TP Hà Nội: Không dễ mua được nhà ở xã hội Cưới nhau từ năm 2013 nhưng đến nay, vợ chồng chị N.T.M. - quê ở tỉnh Hưng Yên, làm công nhân ở TP Hà Nội - vẫn phải thuê nhà. Năm 2017, khi chủ đầu tư khu nhà ở xã hội Rice City Long Biên mở bán căn hộ, vợ chồng chị làm hồ sơ đăng ký mua nhưng không được xét duyệt dù có thu nhập thấp. Năm 2020, nghe bạn bè nói chung cư nhà ở xã hội Him Lam Thượng Thanh (quận Long Biên) mở bán, chị cũng tìm cách mua. “Do lần đầu tự làm hồ sơ mua nhà không thành công nên nghe bạn bè tư vấn, tôi tìm tới một công ty được quảng cáo là nhà phân phối căn hộ dự án này. Sau khi làm việc, vợ chồng tôi được yêu cầu đặt cọc 20 triệu đồng để làm các thủ tục, nhưng từ đó tới nay, dự án này vẫn “bất động”, khoản tiền đặt cọc cũng không đòi lại được” - chị M. kể. Ở TP Hà Nội, nhu cầu mua nhà ở xã hội rất lớn nhưng số căn xây được quá ít. Mới đây, UBND TP Hà Nội đã duyệt danh mục các dự án nhà ở, khu đô thị trong Kế hoạch phát triển nhà ở giai đoạn 2021-2025 (đợt 1). Trong đó, có thêm 8 dự án xây nhà ở xã hội, cung cấp hơn 5.500 căn, tổng diện tích 485.000m2 sàn. Các dự án này tập trung ở các quận Hoàng Mai, Bắc Từ Liêm và các huyện Gia Lâm, Đông Anh, Mê Linh, Hoài Đức. Phần lớn dự án đang trong giai đoạn làm thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư hoặc chấp thuận nhà đầu tư. Bên cạnh niềm hy vọng mua được nhà, không ít người tỏ ra hoài nghi bởi việc mua bán nhà ở xã hội hiện nay còn chưa thực sự công bằng. Hồi tháng 5/2023, dự án NHS Trung Văn mở bán 149 căn nhà nhưng có tới hơn 1.300 người tham gia bốc thăm. Sau khi có kết quả, chủ đầu tư dự án đã gửi danh sách để Sở Xây dựng TP Hà Nội thẩm định. Kết quả, sở phát hiện 7 trường hợp đã có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, sở hữu nhà ở các vị trí khác, thậm chí có người đã có quyền sử dụng 300m2 đất vẫn bốc thăm. Minh Quang Chênh lệch giữa giá nhà và thu nhập quá lớn Theo báo cáo Chỉ số về khả năng chi trả nhà ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương năm 2023 của Viện Nghiên cứu và Giáo dục phi lợi nhuận ULI, chỉ số chênh lệch giữa giá nhà và thu nhập ở TPHCM là 32,5, cao thứ hai trong các thành phố, chỉ sau Thâm Quyến (35). Chỉ số này cao hơn Bắc Kinh (29,3), Thượng Hải (24,1) và Hồng Kông (26,5). Chỉ số này ở TP Hà Nội là 18,3, cao hơn Seoul (17,3), Tokyo (16,1), Singapore (13,7). TPHCM phấn đấu xây 18.600 căn hộ cho thuê Theo Sở Xây dựng TPHCM, tổng nhu cầu nhà ở xã hội của TPHCM giai đoạn 2021-2030 khoảng 37 triệu m2 sàn. Trong đó, người có thu nhập thấp cần khoảng 15 triệu m2 sàn, công nhân trong các khu công nghiệp, cụm công nghiệp cần khoảng 12 triệu m2 sàn. Quỹ đất để đáp ứng nhu cầu này là 451ha, vốn để đầu tư xây dựng khoảng 86.400 tỉ đồng. Sở nêu mục tiêu, trong giai đoạn 2021-2030, TPHCM phát triển khoảng 6,58 triệu m2 sàn nhà ở xã hội, tương đương 93.000 căn nhà. Trong đó, phấn đấu đạt hơn 1,3 triệu m2 sàn nhà cho thuê, tương ứng 18.600 căn, trên 700.000m2 sàn nhà lưu trú công nhân, tương ứng 12.500 căn hộ. Chỉ tiêu này nếu được hoàn thành cũng chỉ đáp ứng khoảng 17,8% nhu cầu. Riêng nhà ở cho công nhân chỉ đáp ứng gần 6% nhu cầu. Singapore thí điểm chương trình phòng cho thuê Ngày 20/8, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long tuyên bố, chính phủ sẽ tăng cường mức trợ cấp để giúp những căn hộ nhà ở xã hội có giá rẻ hơn. Chính phủ Singapore giao Cục Nhà ở và Phát triển Singapore (HDB) trợ giá, xây dựng và quản lý nhà ở xã hội. Hiện tại, thị trường mua bán lại các căn hộ HDB - nơi sinh sống của 80% cư dân Singapore - vẫn rất “nóng”, bất chấp các biện pháp hạ nhiệt của chính phủ. Chính phủ sẽ đưa ra các khoản trợ cấp bổ sung ngoài mức hỗ trợ hiện tại cho người mua mới, nhưng cảnh báo sẽ thu hồi số tiền này nếu người mua chuyển nhượng căn hộ. Chủ sở hữu những căn hộ mới được trợ giá chỉ được bán nhà sau 10 năm. Ngoài ra, mức giá trần sẽ được áp dụng cho người mua lại căn hộ trên thị trường thứ cấp. Căn hộ HDB mới được dành cho cặp vợ chồng có tổng thu nhập hằng tháng không quá 14.000 SGD, hoặc người trên 35 tuổi có thu nhập không quá 7.000 SGD/tháng. Thời gian chờ đợi để sở hữu 1 căn hộ HDB mới (giá chỉ 163.000 SGD nếu được chính phủ trợ cấp) là khoảng 4 năm. Nếu không mua được căn hộ HDB, cá nhân hoặc gia đình có thể thuê căn hộ HDB trực tiếp từ chính phủ thông qua chương trình cho thuê công cộng HDB (HDB Public Rental Scheme) với giá thuê từ 26-275 SGD/tháng/căn hộ 1 hoặc 2 phòng ngủ. Những căn hộ theo chương trình cho thuê HDB này rất hạn chế về nguồn cung, và chỉ dành cho những người Singapore không có sự lựa chọn nhà ở nào khác, với thu nhập hộ gia đình không quá 1.500 USD/tháng (trừ một số trường hợp đặc biệt). Vào tháng 3/2023, HDB thông báo rằng, họ sẽ thí điểm một chương trình cho thuê phòng có tên là “Phòng cho thuê cơ sở vật chất chung”, dự kiến triển khai vào cuối năm 2023. Những căn hộ cho thuê này của chính phủ sẽ có giá thuê thấp, dành riêng cho nhóm người độc thân có thu nhập thấp. Họ được sống trong phòng riêng nhưng dùng chung nhà vệ sinh và nhà bếp. Tấn Vĩ (theo SCMP, Bloomberg) |