắng tay, vậy mà cô vẫn cố gắng níu kéo để cái đẹp được có người ngắm.
Tôi lại nhìn quanh, bỗng muốn biết mặt cô chủ đặc biệt này nhưng chẳng thấy ai. Chỉ có hoa và mùi hương xôn xao trong gió.
***
Sinh nhật tôi, chồng tôi mua tặng một chậu yên thảo treo ở cửa sổ.
Chậu hoa nhắc tôi nhớ đến cô chủ resort. Thật ngạc nhiên là ba tôi cũng nhớ. Nhìn chậu hoa một hồi, ba nói với tôi: “Ba muốn tặng cô chủ resort một món quà. Con thấy được không?”.
Tôi lặng thinh, bối rối. Dĩ nhiên là cô ấy xứng đáng được nhớ và tặng quà như một lời cảm ơn, hơn vậy nữa…
Nhưng, má tôi có nghĩ như vậy không?
Má tôi, người đàn bà cả đời chỉ biết thu vén tính toán chợ búa cơm áo sao cho tiết kiệm nhất để dành dụm cho gia đình, hẳn sẽ buồn lắm nếu biết chồng mình tặng quà cho người phụ nữ khác, dù với bất kỳ lý do nào. Chưa kể đến hành động này còn… tốn tiền.
Thấy tôi im lặng, ba vội nói: “Có lẽ để con tặng thì hay hơn". Ừ, nếu người tặng là tôi thì ổn. Tôi dạ và thấy ba gật đầu với vẻ tiếc nuối. Có phải ba mong muốn cô ấy nhận biết chính ba là người đồng cảm và thấu hiểu?
Vậy, nếu người tặng hoa là tôi thì có phải chính tôi cũng muốn được thừa nhận rằng mình tinh tế và nhạy cảm? Ồ, lẩn thẩn quá đi.
Đôi khi trên đường đời bỗng được gặp một người đặc biệt khiến mình nhận ra bản thân đơn điệu biết chừng nào.
***
Nghĩ đi nghĩ lại, tôi cảm thấy áy náy. Nhờ má nên mới có chuyến đi chơi đó, tặng quà cô ấy mà không nói với má một tiếng thì thật là không phải. Vậy nên sau bữa cơm chiều, tôi khoe với má chậu hoa chồng tặng để có cớ nhắc đến resort.
Má cũng lấy điện thoại ra ngắm nghía lại những tấm hình điệu đàng bên hoa, có tấm con tôi tinh nghịch bấm máy lúc bà ngoại chống nạnh lườm ông ngoại vì cái tội là người sau cùng ra khỏi phòng mà quên chìa khóa. Tôi thu hết can đảm, nói: “Chuyến đi chơi vui mà rẻ quá chừng, chắc là cô chủ lỗ nặng. Mình gửi tặng một món quà nhỏ thay lời cảm ơn nghe má?”.
Má nhìn tôi với cái nhướng mắt như hỏi tôi đang bày trò gì. Rồi má lẩm nhẩm tính toán, phòng sáu người bao ăn sáng mà ngày đêm chỉ 600.000 đồng, áo phao miễn phí, kayak miễn phí, xe đạp đi chợ cũng miễn phí, lại có cảnh đẹp tha hồ tạo dáng chụp hình… Ờ, kinh doanh kiểu đó hao tổn công sức chứ được cái gì đâu.
Một hồi thì má gật đầu: “Mà con tính tặng gì cho xứng?”. Hai tiếng “cho xứng” khiến tôi và ba nhìn nhau, cố giấu nỗi ngạc nhiên. Thân quen vô cùng, gần gũi vô cùng mà đâu dễ hiểu được tận cùng. Hẳn cũng như tôi, ba đợi nghe má dặn dò tôi mua một món rẻ tiền thôi, đủ cho lời cảm ơn khách sáo.
Tôi những muốn ôm lấy má và nhận lỗi con của má cứ tưởng mình sâu sắc mà thật ra hời hợt quá đi.
Có lẽ ba cũng đang nghĩ vậy. Tôi thấy ba nhìn má với một cái chớp mắt.
Nguyên Hương