Đầu tư cho y tế, giáo dục còn mờ nhạt!
|
Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường đề nghị tăng đầu tư ngân sách nhà nước cho giáo dục, y tế - Ảnh: Q.H. |
Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Hoàng Văn Cường (TP Hà Nội) dẫn báo cáo vốn đầu tư phát triển ngân sách trung ương và cho rằng đầu tư cho y tế và giáo dục còn khá mờ nhạt. Cụ thể, năm 2024, tổng số vốn đầu tư khoảng 120.000 tỉ đồng, Bộ Y tế được phân bổ khoảng 1.200 tỉ đồng, chiếm khoảng 1%, Bộ GD-ĐT được phân bổ 1.500 tỉ đồng, chiếm 1,2%. Năm 2025, tổng số vốn đầu tư khoảng 148.000 tỉ đồng, Bộ Y tế được phân bổ 5.700 tỉ đồng, chiếm 3,7%, Bộ GD-ĐT được phân bổ 2.900 tỉ đồng, chiếm 1,9%.
Trong phương án phân bổ vốn dự phòng giai đoạn 2021-2025 và vốn tăng thu ngân sách năm 2022, tổng cộng có khoảng trên 50.000 tỉ đồng, nhưng giáo dục và y tế không có tên. “Với mức phân bổ vốn đầu tư phát triển cho y tế và giáo dục thấp như thế, các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế và các trường đại học trực thuộc Bộ GD-ĐT làm sao có vốn đầu tư phát triển?” - đại biểu Hoàng Văn Cường đặt vấn đề.
Ông Hoàng Văn Cường chỉ ra, hiện nay các trường đại học và các bệnh viện đang được thúc đẩy thực hiện cơ chế tự chủ. Nhưng nếu chỉ ép thực hiện mà không được đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật ban đầu thì hậu quả là người bệnh, người học phải gánh chịu. Đây cũng chính là lý do khiến các bệnh viện đầu ngành hiện không muốn tự chủ. Bởi nếu tự chủ thì trong chi phí dịch vụ sẽ cộng thêm các khoản chi không đúng trong cấu thành chi phí y tế. Tức chi phí không chỉ bao gồm các chi phí cho dịch vụ khám chữa bệnh mà phải cộng thêm lãi ngân hàng từ khoản đầu tư cho cơ sở vật chất, hạ tầng.
Trao đổi bên lề hành lang Quốc hội, ĐBQH Phạm Khánh Phong Lan (TPHCM) đồng tình với những phân tích của ông Hoàng Văn Cường. Bà nhận định, có nghịch lý là khi xã hội hóa, ngân sách đầu tư cho 2 lĩnh vực này lại giảm đi, các đơn vị phải “tự bơi”. Các bệnh viện, cơ sở giáo dục phải cố gắng xoay xở các nguồn để bù đắp lại phần đầu tư từ Nhà nước. Chi phí này đương nhiên sẽ “đổ lên đầu” người bệnh, người học. Thế mới có các hiện tượng lạm thu, tận thu... diễn ra trong thời gian qua.
Nữ ĐBQH khẳng định, rất cần thiết để xã hội hóa giáo dục và y tế nhưng đầu tư của Nhà nước vẫn phải giữ vững, thậm chí còn phải tăng hằng năm. Đầu tư còn khiêm tốn thì không thể tạo điều kiện cho các bệnh viện, cơ sở giáo dục phát triển, nâng cao chất lượng dịch vụ.
Đầu tư cho giáo dục: bài học từ Trung Quốc
Nếu chú trọng đầu tư cho y tế và giáo dục, theo các ĐBQH, hàng chục triệu người học, hàng triệu bệnh nhân sẽ được hưởng lợi với việc nâng cao chất lượng dịch vụ, cập nhật ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật... ĐBQH Hoàng Văn Cường lấy bài học đầu tư hiệu quả cho giáo dục tại Trung Quốc để thấy rằng, trong thời gian ngắn, nhiều trường đại học của nước này đã vươn lên, nằm trong nhóm trường đại học hàng đầu thế giới.
Nguyên nhân là từ năm 1998, Trung Quốc đã thực hiện đề án đầu tư cho 2 đại học Thanh Hoa và Bắc Kinh, mỗi trường 1,8 tỉ nhân dân tệ (khoảng 6.000 tỉ đồng) trong vòng 3 năm. Sau đó, Trung Quốc tiếp tục mở rộng đầu tư hơn 30 trường khác. Ông Hoàng Văn Cường cho rằng, nếu tập trung 5-10 năm, dành 5 - 10% tổng mức đầu tư cho phát triển y tế, giáo dục, Việt Nam sẽ có hệ thống giáo dục, y tế khang trang, đáp ứng nhu cầu học tập và khám chữa bệnh của người dân.
ĐBQH Lê Quân (TP Hà Nội) - Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội - cho hay, đơn vị cũng vừa ký kết hợp tác với Đại học Bắc Kinh và Đại học Thanh Hoa. Qua trao đổi, Giám đốc Đại học Bắc Kinh cho rằng, để tạo sự bứt phá, tạo chất lượng cao, các trường cần 3 điều kiện: khối tài sản công lớn (gồm đất đai, cơ sở hạ tầng); chuyên môn, chất lượng của giảng viên và cơ chế vận hành tự chủ. “Nguồn thu hiện nay của Đại học Bắc Kinh rất lớn dù học phí chỉ thấp ngang Việt Nam” - ông Lê Quân thông tin.
Từ đó, Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội kiến nghị, về sử dụng tài sản công cần cởi mở hơn với các đơn vị sự nghiệp công lập, nhất là trong y tế và giáo dục. Cụ thể, trong Luật Quản lý, sử dụng tài sản công cần có quy định để các trường đại học chủ động khai thác các nguồn thu theo quy chế tài chính, có kiểm toán đầy đủ. Ông phân tích: “Các nguồn thu ngoài học phí và ngoài ngân sách sẽ chiếm khoảng 50% cho các khoản chi sau này của các trường đại học. Nếu phát triển các nguồn lực này thì sẽ giảm được gánh nặng cho học phí và chi ngân sách”.
ĐBQH Phạm Khánh Phong Lan nhấn mạnh, Việt Nam là quốc gia định hướng xã hội chủ nghĩa, do đó phải đầu tư mạnh mẽ cho y tế, giáo dục để “không có người nghèo không được chữa bệnh, không được tới trường”. Muốn như vậy, Chính phủ cần tổng kết, đánh giá kỹ lưỡng về những vấn đề xã hội hóa giáo dục và y tế trong thời gian qua. Từ đó xác định những vấn đề căn cốt để đầu tư, phát huy được hiệu quả trong từng lĩnh vực của ngành.
Giải trình vấn đề này, Phó thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho hay, vừa qua, Thường trực Chính phủ có họp để đổi mới các vấn đề phân bổ, kể cả chi thường xuyên và chi đầu tư. Thời gian qua, các bệnh viện đầu ngành như Bệnh viện K, Bệnh viện Bạch Mai đã trở lại xin tự chủ một phần, Chính phủ cũng đã đồng tình. Theo đó, ngân sách nhà nước tiếp tục chi phần đầu tư, mua sắm cơ sở vật chất để những bệnh viện tuyến cuối có thể phục vụ, chữa trị cho nhân dân.
Ông Hồ Đức Phớc khẳng định, các loại tài sản trong các đơn vị sự nghiệp giáo dục, y tế đã được quy định rất rõ trong Luật Quản lý, sử dụng tài sản công (sửa đổi). Luật này có quan điểm “rất thoáng”, tạo điều kiện để các đơn vị có thể liên doanh, liên kết, cho thuê, nhưng đảm bảo không được làm mất tài sản, đất của Nhà nước.
Đầu tư cho khoa học, công nghệ còn “ăn đong” Đầu tư cho khoa học, công nghệ là một trong những vấn đề được các ĐBQH lưu ý để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong bối cảnh Việt Nam bước vào “kỷ nguyên vươn mình”. Theo ĐBQH Lê Quân, chi đầu tư cho khoa học, công nghệ còn manh mún, dàn trải. Ông đề nghị phải đổi mới về cơ chế, có thủ tục thanh quyết toán đơn giản, thông thoáng. “Một đề tài kinh phí dù ít nhưng thủ tục thanh quyết toán rất chậm, các định mức thanh quyết toán lạc hậu” - ông Lê Quân phàn nàn. Ông cũng nêu thực tế về quy trình duyệt đề tài khoa học, công nghệ theo từng năm như hiện nay là cách làm “ăn đong”. Kinh phí đầu tư trang thiết bị lớn nhưng không gắn với việc xác định chi phí thiết bị nghiên cứu. Do đó, ông kiến nghị đổi mới cơ chế phân bổ kinh phí khoa học, công nghệ với định mức dài hạn, đi liền với đó là đầu tư về kinh phí, trang thiết bị. ĐBQH Nguyễn Quang Huân (tỉnh Bình Dương) tán thành việc nâng mức đầu tư cho khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo để chuẩn bị nguồn lực cho tương lai. Bên cạnh phần chi ngân sách cho lĩnh vực này, ông Nguyễn Quang Huân đề cập tới việc thu các quỹ do Nhà nước quản lý nhưng nằm ngoài ngân sách. Điển hình như quỹ khoa học, công nghệ hiện Nhà nước đang chi tới 300 tỉ đồng nhưng các nguồn thu khác từ các doanh nghiệp có thể lên tới hàng ngàn tỉ đồng thì hiện chưa thu được. Nếu thu đủ, thu đúng, các quỹ này sẽ tạo nguồn lực lớn. Các ngành trong lĩnh vực GD-ĐT phối hợp khai thác tốt các quỹ sẽ đem lại hiệu quả cao, thúc đẩy đổi mới sáng tạo. Thực tế, quy định phân bổ vốn chi thường xuyên cho khoa học, công nghệ là 2%, nhưng thời gian qua con số này chỉ khoảng hơn 1%. Lý giải về vấn đề này, Phó thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho hay, khi thực hiện phải có dự toán, đơn giá, định mức được phê duyệt. Trong khi đó, các dự toán, đơn giá... lại do từng ngành như Bộ GD-ĐT, Bộ Khoa học và Công nghệ xây dựng. Khi tập hợp lại thì con số không đạt 2%. |
Minh Quang