Tăng cơ hội tiếp cận đất đai để thêm nguồn cung nhà ở cho dân

17/01/2024 - 06:18

PNO - Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) dự kiến được Quốc hội khóa XV xem xét, thông qua vào ngày 18/1 trong khuôn khổ kỳ họp bất thường lần thứ năm. Phóng viên Báo Phụ nữ TPHCM đã trao đổi với đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường (TP Hà Nội) về dự thảo luật này và các vấn đề liên quan tới đất đai.

Phóng viên: Thưa ông, giá nhà chung cư ở một số thành phố lớn tăng nhanh qua từng năm khiến cơ hội có nhà ở của người dân ngày càng bị thu hẹp. Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) nếu được thông qua liệu có giải quyết được vấn đề này không?

Ông Hoàng Văn Cường: Hiện nay, các giao dịch đất nền khá trầm lắng, chứng tỏ nhu cầu đầu cơ đất nền có lẽ nhiều hơn, không phải mua để ở. Trong khi đó, giá nhà chung cư lại tăng, cho thấy nguồn cung đang khan hiếm, nhu cầu người tiêu dùng là có thật. Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) mở ra nhiều cách tiếp cận đất đai cho các nhà đầu tư dự án. Trong những năm qua, các nhà đầu tư rất khó tiếp cận đất đai do một số quy định chưa thực sự rõ ràng, như cách xác định loại đất ra sao, dự án nào được giao đất, dự án nào phải thông qua đấu thầu, đấu giá, cơ chế xác định giá đất đấu thầu ra sao… Dự thảo luật lần này trả lời tương đối rõ ràng các câu hỏi đó.

Khi Luật Đất đai (sửa đổi) được thông qua, các doanh nghiệp sẽ tiếp cận đất đai một cách thuận lợi hơn. Khi đó, nguồn cung nhà ở có thể sẽ tăng lên, làm giảm tình trạng khan hiếm nhà ở. Tuy nhiên, nguồn cung này còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác, như năng lực của nhà đầu tư, các chính sách tài chính. Nhưng ít nhất, cơ hội tiếp cận đất đai sẽ được mở ra. 

Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường - ẢNH: MINH QUANG
Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường - Ảnh: Minh Quang

* Tuy nhiên, dự thảo luật vẫn có những quy định khó hiểu, như “muốn chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án nhà ở thương mại, phải có quyền sử dụng đất ở hoặc đất ở và đất khác”. Quan điểm của ông ra sao?
- Trước kia, người ta có thể chuyển đổi đất đai từ đất khác sang đất ở tương đối dễ dàng. Ví dụ, anh có đất phi nông nghiệp, thậm chí đất nông nghiệp nhưng được quy hoạch đất ở thì có thể xin chuyển thành đất ở được ngay. Nhưng với dự thảo luật lần này, nếu không phải đất ở mà muốn chuyển thành đất ở thì phải thông qua đấu giá, đấu thầu.

Quy định như vậy là vì khi chuyển mục đích từ đất nông nghiệp, phi nông nghiệp thành đất ở, sẽ có chênh lệch địa tô. Khi mang đấu thầu, đấu giá, địa tô đó sẽ được thể hiện thông qua giá trúng thầu. Tính chất thị trường do đó sẽ tăng lên. Điều này góp phần làm minh bạch về đất đai, những nhà đầu tư thực sự có năng lực, khả năng đầu tư sẽ nắm được dự án. Còn như trước đây, việc chuyển mục đích sử dụng đất là dựa vào cơ chế xin - cho, dễ dẫn đến chuyện tiêu cực, phục vụ lợi ích nhóm hoặc lợi ích của nhà đầu tư. Tất nhiên, với những nhà đầu tư đang gom đất mà không được chuyển đổi mục đích, phải đấu thầu, đấu giá thì cũng có sự tác động, ảnh hưởng. Điều này là khó tránh khỏi.

* Vậy theo ông, với mục tiêu tạo nguồn cung, giảm giá nhà để người dân tiếp cận, còn điều gì băn khoăn ở dự thảo luật này?

- Tôi cho rằng, cần phải sửa khoản 27, điều 79 trong dự thảo luật. Điều 126 quy định “Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất, cho thuê đất thông qua đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư sử dụng đất theo dự án được quy định tại khoản 27, điều 79 của luật này mà được HĐND cấp tỉnh quyết định giao đất, cho thuê đất thông qua đấu thầu, lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án có sử dụng đất”. Đồng thời, cũng giao HĐND cấp tỉnh quy định tiêu chí để các dự án được lựa chọn theo hình thức đấu thầu cho phù hợp với tình hình của địa phương.

Đại biểu Quốc hội kỳ vọng dự án Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ được bấm nút thông qua, mở đường cho việc tiếp cận đất đai minh bạch, rõ ràng. Trong ảnh: Các dự án chung cư dọc đường Võ Nguyên Giáp, TP Thủ Đức, TPHCM - ẢNH: BÍCH TRẦN
Đại biểu Quốc hội kỳ vọng dự án Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ được bấm nút thông qua, mở đường cho việc tiếp cận đất đai minh bạch, rõ ràng. Trong ảnh: Các dự án chung cư dọc đường Võ Nguyên Giáp, TP Thủ Đức, TPHCM - Ảnh: Bích Trần

Tuy nhiên, khoản 27, điều 79 quy định việc giao đất, cho thuê đất chỉ áp dụng với dự án đầu tư xây dựng khu đô thị có công năng phục vụ hỗn hợp, đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, nhà ở theo quy định của pháp luật về xây dựng. Như vậy, các dự án xây dựng khu đô thị không thỏa mãn tiêu chí của khoản 27 thì không được đấu thầu, hay dự án sử dụng đất không phải đất ở thì không được phép thỏa thuận và cũng không được đấu thầu. Các dự án này sẽ được giải quyết như thế nào? Ở đây, có một khoảng trống pháp lý mà nhiều dự án sẽ không thể thực hiện được, không được đấu thầu, không được thỏa thuận và cũng không được giao trực tiếp. Vì vậy, tôi đề nghị sửa khoản 27, điều 79 thành “các dự án sử dụng đất thuộc đối tượng phải đấu giá quyền sử dụng đất và đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư theo quy định của pháp luật”. 

* Khi được ban hành, Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ có tác động rất lớn tới mọi mặt đời sống. Ông đánh giá thế nào về tổng thể dự thảo luật? Theo ông, dự thảo luật đã đảm bảo yêu cầu, chất lượng để được thông qua vào phiên bế mạc kỳ họp (ngày 18/1) hay chưa? 

- Luật Đất đai (sửa đổi) đã được bàn thảo khá kỹ, phần lớn các quy định tương đối rõ. Tất nhiên, khi vận dụng vào thực tế, sẽ có nhiều vấn đề phát sinh, đòi hỏi phải tiếp tục nghiên cứu, kiến nghị sửa đổi. Nhưng tôi cho rằng, dự thảo đã đủ điều kiện để được thông qua, ban hành thành luật ngay trong kỳ họp này. Quá trình thực hiện cần có điều kiện, có khoảng trống để có thể vận dụng linh hoạt, không cứng nhắc. Nếu cứng nhắc quá, rất khó thực thi được. Ví dụ như, dự thảo không quy định cụ thể dự án nào phải đấu thầu, đấu giá mà giao cho HĐND các địa phương căn cứ vào điều kiện của địa phương mình để ban hành quy định, tiêu chí. Nếu linh hoạt vận dụng được thì việc thực thi luật sẽ không gặp phải vướng mắc. 

* Xin cảm ơn ông. 

Minh Quang (thực hiện)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI