Tình trạng “đánh cắp bản quyền” báo chí ngày càng lan rộng
Trong kỷ nguyên công nghệ 4.0, với sự phát triển mạnh mẽ của mạng xã hội, các nền tảng số xuyên biên giới, hệ thống trang tin tổng hợp, báo chí đối mặt nhiều thách thức, nhiều vấn đề chưa có tiền lệ. Đặc biệt, tình trạng vi phạm bản quyền báo chí ngày càng phổ biến.
Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Trần Trọng Dũng - Phó chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam nhận định, một trong những thách thức lớn đổi với chuyển đổi số báo chí là vấn nạn vi phạm bản quyền nội dung số, hiện tượng vi phạm quyền pháp lý trong môi trường số hóa đang diễn ra phổ biến với tốc độ cao, tính chất ngày càng nghiêm trọng, phức tạp. Đây cũng chính là rào cản lớn đối với chuyển đổi số báo chí ở các cơ quan báo chí hiện nay.
|
Ông Trần Trọng Dũng - Phó chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam chia sẻ tại hội thảo |
“Bảo vệ bản quyền báo chí trên môi trường số trở thành vấn đề cấp bách với mọi nhà báo, mọi cơ quan báo chí. Khi bảo vệ được quyền tác giả sẽ thúc đẩy sự sáng tạo và đầu tư cho hoạt động sáng tạo nội dung báo chí, tạo động lực cho các nhà báo và các cơ quan báo chí đầu tư vào các dự án phát triển nội dung, các dự án đổi mới sáng tạo báo chí” – ông Dũng chia sẻ.
Nhắc đến môi trường pháp lý, ông Hồ Quang Lợi - Phó chủ tịch Hội Truyền thông số Việt Nam cho biết, tình trạng vi phạm bản quyền tác phẩm báo chí ngày càng phổ biến, tinh vi, không chỉ vi phạm bản quyền, những tin, bài bị “đánh cắp bản quyền” trong rất nhiều trường hợp bị cắt cúp, làm méo mó, sai lệch thông tin, gây ảnh hưởng đến uy tín của đơn vị nắm bản quyền, của tác giả bài viết, gây hiệu ứng tiêu cực trong xã hội và ảnh hưởng đến sự phát triển của đất nước. Điều này đòi hỏi sự vào cuộc mạnh mẽ của cơ quan chỉ đạo, quản lý nhà nước về báo chí, cơ quan quản lý nhà nước có liên quan đến lĩnh vực bản quyền, sở hữu trí tuệ.
|
Hội thảo có sự tham dự của lãnh đạo cơ quan quản lý báo chí, lãnh đạo các cơ quan báo chí hàng đầu Việt Nam cùng nhiều chuyên gia báo chí có kinh nghiệm. |
Ở góc độ lãnh đạo cơ quan báo chí, ông Nguyễn Minh Đức - Tổng Biên tập Báo Hà Nội Mới cho biết, trên thực tế, chỉ cần một đơn vị đăng tải bài báo về một vấn đề “nóng” bất kỳ hay một sản phẩm báo chí có chất lượng, được tác giả tâm huyết, đầu tư công phu thì ngay sau đó, không khó để tìm kiếm các bài đăng y hệt về nội dung cũng như hình ảnh trên nhiều trang tin điện tử. “Phát hiện vi phạm bản quyền không khó, nhưng xử lý các hành vi này sao cho hiệu quả thì không đơn giản, đòi hỏi các giải pháp phải được thực hiện một cách tổng thể và đồng bộ” – ông Đức nói thêm.
Tăng mức xử phạt
Ông Nguyễn Đức Hiển - Phó Tổng Biên tập Báo Pháp luật TPHCM chia sẻ, hiện nay tần suất lẫn số lượng xâm hại bản quyền báo chí ngày càng tăng. Nếu cách đây hai thập kỷ, một tác phẩm báo chí thường chỉ bị xâm hại bản quyền bởi một hoặc vài đối tượng - thường là các cơ quan báo chí khác, thì nay nó có thể cùng lúc bị xâm hại bởi rất nhiều, có thể là hàng trăm, hàng ngàn đối tượng trên mọi phương tiện và nền tảng với phương cách đa dạng, khó đối phó, nhiều trường hợp là không thể đối phó.
|
Các đại biểu cho rằng cần làm rõ thực trạng vi phạm bản quyền báo chí hiện nay. |
Một tác phẩm báo chí vừa xuất bản, chỉ sau vài mươi phút có thể được cải biến một chút và trở thành video clip, voice với giọng đọc AI hoặc viết lại bởi tờ báo khác, tràn ngập trên mạng Youtube, Tiktok, Facebook... Trong khi đó, việc bảo vệ bản quyền dù đã có quy định nhưng chưa theo kịp sự thay đổi của công nghệ, chủ yếu chỉ đủ sức bảo vệ bản quyền trước sự xâm hại của các đối tượng và nền tảng truyền thống.
Để giúp cơ quan báo chí tự bảo vệ và hỗ trợ cơ quan báo chí bảo vệ bản quyền, ông Hiển cho rằng, cần cả ba chân kiềng: một là sửa đổi các quy định pháp luật hiện hành; hai là hoạt động mạnh mẽ, nghiêm khắc và hiệu quả của hệ thống các cơ quan có thẩm quyền, ý thức tự bảo vệ của chính cơ quan báo chí; ba là sự hỗ trợ của công nghệ.
Trong đó, ông Hiển kiến nghị sửa đổi các quy định pháp luật hiện hành theo hướng, quy định rõ hơn về bản quyền trong luật chuyên ngành là Luật Báo chí 2016; cần tăng mức phạt; thành lập Trung tâm bảo vệ bản quyền báo chí; bổ sung quy định trong Luật Sở hữu Trí tuệ và khuyến khích phương thức giải quyết tranh chấp qua tố tụng toà án.
Chia sẻ ý kiến tại hội thảo, PGS.TS. Đỗ Thị Thu Hằng - Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Nghiệp vụ Hội Nhà báo Việt Nam cho biết, việc vi phạm bản quyền báo chí không chỉ là vấn đề vi phạm pháp luật mà hơn thế, đó là sự xuống cấp đạo đức và văn hoá. Vì nó liên quan đến một loạt giá trị quan trọng trong nghề báo và truyền thông, bao gồm: Sự trung thực và đáng tin cậy; tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ, tính đa dạng và độc lập trong nguồn tin và vấn đề đề cao sáng tạo và sự công bằng.
Do đó, cần thiết lập và thực thi quy định pháp lý rõ ràng và mạnh mẽ. Điều này bao gồm việc xây dựng luật bản quyền và quy định về bản quyền nội dung số, đồng thời tạo điều kiện để bảo vệ bản quyền trực tuyến và xử lý vi phạm một cách hiệu quả. Cần rõ ràng và có chế tài nghiêm khắc với các trường hợp vi phạm bản quyền báo chí số. Cần xây dựng Trung tâm báo vệ bản quyền báo chí truyền thông số quốc gia, trong đó có sự tham gia quan trọng của Hội Nhà báo Việt Nam và Hội Truyền thông số.
Ngọc Bích