Nếu không có biện pháp mạnh đối với hành vi xả thải bừa bãi, rác vẫn tiếp tục ùn ứ ở miệng cống, đường cống và các dòng kênh, ngân sách chi ra vẫn như đổ sông, đổ biển.
|
Kênh Giải Phóng, kênh Tân Trụ sau một cơn mưa đầu tháng 8/2018 |
Rác càng nhiều, ngập càng nặng
Bà Nguyễn Thị Trang, ở nhà trọ gần sát kênh Giải Phóng, P.4, Q.Tân Bình, TP.HCM, than: “Nắng thì hôi thối, mưa thì rác theo nước dâng lên. Không biết rác ở đâu nhiều vậy, vì dân xóm này đã đồng lòng không vứt rác xuống kênh”. Các con kênh Hy Vọng, Tân Trụ (P.15, Q.Tân Bình) cũng trong tình trạng tương tự.
Tại TP.HCM, hệ thống kênh, cống chính từ lâu đã thành nơi đổ rác của không ít hộ gia đình. Theo các chuyên gia, một trong những nguyên nhân khiến tình trạng ngập nước tại TP.HCM ngày càng nghiêm trọng là do hệ thống thoát nước nhiều nơi bị tê liệt, kênh rạch bị lấn chiếm, các miệng cống thoát nước cùng hệ thống cống ngầm bị ùn ứ các loại rác thải.
Ngày 11/7 vừa qua, tại kỳ họp thứ chín, Hội đồng nhân dân TP.HCM khóa IX, trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn về môi trường, Giám đốc Sở Tài chính TP.HCM Phan Thị Thắng cho biết, mỗi năm, ngân sách TP.HCM phải chi ra gần 4.000 tỷ đồng cho hoạt động xử lý, thu gom, vận chuyển rác và nạo vét các tuyến cống thoát nước; trong đó, riêng kinh phí chi cho việc vớt rác do người dân xả ra trên các tuyến kênh, rạch đã lên tới 700 tỷ đồng; số tiền chi cho việc duy tu hệ thống cống thoát nước là gần 1.132 tỷ đồng.
Chỉ kêu gọi thôi, chưa đủ
Hệ thống thoát nước đô thị của TP.HCM có tổng chiều dài 4.176km, có 68.000 cửa thu nước và trên 1.000 cửa xả, nhưng có rất nhiều cửa xả, miệng cống đang bị rác thải che lấp. Theo các chuyên gia, để hạn chế tình trạng này, cần kiểm soát nguồn rác thải, dọn dẹp vệ sinh trên vỉa hè, không để rác rơi xuống hố ga, miệng cống, thường xuyên nạo vét và xử lý đường cống, kênh mương. Nói dễ, làm khó. Mỗi ngày, TP.HCM phát sinh gần 9.000 tấn rác thải sinh hoạt, trong đó có hơn 2.300 tấn bị thải ở nơi công cộng, bao gồm cả kênh rạch, nắp cống; dự báo đến năm 2020, lượng rác phát sinh khoảng 11.000 tấn/ngày.
|
Rác lấp đầy các miệng cống trên đường Cộng Hòa, đoạn qua phường 12, 13, Q.Tân Bình |
Nếu lượng rác này không được tổ chức thu gom, xử lý thì tình trạng ô nhiễm, tắc nghẽn dòng chảy và ngập nước sẽ càng trầm trọng hơn. Đồng thuận với quan điểm trên, ông Huỳnh Minh Nhựt, Giám đốc Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TP.HCM cho biết, chỉ tính riêng lượng rác mà công ty thu gom trên tuyến kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè cũng khoảng 10 tấn rác/ngày.
Ông Nhựt nhấn mạnh, giảm thiểu ô nhiễm môi trường là một trong 7 trọng điểm của TP.HCM. Điều này cho thấy, UBND TP.HCM rất xem trọng công tác cải thiện chất lượng ô nhiễm môi trường trên địa bàn thành phố. Đây cũng chính là nhiệm vụ chính trị xuyên suốt hoạt động của công ty. Những hoạt động chính yếu của công ty tập trung vào quét dọn, thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải bao gồm chất thải y tế, chất thải công nghiệp, chất thải nguy hại và chất thải rắn sinh hoạt. Công ty cũng chịu trách nhiệm vớt rác, làm sạch hệ thống kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè và Tàu Hủ - Bến Nghé.
Tuy nhiên, để xảy ra tình trạng xả rác bừa bãi trước hết là do ý thức, tính tự giác của người dân còn thấp. Về phía chính quyền, đoàn thể cũng đã không sâu sát, vận động người dân thực hiện nếp sống văn minh, chấp hành các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường. Nghị định 155/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định: “Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 7 triệu đồng đối với hành vi vứt, thải rác sinh hoạt trên vỉa hè, đường phố, hệ thống thoát nước thải đô thị hoặc hệ thống thoát nước mặt trong khu vực đô thị”. Tuy nhiên, trên thực tế, hầu như chưa có trường hợp nào bị xử phạt do xả rác bừa bãi.
Ông Nguyễn Tuấn Khôi - ngụ tại P.15, Q.Tân Bình - cho rằng, nếu chỉ tuyên truyền, kêu gọi, sẽ khó hạn chế được tình trạng xả rác gây nghẹt cống, xả rác xuống kênh. Nhất thiết phải tăng cường xử phạt, trong đó, không chỉ phạt tiền mà cần phải phạt bổ sung bằng hình thức lao động công ích, cụ thể là dọn vệ sinh ở các nơi công cộng đối với người có hành vi vi phạm về môi trường. Với sự hỗ trợ của hệ thống camera công cộng, lực lượng bảo vệ khu phố, quản lý đô thị cấp phường, cấp quận và cảnh sát môi trường cần tích cực hơn trong việc giám sát, kiểm tra, xử phạt hành vi xả rác bừa bãi, xâm hại môi trường.
Tinh Châu