Đòn chí mạng của covid-19
Nắng tháng Tư dội vào mặt người, bỏng rát. Bên ngoài tiệm cà phê đang đóng cửa im ỉm, ông Lê Văn Tý, 55 tuổi, ngồi thở dài rồi tự hỏi: chiều nay, rồi ngày mai nữa mình sẽ ăn gì để sống? Ông Tý bị khuyết tật chân, đi bán vé số và thuê trọ một mình tại Q.12. Tằn tiện, ông cũng đủ cơm rau ngày hai bữa. Từ hôm 1/4, xổ số kiến thiết tạm ngưng phát hành đồng nghĩa với chiếc “cần câu cơm” của ông bị “gãy”. Không đủ khả năng chi trả tiền trọ, ông Tý đành trả phòng, ra vỉa hè. Những bữa cơm rau bình dị bỗng chốc thành xa xỉ với ông. Ngày 18/4, khi ATM gạo P.Tân Hưng Thuận chính thức hoạt động, ông Tý thuộc nhóm người đầu tiên đến xếp hàng chờ tới lượt. Ngày hôm sau, khi đến ATM gạo, ông được mấy chị tặng cà rốt và rau muống. Các chị còn dặn mỗi ngày cứ ghé qua lấy rau củ…
Chị Nguyễn Kim Nên đi, về giữa Q.12 và H.Hóc Môn cắt rau lang hỗ trợ bà con nghèo mùa dịch.
|
|
Cũng như ông Tý, ông Lưu Xuân Hớn, 65 tuổi, ở P.Trung Mỹ Tây, Q.12 đã dành gần trọn cuộc đời cho nghề bán vé số trên chiếc xe ba bánh. Đỡ hơn đồng nghiệp, ông vẫn đang trụ lại nhà trọ bằng số tiền tiết kiệm ít ỏi. Tuy nhiên, chuyện cơm nước lại là bài toán nan giải, phải cân đo đong đếm từng bữa. Sáng 19/4, cầm trên tay bịch gạo, trái bí xanh, mớ hành lá vừa được các chị tặng, ông nhìn xuống, mắt đỏ hoe: “Các cô chú cho vầy, tui không sợ đói mấy ngày”.
Cách đó một quãng không xa, bà Nguyễn Thị Hoa, 66 tuổi, ở P.Đông Hưng Thuận, Q.12, tay xách bịch cá, tay ôm túi gạo bước liêu xiêu. Bà bán vé số, chồng chạy xe ôm, COVID-19 đã giáng một đòn chí mạng xuống tổ ấm của hai vợ chồng già. Cả tuần nay, mỗi ngày bà đều qua P.Tân Hưng Thuận nhận gạo, rau, đôi khi có thêm trứng, cá.
“Cần chia sẻ với bà con trước đã!”
Q.12 có hai ATM gạo hoạt động tại P.Tân Hưng Thuận và Nhà Thiếu nhi quận (P.Hiệp Thành). “Bà con lãnh gạo rồi ăn với gì?” là câu hỏi khiến nhiều cán bộ, hội viên phụ nữ hai phường trăn trở. Từ đó, mô hình hỗ trợ rau, củ, quả ra đời, hoạt động song song với ATM gạo. Trung bình mỗi ngày số rau, củ, quả ở P.Tân Hưng Thuận mang tặng bà con khoảng 250kg, còn P.Hiệp Thành cũng tặng khoảng 100-150kg. Không riêng người ở Q.12, rất nhiều bà con từ các quận huyện Hóc Môn, Củ Chi, Tân Bình cũng ghé nhận những phần quà tình nghĩa. Điều đặc biệt, nguồn rau, củ, quả chủ yếu từ vườn nhà hội viên, số còn lại là do các chị góp tiền mua thêm ở chợ đầu mối.
Ba mẹ, vợ chồng chị Thuý Hải, em gái và người cậu ruột đều sống dựa vào vườn rau 2000m2, nhưng họ đã ủng hộ vườn rau cho bà con nghèo
|
|
Chị Nguyễn Kim Nên ở P.Tân Hưng Thuận cùng cha mẹ và gia đình cô em gái Nguyễn Thu Vân đều sống dựa vào vườn rau lang dưới xã Xuân Thới Sơn, H.Hóc Môn. Bao năm nay, cứ hơn 5g sáng là chị có mặt ở vườn để cắt rau cho cậu em chở xuống chợ đầu mối giao cho tiểu thương, phần còn lại chị chở về Q.12 bán.
“Khi gặp những cảnh đời khó khăn quá, chúng tôi muốn tặng thêm vài bó rau, nhưng bà con đều từ chối, nói ăn một bữa bấy nhiêu đủ rồi, phần đó để cho người khác. Về phía hội viên đóng góp thực hiện hoạt động này, các chị đều không dư dả, đa phần trồng rau, làm công nhân, buôn bán nhỏ tại nhà”.
Chị Nguyễn Thị Thu Oanh - Phó chủ tịch Hội LHPN P.Tân Hưng Thuận, Q.12.
|
Nhưng từ hôm hay tin Hội tặng rau củ cho bà con, chị xung phong tham gia, vừa cắt mang ra phường tặng, vừa để trước nhà, ai cần thì ghé lấy. Nghe tôi hỏi chuyện áo cơm, chị Nên cười: “Trông hết vô cái vườn đó em. Mà kệ đi, rồi sẽ ổn thôi, mình còn trụ được. Cần chia sẻ với bà con trước đã”.
Tương tự, gia đình chị Trần Thị Thúy Hải, cha mẹ, em gái, cậu mợ… đều sống dựa vào khu vườn 2.000m2 gồm cải ngọt, cải xanh, rau dền, mồng tơi… nhưng họ cũng đã chia sẻ cả khu vườn với bà con nghèo. “Thấy bà con nhận gạo về ngang nhà, mình tự hỏi: lãnh gạo về rồi nấu cơm ăn với gì? Không lẽ mắm, muối hoài. Thế là nói với ba mẹ. Nghe con gái ngỏ ý tặng vườn rau, ba mẹ mình gật đầu liền”, chị Hải tâm sự.
Mấy tuần qua, Hội LHPN P.Hiệp Thành rà soát những hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, chịu ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch COVID-19, để kịp thời hỗ trợ gạo, thực phẩm. Gia đình chị Trần Thị Ngoãn ở khu phố 5, thuộc diện hộ nghèo nên đã lọt vào danh sách. Kinh tế gia đình chị Ngoãn phụ thuộc hoàn toàn vào vườn rau gần 2.000m2 đất thuê. Nhà năm miệng ăn, lại có người bệnh nặng, thành ra làm bao nhiêu cũng vẫn thiếu trước, hụt sau. Thế nhưng trong lúc cả xã hội đang khó khăn, chị Ngoãn đã tặng cả vườn rau cho Hội.
|
Thuộc diện hộ nghèo nhưng chị Ngoãn (phải) đã dành cả “cần câu cơm” của gia đình để tiếp sức Hội lo cho bà con nghèo |
Chị Nguyễn Thị Kim Thanh - Chủ tịch Hội LHPN P.Hiệp Thành - nói: “Chúng tôi sững sờ khi biết chị Ngoãn đã lặng lẽ cắt rau nhờ chi hội chở đi cho vì sợ mình hộ nghèo thì phường không nhận. Tôi ghé nhà thăm, bày tỏ sự trân quý trước nghĩa cử này, dặn đừng tặng rau nữa, để đó bán nuôi mấy đứa nhỏ, nhưng chị Ngoãn không chịu. Chị ấy nói, lá rách ít thì đùm lá rách nhiều, lúc này cả nước đang chung tay chống dịch, ai có gì góp nấy, hãy để chị có cơ hội làm gì đó cho bà con”.
Mẫn Nhi