Tăng cường biện pháp quản lý việc buôn bán cá tầm

18/07/2013 - 14:59

PNO - Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn vừa có văn bản đề nghị các bộ, ban, ngành liên quan về việc tăng cường các biện pháp kiểm soát buôn bán mẫu vật quốc tế thuộc Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực...

 Quyết định này nhằm ngăn chặn tình trạng cá tầm nhập lậu đang ồ ạt tràn vào thị trường Việt Nam cũng như đấu tranh đối với các hành vi vi phạm quy định của các Công ước quốc tế; đảm bảo kỷ cương, pháp luật của Nhà Nước trong việc kiểm soát buôn bán mẫu vật của các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp, đặc biệt là đối với mẫu vật của các loại cá tầm.

Tang cuong bien phap quan ly viec buon ban ca tam

Ảnh minh họa. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN).

Theo đó, các hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, tái xuất khẩu, nhập nội từ biển, quá cảnh, nuôi sinh sản, nuôi sinh trưởng và trồng cấy nhân tạo các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp, quý hiếm vào Việt Nam phải có giấy phép của cơ quan quản lý CITES nước xuất khẩu hoặc tái xuất khẩu và giấy phép nhập khẩu do cơ quan quản lý CITES Việt Nam cấp; cơ sở nuôi loài thuộc các phụ lục CITES phải được đăng ký với cơ quan có thẩm quyền.

Do vậy, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cần chỉ đạo thực hiện nghiêm túc các quy định của Nhà nước và Cơ quan quản lý CITES trên địa bàn đồng thời tuyên truyền, giáo dục, phổ biến các quy định của pháp luật về quản lý và bảo tồn động vật hoang dã.

Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý cần tổ chức kiểm tra, ngăn chặn và xử lý nghiêm minh các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm quy định của Nhà nước về săn, bắt, mua, bán, vận chuyển, nuôi, giết mổ, kinh doanh tang trữ, xuất khẩu, nhập khẩu, tái xuất khẩu các loài động vật hoang dã và sản phẩm, dẫn xuất trái luật và các quy định của Cơ quan quản lý CITES; tổ chức đăng ký cho các trại nuôi cá tầm nếu đảm bảo điều kiện quy định tại Điều 10, Điều 11 của Nghị định số 82/2006/NĐ-CP ngày 10/8/2006.

Các Bộ Công an, Quốc phòng, Tài chính, Công thương chỉ đạo các lực lượng chức năng tăng cường kiểm soát tại các cửa khẩu biên giới; đấu tranh, phá dỡ các đường dây buôn bán, vận chuyển trái phép mẫu vật động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm; nhất là mẫu vật cá tầm, phá dỡ các tụ điểm buôn bán trái phép mẫu vật hoang dã.

Tổng công ty hàng không Việt Nam chỉ chuyên chở mẫu vật các loài hoang dã, nhất là cá tầm khi có đầy đủ giấy tờ chứng minh nguồn gốc mẫu vật hợp pháp theo quy định hiện hành của Nhà nước.

Theo báo cáo của cục Cảnh sát Môi trường (C49) gửi Văn phòng Chính phủ về cá tầm, thời gian gần đây, do các cơ quan chức năng đã tăng cường các biện pháp đấu tranh ngăn chặn, nên tình trạng nhập lậu thủy hải sản, cá tầm giảm đáng kể.

Đối với cá tầm nhập lậu, thời gian trước tháng 4/2013 trung bình mỗi ngày các đối tượng vận chuyển khoảng 5-7 tấn cá tầm về Hà Nội tiêu thụ, phần lớn là cá tầm nhập lậu; hiện nay trung bình mỗi ngàu có khoảng 2 tấn cá tầm được vận chuyển về Hà Nội tiêu thụ (thường được tập kết ở các chợ đầu mối: Yên Sở, Thanh Trì…), nhưng đã được hợp thức hóa bằng các giấy tờ từ các trang trại nuôi trong nước, chỉ còn một lượng nhỏ cá tầm nhập lậu khôn có giấy tờ chứng minh nguồn gốc được đưa vào từ Quảng Ninh và Lạng Sơn.

Giá cá tầm tại khu vực biên giới khoảng 70.000 đồng/kg, sau khi vận chuyển về Hà Nội được các đối tượng bán với giá 130.000-150.000 đồng/kg (trong khi đó giá cá tầm trong nước có giá thành cao khoảng 200.000 đồng/kg và nuôi với số lượng ít).

Theo Thanh Tâm (Vietnam+)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI