PNO - PNCN - Tham gia khá nhiều phim, lấn sân cả lĩnh vực kịch nói, Tăng Bảo Quyên không còn xa lạ với công chúng, nhưng nếu nói cô là một tên tuổi “hot” thì cũng không phải.
edf40wrjww2tblPage:Content
Cuộc sống của nữ diễn viên 31 tuổi này êm ả như sông nước An Giang quê cô. Cách đây hai năm, Tăng Bảo Quyên gần như “mất tích” khỏi làng giải trí rồi bỗng nhiên vào tháng 10 vừa qua, cô tái xuất tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 18 để nhận giải Nữ diễn viên chính xuất sắc cho vai Hà trong phim Những người viết huyền thoại.
* Những phim giúp chị nhận được đề cử như Chuyện tình xa xứ, Giao lộ định mệnh đều “đình đám”, nhưng rốt cuộc ở giải Cánh diều hay Bông sen, chị vẫn trắng tay, trong khi phim Những người viết huyền thoại chưa ra mắt công chúng lại giúp chị đoạt giải. Điều này có vẻ khiến dư luận chưa phục lắm.
- Trước giờ tôi đã quen với cảm giác được đề cử rồi về trắng tay, nên ở Liên hoan phim Việt Nam vừa qua, tôi không hy vọng gì. Tôi tham gia Liên hoan chỉ với tâm trạng háo hức, muốn gặp lại những người quen, nhất là các thành viên đoàn phim mà từ khi đóng máy chưa có dịp gặp lại. Lúc MC xướng tên, tôi quá bất ngờ, thừ người ra, đến nỗi ông xã ngồi kế bên phải nhắc, tôi mới đứng bật dậy. Đêm đó, ai lên nhận giải cũng đi đúng đường, chỉ tôi và đạo diễn Bùi Tuấn Dũng đi nhầm. Những người viết huyền thoại chưa chiếu nên khán giả không phục là điều dễ hiểu, nhưng tôi nghĩ, ban giám khảo toàn những gương mặt uy tín thì chắc chắn chọn lựa phải chính xác. Khi có giải thưởng trong tay, tôi nghĩ mình chỉ là người thay mặt ê kíp làm phim để lên nhận sự đánh giá ấy của ban giám khảo, chứ giải không dành cho cá nhân tôi. Làm phim là công việc tập thể, một mình tôi chẳng thể nào hoàn thành tốt vai diễn nếu không có sự giúp đỡ của mọi người trong đoàn, từ người phục trang, hóa trang, âm thanh, ánh sáng…
* Trước khi tham gia Những người viết huyền thoại, chị đã ngưng đóng phim hai năm, lý do gì khiến chị tạm xa làng giải trí và lý do gì chị tái xuất?
- Lúc đó tôi muốn dành thời gian tập trung cho việc lập gia đình nên tạm ngưng đóng phim. Giữa lúc tôi đang ổn định với công việc kinh doanh thì một ngày đạo diễn Bùi Tuấn Dũng mời tôi vào vai Hà trong dự án phim mới của anh. Vai này ban đầu giao cho diễn viên Lan Phương, nhưng vì bận việc, Lan Phương không thể tham gia nên anh Dũng tìm đến tôi. Chúng tôi đã cộng tác với nhau qua hai phim Linh lan trắng, Vòng tròn cạm bẫy. Có thể nói, anh Dũng là người chứng kiến sự trưởng thành về diễn xuất của tôi, cách làm việc của anh rất chuyên nghiệp nên tôi muốn có cơ hội tiếp tục cộng tác. Tôi tham gia phim với tâm thế như người đang ở nhà thì được gọi ra... chiến trường. Người ấy của tôi cũng động viên: “Em ráng hoàn thành nhiệm vụ này rồi mình làm đám cưới”.
Tăng Bảo Quyên và Quốc Thái tại LHP VN 18
* Cảm xúc của một người không đóng phim đã lâu hẳn khác với cảm xúc của một người mỗi ngày mỗi ra trường quay? Một cô gái miền Tây như chị làm thế nào để hóa thân thành công nhân vật cô văn công Hà thành?
- Đúng là khi ấy tôi như được trở lại thời mới vào nghề. Mọi biểu hiện, cảm xúc đều rất tinh khôi. Đạo diễn yêu cầu vai này thể hiện nét đằm thắm, dịu dàng pha chút bướng bỉnh của một cô gái Hà Nội, nhưng phải toát lên khí chất kiên cường của một người lính khi ra chiến trường. Tôi không phải là diễn viên mới vào nghề, cũng đã tích lũy chút ít vốn sống, kinh nghiệm, nên yêu cầu đưa ra của đạo diễn không quá khó. Chỉ có điều, thời gian ghi hình hơi vất vả vì chúng tôi phải lên tận núi Ba Vì quay. Làm phim chiến tranh nên sinh hoạt của cả đoàn hệt như trong một doanh trại quân đội. Ăn, ngủ, nghỉ đều theo kẻng báo. Tôi vốn quen với áp lực làm việc của đoàn phim mà ngày đầu nhập đoàn vẫn phát hoảng. Phim có cảnh các cô văn công cầm súng chạy giữa bom đạn mù mịt. Vác cây súng nặng trịch, chạy tới chạy lui, mặt mày “văn công” nào cũng tái xanh. Đây cũng là phim chiến tranh đầu tiên tôi tham gia, nên lần đầu tiên nghe tiếng súng nổ, toàn thân tôi run lẩy bẩy, cơ mặt cứng lại, nước mắt tự nhiên rơi lã chã vì... sợ. Đóng xong phim này, tôi càng cảm nhận rõ thế hệ của mình vô cùng may mắn khi được sống trong hòa bình.
