Tặng cô & tặng cả cho con

21/11/2014 - 19:30

PNO - PN - Bố mẹ tôi là thầy cô giáo, hai người đã nghỉ hưu hơn 20 năm nay. Họ đứng trên bục giảng đúng thời buổi nghèo khó nhất, nuôi con - nuôi thân và nuôi nghề chỉ với “đồng lương chết đói” (cái từ này lúc còn bé tôi vẫn...

edf40wrjww2tblPage:Content

Tang co & tang ca cho con

Sau này, tôi có lúc ngồi nghĩ cẩn thận: bố mẹ và các thầy cô của tôi, họ có hãnh diện vì nghề không? Tôi đoán, họ yêu nghề nhưng đầy mặc cảm vì thân phận nghèo khó (do nghề nghiệp) của mình. Và đó là một điều thật đau khổ. Bố mẹ và các thầy cô của tôi bươn chải trong mưu sinh thường nhật, nhưng luôn dành dụm sự thong thả, sạch sẽ và tôn trọng chính mình khi bước lên bục giảng. Những bộ quần áo phẳng phiu, tươm tất, lời nói và cử chỉ nhẹ nhàng đúng mực, kiến thức trao truyền không chỉ là những đêm thức trắng soạn giáo án mà cả trải nghiệm sống, họ yêu thương trò như nhìn thấy ở những gương mặt non nớt cả tương lai mà mình kỳ vọng… Nghỉ hè, cô giáo dạy lịch sử của tôi ngồi bán hoa quả trong góc chợ đã quay mặt che nón để học sinh không nhận ra mình. Và cô chưa từng biết đến chiếc phong bì có thể làm nhiệm vụ chúc mừng “nhân ngày nhà giáo”. Cô (hay bố mẹ tôi) hẳn sẽ thấy bị xúc phạm, nếu được tặng tiền trong ngày vinh danh nghề nghiệp của mình.

Có một năm, bạn thân đi công tác nên nhờ tôi đón con sau giờ học. Đó là một buổi chiều 20/11. Đứa bé chín tuổi rất buồn, nó ấp úng kể: “Mẹ bỏ vào cặp con cái phong bì, dặn con đưa cho cô. Cả lớp con ra chơi lên đặt phong bì trên bàn cô. Cô bảo cảm ơn cả lớp. Con giận cô và giận mẹ…”. Tôi không hỏi vì sao nó lại “giận cô và giận mẹ”, vì đó cũng là cảm giác của tôi lúc đó. Tôi tin mình nghe được chính xác nỗi tổn thương trong tâm hồn non nớt ấy.

Tôi không biết có bao nhiêu phụ huynh như bạn tôi, luôn chuẩn bị một cái phong bì cho những ngày lễ tết để tặng thầy cô, luôn tính thêm “tiền cô giáo” vào khoản học phí của con hàng tháng? Món quà để tỏ lòng biết ơn đã bị bóp méo trong xã hội vật chất, để trở thành một thứ như là hối lộ, như là cơ hội, như là trục lợi, như là mua bán. Nó đơn giản chỉ là hành động “qua sông thì phải lụy đò”; chứ nào có sự thành kính thiêng liêng về một nghề nghiệp với sứ mệnh vun đắp nhân cách, khơi mở lòng hiếu học, trao truyền tri thức...

Tôi cũng từng có một ngày 20/11 thật buồn và đầy day dứt. Chúng tôi chuẩn bị quà cho hai thầy cô cũ; với thầy giáo, chúng tôi tặng hoa (con cái trưởng thành đã cho thầy một cuộc sống khá giả); với cô giáo, chúng tôi tặng phong bì và một cái chăn bông to. Vì lần trước thăm cô, một bạn trong lớp kể cái chăn mùa đông của cô rất mỏng và đã rách, trong khi cô cố gắng tằn tiện thu xếp trong cảnh nghèo của mình. Bà giáo già đã khóc lúc ôm cái chăn quà tặng. Không phải vì cảm động, mà vì tủi thân: “Đây là cứu trợ chứ không phải quà 20/11. Trong mắt các em, cô tội nghiệp đến thế này sao?”. Chúng tôi xấu hổ im lặng, nhận ra mình đã mang thói quen đền đáp và tỏ ơn bằng vật chất vào một nghi lễ thuần khiết tinh thần. Chúng tôi đã quên rằng, tiền là thứ ta có thể tặng bất cứ ai, nhưng lòng biết ơn và yêu thương thì ta chỉ dành cho vài người quan trọng trong cuộc đời mình.

Vì nhớ đến bà giáo già trường làng đó, vì nhớ đến bố mẹ tôi ngày 20/11 vẫn ngồi bên điện thoại bàn đợi cuộc gọi của những đứa học trò xưa, nên tôi tự thề với bản thân sẽ không bao giờ làm một cái phong bì vô cảm để chúc mừng thầy cô của con mình. Tôi còn muốn cho con cảm giác hạnh phúc khi được tự tay chăm chút một tấm thiệp, với những lời chân thành con đắn đo lựa chọn để viết lên. Con sẽ vui từ lúc chọn quà. Con sẽ hồi hộp lúc gói quà. Con sẽ tự hào tặng thầy cô tất cả kỹ lưỡng và tình cảm của mình, đã được gói giấy buộc nơ, và viết lên bằng dòng chữ vụng về: “Thầy Cô yêu quý…”.

Chúng tôi đã quên rằng, tiền là thứ ta có thể tặng bất cứ ai, nhưng lòng biết ơn và yêu thương thì ta chỉ dành cho vài người quan trọng trong cuộc đời mình.

 Quỳnh Hương

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI