Ngày xưa, mãi lớp 6 tôi mới bập bẹ học "hello", "how are you?" chứ trước đó tôi còn không hề biết có thứ ngôn ngữ gọi là tiếng Anh. Suốt mấy năm cấp II của tôi, thầy cô dạy tiếng Anh không phải nhân vật nổi tiếng, giáo sư hay tiến sĩ, bố mẹ tôi càng không biết tiếng Anh.
Ông bà chỉ là giáo viên dạy toán và văn, nghỉ hưu sớm để ở nhà buôn bán, nuôi con ăn học. “Vì thời đó, giáo viên khổ lắm. Làm gì đủ để nuôi ba đứa tụi bây”, mẹ tôi hay kể vậy.
Trên bục giảng, TS Nguyễn Chí Hiếu luôn mong muốn giúp học trò không ngừng sáng tạo trong cách viết
Nhưng chính những con người bình dị, đáng quý ở xứ biển Quy Nhơn đầy nắng và gió ấy đã cho tôi một thói quen từ nhỏ mà tôi tin rằng, chính thói quen đó đã thay đổi con đường dài tôi đi 20 năm qua.
Thói quen tưởng chừng như “chẳng để làm gì” ấy đã giúp tôi nhiều lắm. Năm lớp 9, vào cái thời du học là thứ gì đó xa xỉ, ở quê tôi chẳng ai dám nghĩ đến, bố đã dắt tôi vào Sài Gòn thi TOEFL. Điểm viết tôi được tuyệt đối: 6/6. Hết lớp 12, tôi đi du học ở Anh và phải thi IELTS ngay năm đầu, điểm viết của tôi cũng tuyệt đối: 9/9.
Rồi sau này thi GRE, GMAT - những yêu cầu bắt buộc cho việc nộp đơn thạc sĩ, tiến sĩ – điểm viết tôi luôn tuyệt đối. Nộp đơn hay xin bất cứ học bổng nào, dù là của LSE, Stanford, Oxford hay của IMF và các tổ chức khác, tất cả đều do chính tay tôi tự viết, dù viết ở nhà cả tháng hay phải viết tại phòng phỏng vấn trong 30-40 phút.
Đi học MBA, tổng cộng 24 môn mà tôi thủ khoa 13 môn, thì hết bảy môn là viết, từ viết học thuật, báo cáo tài chính, kế hoạch kinh doanh cho đến viết sáng tạo, mặc dù suốt 10 năm học đại học và làm tiến sĩ, tôi “chuyên trị” các môn tính toán, công thức, hay lập trình. Tất cả có lẽ đều nhờ vào thói quen mà cha mẹ và thầy cô đã cho tôi từ nhỏ.
Hồi đó, cứ tối về, học bài và làm bài trên trường xong, tầm 17g là tôi lôi sách ra đọc. Oliver Twist, 20 vạn dặm dưới đáy biển, Truyện cổ Grimm... toàn sách tiếng Anh cũ bố mua những lần ông vào Sài Gòn lấy hàng, hoặc sách do tôi đi mượn từ các thầy cô Trường Sư phạm Quy Nhơn.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Cứ đọc hết một chương mà thấy cái gì hay là tôi chép lại vào sổ tay. Gọi là sổ tay cho hoành tráng, chứ thật ra nó là hàng trăm trang giấy trắng mẹ tôi xé ra từ những cuốn tập cũ chưa viết hết, bố đem đục lỗ và ghép lại bằng dây đồng hoặc sợi chỉ may.
Bố mẹ và thầy cô tôi dặn vừa đọc phải vừa suy nghĩ những câu hỏi dạng như: mỗi chương sách, mỗi câu chuyện nói về cái gì, tại sao người ta lại viết đoạn này đoạn kia, tại sao đoạn văn này lại xuất hiện sau đoạn văn kia… Sau này học lên cao, tôi mới biết, đó chính là cách tư duy mà dù ở bất cứ ngôn ngữ nào đó cũng là dạng tư duy bậc cao. Nhưng tôi của ngày xưa chỉ say mê đọc vì đơn thuần tôi thích đọc và thích tìm câu trả lời cho những câu hỏi đánh đố. Đơn giản vậy thôi.
5-10 phút trước khi đi ngủ, tôi lôi một cuốn “sổ tay” khác ra - cũng là giấy trắng do mẹ xé ra và bố đóng lại bằng dây đồng, sợi chỉ - để viết nhật ký bằng tiếng Anh, tóm tắt lại những gì xảy ra và suy nghĩ của tôi trong một ngày.
Khi viết, tôi ráng sử dụng ngay chính những ý tứ và câu chữ vừa “ăn cắp” được từ cuốn sách đã đọc. Lúc đầu còn có vẻ hơi miễn cưỡng, nhưng từ từ ngòi bút tôi như được bôi trơn, câu chữ cứ thế mà tuôn ra, để những thứ “ăn cắp” đó vô tình trở thành tài sản của tôi ngay đêm đó - một loại tài sản có giá trị cả đời.
Cuối tuần, tôi xem lại tuần vừa rồi quyển tập “tái chế” của mình có thêm ý gì hay, câu văn nào đẹp, từ ngữ nào thật đắt. Tôi vận dụng hết tất cả “công lực” để viết một bài văn, sử dụng từ ngữ hay ý tứ đã chép lại trong tuần qua để kể câu chuyện của riêng tôi. Từ ngữ nào Hemingway dùng để vẽ ra cảnh biển, tôi xem thử có thể áp dụng để vẽ ra biển quê tôi hay không.
Cảm xúc của Oliver Twist, tôi xem thử có dùng được cho thằng bé ăn mày tôi hay gặp trên đường đi học không. Cách Truyện cổ Grimm phác thảo con người, tôi cân nhắc “vay mượn” để tả người trong truyện cổ của riêng mình. Nói chung, chuyện trên trời dưới đất, trong nhà ngoài phố, nghị luận xã hội hay thơ ca, cuộc sống hằng ngày hay đơn thuần chỉ là trí tưởng tượng của một thằng nhóc cấp II, tôi cho phép mình thích viết gì thì viết, tha hồ mà phóng bút.
Chẳng có chút bóng dáng của điểm số hay giải thưởng gì trên những trang giấy và trong đầu óc tôi cả. Viết xong chừng chục bài, tôi hăng hái đem vài bài để thầy cô góp ý. Còn bài nào mà “ngu ngu” hay “xàm xàm” thì tôi “ủ” làm của để dành, vì nó là của… riêng tôi.
Đơn giản vậy thôi mà ròng rã ngày này qua tháng nọ, sách tôi đọc cứ thế nhiều lên và đọc thứ khó hơn, sổ ghi chép của tôi dày hơn và nhân bản ra hơn chục quyển, bài luận tôi viết cứ dài hơn và sâu hơn.
Nghỉ tết hay nghỉ hè, nhiều khi một ngày của tôi chỉ đơn giản là sáng đọc sách 1-2 tiếng, chiều ghi chép 1-2 tiếng, và tối viết một bài văn. Lúc đầu sai nhiều ngữ pháp, ý tứ còn lộn xộn, câu chữ còn lủng củng, nhưng dần dần tôi vừa đọc vừa tự phân tích cấu trúc bài văn, suy luận câu chữ, rồi áp dụng để viết, thế mà tự nhiên mọi thứ cũng từ từ hình thành.
Hồi đó, đọc và viết với tôi như hơi thở, không gò ép, chỉ đơn giản vì thích. Cũng chẳng bao giờ tôi thắc mắc là làm như vậy để sau này được gì. Chỉ đơn giản tôi thích cảm giác khi mình chinh phục được ý tứ và câu chữ, không còn thấy bất lực nữa, vì dần dần ngòi bút và lời nói cũng có thể bắt kịp và song hành với suy nghĩ trong một ngôn ngữ mà mình mới học được hai-ba năm.
Muốn viết kiểu gì, học thuật hay sáng tạo, trong đầu tôi tự điều chỉnh và ngòi bút cứ thế lướt đi. Để mọi thứ nhẹ nhàng, tự nhiên như hơi thở.
Giờ đây, sau bao nhiêu năm, tôi vẫn giữ thói quen ấy. Mỗi ngày đọc một ít rồi đánh dấu bằng bút màu, để khi đọc xong cuốn nào thì tôi ghi chép lại thứ mình thích và lưu vào máy. Cuối tuần hay lúc rảnh rỗi, tôi ngồi xem lại và cứ thế mà viết.
Mỗi ngày tôi vẫn dạy được học trò những kiến thức mới nhất và giúp tụi nhỏ không ngừng sáng tạo trong cách viết. Tháng nào tôi cũng có thể hiệu đính sách hay bài viết cho đồng nghiệp, bạn bè trong và ngoài nước - kẻ viết báo, người làm sách hay sáng tác thơ văn - mà bản thân tôi không bị bí từ hay bí ý.
Cứ một-hai năm, tôi lại ra một cuốn sách tiếng Anh đúng như mình mong muốn. Quan trọng nhất, thói quen ấy là để việc học của tôi không dừng lại sau khi mỗi bằng cấp đã “xử lý” xong. Và quan trọng hơn cả là để tư duy của tôi không bị... dậm chân tại chỗ.
Thói quen ấy là do bố mẹ và thầy cô đã cho tôi từ bé. Một thói quen gần như là miễn phí - trừ tiền mua sách cũ, giấy “tái chế” hay vài sợi chỉ, dây đồng hồi đó - nhưng chính thói quen đó đã thay đổi cả con đường tôi đi. Họ cho tôi thói quen tự đọc và tự viết, vì họ muốn cho tôi học cách... tự bơi.
Vì hơn ai hết, họ biết và hiểu một điều: trước sau gì, tôi cũng phải... tự bơi. Để tôi có thể mở ra cơ hội cho chính bản thân và đi bằng chính sức lực của mình, dù tôi có bị quăng vào môi trường nào đi nữa.
Ngày nay, rất nhiều phụ huynh vẫn nghĩ rằng cứ thả con đi học ở trung tâm một-hai khóa học viết luận tiếng Anh là con viết hay. Cứ cho con suốt ngày luyện những mẫu cấu trúc bài viết TOEFL, IELTS, SAT do các “siêu sao” đúc kết lại thành công thức để con “copy” rập khuôn.
Cứ đem bài luận con viết vội vã và sơ sài cho các trung tâm dịch vụ chỉnh sửa, để con vào được trường ABC hay XYZ. Tất cả vấn đề đều có hai mặt của nó. Tôi chỉ muốn đặt câu hỏi: "Liệu chúng ta có nên cho con một thói quen? Một thói quen... miễn phí?".
Tôi rất thích một đoạn văn trong cuốn sách vừa đọc Bird by Bird của tác giả Anne Lamott, khi người bố trong truyện dặn dò cô con gái: “Hãy làm điều đó (viết) mỗi ngày một chút, con nhé.
Hãy làm điều đó cứ như con đang chơi piano vậy. Hãy làm điều đó cứ như là con đã hứa với chính mình. Hãy làm điều đó cứ như là con đang trả nợ - một món nợ rất đáng để trả. Và hãy tự nói với lòng: viết cái gì cũng phải viết cho xong, con nhé!”.
Và cô con gái ấy hôm nay là một nhà văn tuyệt vời. Vì người cha đã cho cô bé một thói quen tuyệt vời. Một thói quen miễn phí. Còn các con của bạn, chúng đã có thói quen “miễn phí” nào chưa?
“Trên thương trường có mệt mỏi gì thì tìm về thiên nhiên, gia đình sẽ được chữa lành hết”, anh Nguyễn Văn Mết, Tổng giám đốc Công ty Met Foods nói.