* Như chị đã nói, làm phim là công việc của tập thể, chỉ diễn viên cố gắng thôi sẽ không thể giúp phim thành công?
- Tôi không muốn những người thân của mình chê phim VN, nghe tự ái lắm! Vì vậy, điều tôi quan tâm nhất khi nhận vai là chất lượng kịch bản và ê kíp sản xuất. Lúc mới vào nghề, được mời đóng phim là mừng rồi, làm gì có quyền kén chọn. Cũng may, những đạo diễn tôi cộng tác đều là những người giỏi nghề, làm việc với người giỏi, tôi được học hỏi nhiều. Đạo diễn là “đầu tàu” của đoàn phim, đạo diễn giỏi sẽ biết “lèo lái” hướng đi đúng, biết phát huy thế mạnh của từng diễn viên. Diễn viên chỉ như một mạch máu trong cơ thể, còn điều khiển cơ thể là bộ não - người đạo diễn.
Trong phim Trăng khuyết và Những người viết huyền thoại
* Sau giải thưởng này, chắc chị nhận được nhiều lời mời?
- Không nhiều đâu, mới có hai phim thôi, nhưng tôi chưa quyết định có tham gia hay không. Khi chưa có gia đình, làm gì cũng có thể tự quyết, nhưng lấy chồng rồi thì hai vợ chồng phải cùng bàn bạc. Tôi cảm nhận được giá trị gia đình nên rất quý trọng nó, đặt nó lên trên sự nghiệp. Hồi độc thân, có lần đóng chung với chị Diễm My, thấy chị thường đề nghị đoàn phim xếp lịch cho chị tránh quay ngày thứ Bảy, Chủ nhật, để dành hai ngày cuối tuần cho chồng con, tôi thấy lạ lắm, nhưng giờ có gia đình, tôi đã hiểu. Sau này, nếu đi đóng phim, có lẽ tôi cũng sẽ yêu cầu như thế. Với phụ nữ, gia đình vẫn nên là ưu tiên hàng đầu.
Giải thưởng là động lực giúp tôi cố gắng hơn. Qua giải này, tôi cũng có dịp đánh giá lại bản thân, củng cố niềm tin: “Nếu mình cố gắng làm việc, kết quả sẽ tốt”.
* Hầu như người đẹp nào sau thời gian hoạt động showbiz đều lấy chồng “đại gia” hay Việt kiều giàu có và giã từ làng giải trí, tập trung phụ chồng việc kinh doanh. Chị đang đi theo “mẫu số chung” đó?
- Trước khi lấy chồng, tôi từng mở cửa hàng kinh doanh quần áo trẻ em, mấy năm nay tôi ngưng không làm nữa mà tập trung cùng chồng gây dựng một công ty kinh doanh trang trí nội ngoại thất. Đây là lĩnh vực “sở trường” của gia đình chồng nên tôi phụ chồng là lẽ đương nhiên. Tôi nghĩ mình đi theo quy luật tự nhiên, chứ không đi theo “mẫu số chung” nào cả. Hàng ngày được ở bên cạnh người mình yêu thương, dành thời gian cho nhau, chia sẻ với nhau mọi vui buồn trong cuộc sống và công việc, đó chẳng phải là điều đáng quý hay sao. Tôi thấy mình đang làm tốt vai trò người phụ nữ của gia đình.
* Giờ đây “người phụ nữ của gia đình” được ngồi làm việc trong một không gian tiện nghi, với chức giám đốc, có khi nào chị thấy thương bản thân thời “ăn bờ ngủ bụi” theo đoàn phim không?
- Nhờ đi đóng phim mà tôi quen với cường độ làm việc cao, quen với áp lực công việc. Đoàn phim như một xã hội thu nhỏ nên mình học hỏi được cách đối nhân xử thế từ những người xung quanh. Tôi trân trọng quãng thời gian đó lắm.
* Công chúng cũng rất tò mò về “một nửa” của chị, về lý do chị quyết giữ kín đám cưới của mình đến phút chót, trong khi tâm lý chung ai cũng muốn chia sẻ niềm vui của mình?
- Chồng tôi và gia đình anh ấy sống ở Mỹ. Khi chúng tôi sang Mỹ quảng bá phim Chuyện tình xa xứ, anh là một trong số các khán giả đến xem phim. Mỗi khi phim Việt trình chiếu ở Mỹ, cộng đồng người Việt luôn đến ủng hộ và sau buổi chiếu phim thường có những cuộc giao lưu giữa khán giả với đoàn phim. Chúng tôi quen nhau nhờ vậy. Tính đến thời điểm kết hôn hồi tháng Tư vừa qua, chúng tôi đã có ba năm quen biết. Tôi không muốn chia sẻ thông tin về đám cưới, vì muốn tạo không gian bình yên, thoải mái nhất cho người mình yêu và gia đình.