Chúng ta thường bỏ qua những cơn đau đó với suy nghĩ “vài ngày sẽ hết” mà không biết rằng, hậu quả có khi lại là những tổn thương nghiêm trọng, thậm chí gây thương tật.
Theo thạc sĩ - bác sĩ Nguyễn Phúc Thịnh - Khoa Chấn thương chỉnh hình Bệnh viện Đại học Y Dược - khớp vai vốn có cường độ vận động nhiều và rất dễ bị tổn thương. Trung bình, có 10% người bệnh đến khám tại khoa gặp các vấn đề về hệ thống gân cơ, xương khớp vùng vai.
Bỗng dưng nằm viện
Điển hình là trường hợp ông Nguyễn Thành C. (ngụ tại Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa). Hai năm trước, khi vô tình bị cánh cửa xe ô tô đập vào vai phải, gây đau, ông C. đến trạm y tế địa phương để sơ cứu. Do không bị xây xát bên ngoài, ông nghĩ đó chỉ là một chấn thương nhẹ. Sau đó, khớp vai của ông cứ đau âm ỉ và đau nhiều về đêm, đặc biệt khi huơ tay, vận động.
Cánh tay ông ngày càng yếu dần, cho đến khi không thể tự mặc áo hay chải tóc thì người nhà đưa ông vào khám tại Khoa Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Đại học Y Dược. Tại đây, ông được phát hiện rách gân cơ chóp xoay vai. Kết quả chụp MRI cho thấy, phần gân rách bị thoái hóa và tụt sâu vào bên trong điểm bám gân. Các bác sĩ đã phẫu thuật khâu lại gân chóp xoay vai và ông C. phải mất nhiều tháng nghỉ ngơi để phục hồi.
|
Bác sĩ Nguyễn Phúc Thịnh đang khám cho bệnh nhân bị chấn thương khớp vai |
Một trường hợp khác là ông Trần H. (ngụ tại Q.11, TP.HCM). Ông H. làm nghề thợ sắt, hằng ngày phải mang vác nặng. Một năm trước, phần vai của ông đột nhiên bị đau; cơn đau tăng lên khi ông làm việc, vận động. Do không bị té hay va đập, ông H. cho rằng, do trái gió trở trời làm đau nhức nên không quan tâm.
Cách đây một tháng, ông thấy khớp vai bị đau nhức nhiều hơn, nhất là mỗi khi đưa tay lên xuống hay cầm nắm. Cơn đau âm ỉ, dai dẳng và ngày một tăng khiến ông không thể làm việc. Ông H. ngơ ngác khi bác sĩ chẩn đoán gân cơ chóp xoay của ông bị rách, thoái hóa, tụt sâu vào bên trong khiến khớp vai không còn linh hoạt và bị đau khi vận động. Ông H. cũng phải trải qua một cuộc phẫu thuật để khâu gân.
Những hiểu lầm nguy hại
Theo thạc sĩ - bác sĩ Nguyễn Phúc Thịnh, dù rất phổ biến nhưng chấn thương khớp vai thường bị bỏ qua vì người bệnh hay nhầm lẫn với các cơn đau căng cơ do hoạt động sai tư thế. Có khá nhiều bệnh nhân là những người chơi các môn thể thao dùng tay như bóng bàn, quần vợt, cầu lông, bóng chuyền, bơi…
Chị Kim L. (ngụ tại Q.Tân Phú, TP.HCM) thỉnh thoảng đánh cầu lông với bạn bè vào dịp cuối tuần. Cách đây bảy tháng, chị thấy đau nhói ở vai trái nhưng nghĩ rằng mình căng cơ vì hôm đó chị đánh cầu lông lâu hơn bình thường. Do bận rộn, chị quên ngay cái vai bị đau. Cách đây nửa tháng, chị xách vợt ra sân và phát hiện tay không thể giơ cao để đánh cầu. Chị tự nhủ “dưỡng một tuần chắc hết” nhưng hết tuần chị lại thấy đau hơn và không thể đưa tay ra sau. Đến bệnh viện khám, chị mới hay mình bị rách gân cơ chớp xoay.
Chấn thương khớp vai bao gồm gãy xương, trật khớp, rách gân cơ chóp xoay vai. Nguyên nhân thường do vận động quá mức, lặp đi lặp lại nhiều lần, chẳng hạn như chơi các môn thể thao dùng tay. Chấn thương cũng có thể xảy ra khi mang vác vật nặng hoặc tai nạn giao thông, tai nạn lao động. Đặc biệt, ở người lớn tuổi do gân cơ đã bị thoái hóa, ngay cả khi gặp chấn thương nhẹ hoặc các vận động vai trong sinh hoạt thường ngày như xách nước, làm vườn… cũng có thể dẫn đến rách gân.
Vì chấn thương vai thường đến từ những sinh hoạt bình thường nên nhiều người hay chủ quan bỏ qua những cơn đau, đến khi bị đau dữ dội, bị hạn chế vận động hay không thể làm những việc đơn giản như mặc áo, chải tóc, với tay lấy đồ… mới chịu đi khám. Nếu để bệnh lâu, phát hiện vào giai đoạn muộn, việc điều trị sẽ rất khó khăn do gân cơ bị thoái biến. Tùy từng loại chấn thương khớp vai mà có những phương pháp điều trị phù hợp như dùng thuốc uống, chích thuốc kết hợp tập vật lý trị liệu hoặc phẫu thuật. Trong giai đoạn muộn, việc điều trị trở nên khó khăn hơn do gân cơ bị thoái biến. Đặc biệt, các trường hợp rách gân cơ chóp xoay nhưng không được điều trị kịp thời, người bệnh phải trải qua cuộc phẫu thuật lớn và tốn kém để thay khớp vai.
Đi khám ngay khi đau nhói vai
Nhằm tránh tình trạng bệnh tiến triển nặng dẫn đến tàn phế, phải trải qua phẫu thuật, các chuyên gia chấn thương chỉnh hình khuyên mọi người đừng lơ là, chủ quan với các triệu chứng đau nhói ở vai vì đây là triệu chứng sớm khi chấn thương. Đau khớp vai thường có những triệu chứng đặc trưng như đau vai kéo dài, yếu cơ, sưng, lỏng khớp vai hoặc cứng khớp giới hạn tầm vận động.
Người bệnh cần nghỉ ngơi sau tư thế gây đau vai. Đặc biệt sau chấn thương vai, người bệnh cần đến cơ sở y tế khám sớm nếu cơn đau âm ỉ kéo dài, giúp cho quá trình điều trị và phục hồi dễ dàng hơn.
Để hạn chế chấn thương ở vai, cần khởi động trước khi vận động mạnh hay chơi thể thao phải dùng đến khớp vai, tay nhiều như bóng rổ, bóng chuyền, quần vợt…
|
Thùy Dương