Tăng cường liên kết là điều cần làm của doanh nghiệp

24/05/2023 - 10:33

PNO - Từ quý IV/2022 đến nay, kinh tế thế giới và trong nước gặp nhiều khó khăn và chưa có nhiều tín hiệu cho thấy sẽ khả quan hơn. Ở một số khu vực trên thế giới, xung đột vẫn xảy ra, lạm phát tăng cao do nguồn cung hàng hóa thiếu hụt; các chuỗi cung ứng bị đứt gãy vẫn chưa được khôi phục hoàn toàn, đời sống nhân dân gặp nhiều khó khăn.

Ở trong nước, số lượng và doanh thu xuất khẩu bị sụt giảm, sức tiêu dùng chưa hồi phục hoàn toàn, giải ngân đầu tư công còn chậm, thu nhập của phần lớn người dân giảm sút, việc tiết kiệm trong mua sắm là điều tất yếu. Gần đây nhất, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 58 về việc hỗ trợ doanh nghiệp từ nay đến năm 2025, với các chính sách hỗ trợ về vốn, nguyên liệu đầu vào, thuế, phí, lệ phí. Đây là một sự cố gắng lớn của Chính phủ trong lúc tài chính và nguồn thu còn eo hẹp. 

Sức mua giảm khiến nhiều hoạt động sản xuất, kinh doanh gặp khó khăn
Sức mua giảm khiến nhiều hoạt động sản xuất, kinh doanh gặp khó khăn

Ngoài sự hỗ trợ của Chính phủ, các bộ, ngành và chính quyền các địa phương thì từng doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh cả nước phải làm gì để vượt qua những khó khăn trong năm 2023 và có thể cả năm 2024 sắp tới? 

Tôi chợt nhớ tới một câu chuyện gần đây của ngành du lịch Thái Lan. Đó là 4 ngành khách sạn, hàng không, thương mại, ăn uống và vận tải bộ cùng liên kết để tổ chức các tour du lịch, trong đó có việc cùng chia sẻ lợi nhuận hợp lý, hài hòa giữa các doanh nghiệp và bộ phận tham gia. Bằng cách liên kết cộng thêm nhiều cách làm hiệu quả khác, dù có ít di sản thiên nhiên thế giới, cảnh quan du lịch, các bãi biển không thể sánh bằng Việt Nam nhưng bình quân hằng năm, Thái Lan vẫn thu hút số khách quốc tế cao hơn nhiều so với chúng ta. 

Tôi cho rằng, để ngành du lịch Việt Nam thu hút ngày càng đông khách trong thời gian tới, các ngành liên quan đến du lịch cần học tập Thái Lan, tăng cường liên kết, hợp tác để tạo sức mạnh chung và phân chia lợi nhuận hợp lý sau khi hoàn thành các tour phục vụ khách trong và ngoài nước. 

Ngoài ngành du lịch, ở Việt Nam, các ngành kinh tế khác như sản xuất và phân phối các sản phẩm nông nghiệp cũng đang có tình trạng chia cắt, chưa gắn kết chặt chẽ với nhau, lợi nhuận trong chuỗi sản xuất phân phối về tay ai thì bộ phận đó được hưởng, thậm chí hưởng lợi nhuận một cách vô lý và không công bằng, trong đó người sản xuất thường bị thiệt thòi nhất. 

Ai cũng biết việc liên kết mang lại nhiều lợi ích, nhưng tại sao các doanh nghiệp Việt ít chịu liên kết nhau, giữa các khâu - như sản xuất và phân phối -  vẫn mạnh ai nấy làm? Ngoài sự điều phối chung của Chính phủ, các bộ, ngành trung ương và UBND các tỉnh, thành, chính các doanh nghiệp phải chủ động ngồi lại với nhau để bàn cách liên kết, hợp tác để cùng mạnh lên, cùng có lợi. 

Vũ Vinh Phú - chuyên gia kinh tế

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI