Tăng cường kết nối giúp người trẻ vượt qua hậu COVID

25/03/2022 - 07:37

PNO - Hội chứng hậu COVID và tác động tâm lý do đại dịch đe dọa tạo ra một thế hệ bị ảnh hưởng đến mức có thể xem là khuyết tật. Dù vậy, nỗ lực bản thân, sự hỗ trợ từ gia đình, xã hội có thể giúp giảm bớt tác động tiêu cực này.

Giáo sư Danny Altmann - nhà nghiên cứu miễn dịch học tại Đại học Hoàng gia London (Anh) - cho biết: “Chúng ta có ít nhất 5 triệu người trên hành tinh mắc hậu COVID. Tất cả họ đều biểu hiện một loạt các vấn đề sức khỏe và xu hướng này rất nghiêm trọng”. Ông cảnh báo hậu COVID có thể dẫn đến một thế hệ bị ảnh hưởng bởi khuyết tật. 

Arianna Hellman trong bức ảnh của chính mình mô tả  nỗ lực trút bỏ sự lo lắng mắc phải trong thời gian dịch bệnh
Arianna Hellman trong bức ảnh của chính mình mô tả nỗ lực trút bỏ sự lo lắng mắc phải trong thời gian dịch bệnh

Kết quả các nghiên cứu chỉ ra rằng tình trạng này có liên quan đến hơn 200 triệu chứng khác nhau, từ sương mù não đến tim đập nhanh, tổn thương vi thể ở phổi cho đến mức hoạt động thấp của một số kháng thể. Một điều may mắn của đại dịch COVID-19 là virus dường như không quá nguy hiểm đối với phần lớn trẻ em khỏe mạnh. Tuy nhiên, vẫn có hàng ngàn trẻ em hiện đang đối mặt hậu COVID và có các triệu chứng suy nhược trong nhiều tuần, nhiều tháng, thậm chí nhiều năm.

Các báo cáo gần đây của UNICEF, Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) cho thấy số lượng các vấn đề sức khỏe tâm thần ở thanh thiếu niên các nước thuộc Liên minh châu Âu đã tăng gấp đôi trong giai đoạn 2020 - 2021. Một trong những yếu tố bảo vệ tốt nhất cho sức khỏe tinh thần của thanh thiếu niên là cấu trúc xã hội, thói quen ổn định tại nhà và trường học, những yếu tố vốn thay đổi rất nhiều từ đại dịch. Người trẻ đang phải trải qua một khoảng thời gian đầy thử thách.

Dù vậy, các cha mẹ có thể làm gương và khuyến khích con tập thói quen thích nghi và theo dõi các dấu hiệu của vấn đề sức khỏe tâm thần sâu hơn, bao gồm những thay đổi lớn trong hành vi, tâm trạng và thói quen. Cụ thể là các biểu hiện như trốn học, mất hứng thú với những sở thích trước đây, xáo trộn thời gian ăn uống và ngủ nghỉ, cũng như những hành vi gây rối hoặc hung hăng.

Việc cùng con tạo những thói quen mới (hoặc quay lại những thói quen tốt trước đó) góp phần giúp trẻ không cảm thấy bị mất kết nối và lạc lõng. Dành nhiều thời gian hơn trên internet là một thói quen xuyên suốt đại dịch và khi xã hội tái mở cửa, nó có thể khiến gia đình rời xa các hoạt động lành mạnh và có giá trị khác, chẳng hạn như cùng ăn bữa tối và tập thể dục. 

Khi COVID-19 bùng phát ở New York (Mỹ) vào năm 2020, Arianna Hellman vô cùng sợ hãi và mắc chứng rối loạn ăn uống. Cha của Arianna làm việc từ xa tại nhà. Mẹ cô - một bác sĩ kiêm nhà khoa học - bận rộn giám sát các bệnh nhân ung thư. Cô gái 16 tuổi chia sẻ: “Tôi cảm thấy rất cô đơn, tôi rất muốn nói với ai đó. Tôi muốn trút bỏ tất cả”.

Và Arianna đã tìm được cho bản thân một nơi ẩn náu thông qua nghệ thuật. Cô đã tạo ra những bức ảnh ghép thể hiện sự lo lắng, sợ hãi, cô đơn và đơn độc của mình. Arianna chia sẻ: “Trong một bức ảnh, những con bướm bay ra khỏi miệng tôi… đó là hình ảnh của việc tôi trút bỏ mọi lo lắng. Nhưng một con bướm vẫn đậu trên vai tôi vì ngay cả khi những lo lắng trở thành quá khứ, chúng vẫn là một phần của tôi”. 

 Ngọc Hạ 
(theo Guardian, Yahoo, Metro, Fortune)

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI