Đại dịch COVID-19 hoành hành khắp thế giới đã buộc chính phủ của hầu hết các nước phải thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội. Điều này đã tác động nghiêm trọng đến nền kinh tế của nhiều quốc gia. Năm 2020, theo dự báo mới nhất của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), hầu hết các nền kinh tế lớn trên thế giới đều có mức tăng trưởng âm như Mỹ (-8%), Nhật Bản (-5,8%), Đức (-7,8%) và Anh (-10,2%). Trong khi đó, Việt Nam vẫn được dự báo có mức tăng trưởng dương (2,8%). Có thể coi đây là một dấu hiệu tương đối tích cực trước thực trạng u ám của nền kinh tế thế giới hiện nay.
|
Thứ hạng năng lực cạnh tranh của các nền kinh tế trong khu vực ASEAN (nguồn: Báo cáo chỉ số năng lực cạnh tranh toàn cầu năm 2019) |
Tuy nhiên, các cuộc khủng khoảng và biến động hiện nay rõ ràng đã làm trầm trọng thêm những điểm yếu về cấu trúc của nền kinh tế Việt Nam, đặc biệt là năng lực cạnh tranh của cả nền kinh tế. Nếu không tự nâng cao được nội lực của nền kinh tế, Việt Nam sẽ vẫn bị động và rơi vào thế khó mỗi lần thế giới “xảy ra chuyện”.
Năng lực cạnh tranh vẫn kém so với các nước ASEAN
Bộ chỉ số năng lực cạnh tranh toàn cầu năm 2019 cho thấy, năng lực cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam xếp hạng 67/141 quốc gia trên toàn thế giới. Vị trí này đã tăng so với năm 2018 (xếp thứ 77/140 quốc gia). Tuy nhiên, nếu so với các quốc gia láng giềng, Việt Nam vẫn xếp sau Philippines (64), Indonesia (50), Thái Lan (40), Malaysia (27), Singapore (1). Như vậy, vẫn còn một khoảng cách khá lớn giữa năng lực cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam với ngay cả các nước trong khu vực.
Chất lượng nguồn nhân lực, thể chế và cơ sở hạ tầng đều yếu
Trong các cấu phần thuộc về năng lực cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam, kỹ năng của người lao động được xếp hạng thấp nhất với vị trí 93/141 quốc gia năm 2019 dù đã có cải thiện so với thứ hạng năm 2018 (xếp thứ 97/140 quốc gia).
|
So sánh các cấu phần trong năng lực cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam với trung bình các nước ASEAN-5 năm 2019 (nguồn: Nhóm tác giả tự tính toán từ số liệu của Diễn đàn Kinh tế thế giới năm 2019) |
Bên cạnh đó, các yếu tố quyết định đến việc thu hút đầu tư khác của Việt Nam cũng được xếp hạng thấp trong năm 2019: thể chế (hạng 89/141 quốc gia), thị trường lao động (hạng 83/141 quốc gia) và cơ sở hạ tầng (hạng 77/141 quốc gia).
Như vậy, nguồn nhân lực, thể chế và cơ sở hạ tầng rõ ràng đang là những thách thức lớn nhất mà chính phủ Việt Nam cần phải tìm cách giải quyết, nếu muốn nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam trên bình diện quốc tế.
Tăng cường nội lực kinh tế để tăng sức chống chọi
Dịch COVID-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất công nghiệp của Việt Nam trong nửa đầu năm 2020. Để giảm thiểu các tác động của biến động kinh tế thế giới, biện pháp cấp bách là nhanh chóng hình thành chuỗi cung ứng nội địa cho một số sản phẩm mà Việt Nam có lợi thế.
Bên cạnh đó, căng thẳng giữa hai cường quốc Mỹ và Trung Quốc tạo cơ hội cho Việt Nam thu hút các công ty nước ngoài muốn dịch chuyển một phần quy trình sản xuất của mình khỏi Trung Quốc. Sự ngắt đoạn trong sản xuất do đại dịch COVID-19 gây ra như một điểm thúc đẩy sự chuyển dịch này diễn ra nhanh hơn. Tuy nhiên, các hạn chế về cơ sở hạ tầng, thể chế, chất lượng nguồn nhân lực khiến Việt Nam khó cạnh tranh với các nước láng giềng trong việc thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) từ các tập đoàn công nghệ cao, chế biến, chế tạo… ít nhất là trong ngắn hạn.
|
Thứ hạng của một số chỉ tiêu quan trọng trong năng lực cạnh tranh toàn cầu của nền kinh tế Việt Nam (nguồn: Báo cáo năng lực cạnh tranh toàn cầu) |
Trong bối cảnh đó, Việt Nam cần tập trung nâng cao nội lực của nền kinh tế nhằm chống chịu với các cú sốc từ bên ngoài thông qua một số giải pháp cụ thể, gồm:
Thứ nhất, đổi mới giáo dục sau trung học nhằm nâng cao chất lượng nhân lực. Một báo cáo gần đây của Ngân hàng Thế giới (WB) về giáo dục đại học ở Việt Nam cho thấy, vẫn còn một khoảng cách khá lớn giữa những đòi hỏi của thị trường lao động và chương trình đào tạo đại học ở Việt Nam. Cụ thể, theo một khảo sát năm 2019 của WB đối với các doanh nghiệp tại Việt Nam, một tỷ lệ đáng kể các doanh nghiệp cho rằng, họ khó khăn trong việc tuyển dụng các lao động có các kỹ năng lãnh đạo và quản lý (73%), cảm xúc xã hội (54%) và kỹ năng đặc thù cho các công việc kỹ thuật (68%).
Như vậy, giáo dục sau trung học Việt Nam hiện nay vẫn chưa đủ khả năng đào tạo những kỹ năng cần thiết cho người học. Điều này cũng đã được phản ánh qua việc cấu phần chất lượng nguồn nhân lực của Việt Nam chỉ xếp hạng thứ 93/141 năm 2019. Do đó, Chính phủ cần tập trung nâng cao chất lượng đào tạo của các cơ sở giáo dục sau trung học thông qua việc tăng cường sự tự chủ đi liền với việc nâng cao trách nhiệm giải trình đối với các hoạt động của cơ sở đào tạo.
Thứ hai, nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng (cả cứng và mềm) thông qua việc huy động thêm các nguồn lực trong xã hội tham gia. Đầu tư công đang là một trong những giải pháp được Chính phủ sử dụng nhằm ngăn chặn sự suy thoái kinh tế có thể diễn ra trong năm 2020. Một số dự án cơ sở hạ tầng lớn như đường cao tốc TP.HCM - Cần Thơ, sân bay Long Thành, dự án đường cao tốc Bắc - Nam… đang được đẩy nhanh tiến độ. Điều này sẽ mang lại những tác động tích cực đến tăng trưởng của Việt Nam trong thời gian tới. Tuy nhiên, như đã phân tích ở trên, dù đã có cải thiện trong thời gian vừa qua nhưng cơ sở hạ tầng vẫn là một trong những điểm yếu của nền kinh tế Việt Nam (xếp thứ 77/141 quốc gia năm 2019).
Mặt khác, không nên chỉ tập trung vào cơ sở hạ tầng cứng (đường sá, cảng, viễn thông…) mà bỏ qua cơ sở hạ tầng mềm (phí bốc xếp, thủ tục xuất nhập khẩu, cơ chế quản lý…) vốn cũng đang rất yếu kém. Một ví dụ điển hình thường được nhiều chuyên gia nhắc đến là chi phí logistics cho một container từ TP.HCM ra Hà Nội đắt hơn từ Việt Nam qua Mỹ.
Thứ ba, xây dựng chuỗi cung ứng nội địa ở một số mặt hàng mà Việt Nam có lợi thế cạnh tranh. Việc phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu đầu vào từ nước ngoài ở một số mặt hàng chủ lực của Việt Nam như dệt may, điện, điện tử… đã mang đến những tác động tiêu cực cho sản xuất mỗi khi chuỗi cung ứng bị đứt gãy. Đại dịch COVID-19 càng làm lộ rõ vấn đề này.
Do đó, một trong những biện pháp nhằm giảm thiểu các tác động tiêu cực từ bên ngoài và nâng cao sự chủ động của nền kinh tế là hình thành được các chuỗi cung ứng nội địa ở các mặt hàng sản xuất chính của Việt Nam hiện nay. Các biện pháp có thể bao gồm những chính sách ưu đãi về thuế, đất đai, tiếp cận tài chính… để các doanh nghiệp nhỏ và vừa có thể ứng dụng công nghệ sản xuất hiện đại, áp dụng các hệ thống quản lý tiên tiến, từng bước nâng cao năng lực, đủ điều kiện gia nhập chuỗi cung ứng đối với các mặt hàng.
Thứ tư, cần thúc đẩy hình thành một môi trường kinh doanh công bằng và bình đẳng giữa các thành phần kinh tế. Thể chế là một trong những vấn đề “tồn tại” khá lớn của nền kinh tế Việt Nam. Theo đó, các “luật chơi” được tạo ra trong nền kinh tế hiện nay vẫn có sự phân biệt nhất định giữa doanh nghiệp tư nhân trong nước với các doanh nghiệp nhà nước hay kể cả các doanh nghiệp tư nhân trong nước với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Muốn phát triển nội lực thì việc tạo ra một sân chơi bình đẳng giữa các thành phần kinh tế là điều cực kỳ cần thiết. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng cần xây dựng các cơ chế nhằm đảm bảo sự công bằng giữa các thành phần kinh tế trong việc tiếp cận các nguồn lực trong xã hội.
Mạnh Chu - Thùy Linh