Lời tòa soạn: Sau khi loạt bài về dự án Tam Đảo II được khởi đăng, bên cạnh những thông tin, tư liệu quý báu mà độc giả khắp nơi gửi về cung cấp cho tòa soạn, Báo Phụ nữ TP.HCM cũng nhận được nhiều những chia sẻ từ phía chuyên gia, những nhà khoa học, những nhà nghiên cứu cũng như những người yêu thiên nhiên và quan tâm tới vấn đề môi trường. Chúng tôi xin phép đăng bài viết của nhà văn Nguyễn Quang Thiều như một gợi mở đối với một trong những vấn đề gây nhức nhối xã hội hiện nay.
|
Nhà văn Nguyễn Quang Thiều |
Mấy hôm trước tôi ngồi nói chuyện với Nguyên Thứ trưởng Bộ ngoại giao Nguyễn Quang Dy. Ông kể có một giáo sư danh tiếng nước ngoài đã nói với ông rằng: Một trong những tư tưởng lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh là phát động phong trào Tết trồng cây.
Ngay từ ngày đó, khi thiên nhiên Việt Nam nói chung và rừng Việt Nam nói riêng còn phong phú và nạn phá rừng chưa có dấu hiệu nào cần phải báo động thì Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhìn rõ tính chất hệ trọng của thiên nhiên với đời sống con người và sự phát triển của một quốc gia.
Thế rồi, Tết trồng cây càng ngày càng mất đi và thay vào đó là nạn phá rừng ngày càng tàn khốc. Nếu mỗi năm, mỗi người Việt Nam trồng một cái cây thì sau 100 năm chúng ta sẽ có một vùng thiên nhiên kỳ vĩ.
Nhưng mỗi năm, chúng ta đã tàn phá biết bao hecta rừng mà không có dấu hiệu dừng lại. Chúng ta đang gián tiếp giết chết con người, chúng ta đang phạm tội nhưng lại đội lốt “phát triển đất nước”.
Cách đây chục năm, báo chí có đưa tin về việc một công ty đã chặt một cái cây cổ thụ 300 năm tuổi ở Đà Lạt để xây một tòa nhà. Chỉ cần ba năm, chúng ta sẽ xây được một tòa nhà cả trăm tầng nhưng chúng ta phải mất 300 năm để có một cái cây như thế.
Nhưng không chỉ mất một khoảng thời gian 300 năm mà chúng ta mất bao điều khác trong chiều dài của 300 năm đó nữa.
Thế nhưng, có không ít những người Việt Nam (kể cả người dân và nhà quản lý) đã không nhìn thấy được điều đó. Họ tưởng rằng, với những công trình bê tông khổng lồ đó, họ đang đi về phía văn minh. Nhưng họ đã sai lầm. Họ đang đi về phía bóng tối.
|
Cây sồi ở dãy Andes, sống ở độ cao lên tới 3.200m, cao tới 25m, cung cấp nguồn thức ăn cho các loài chim, trong đó có cả những loài đặc hữu của Colombia. |
Fernando Rendón, nhà thơ danh tiếng người Colombia đến Việt Nam trong những năm gần đây có một lần hỏi tôi: “Thiều, vì sao người ta lại cho làm những nhà hàng nổi trên Vịnh Hạ Long? Vì sao mỗi lần tôi đến lại thấy mất đi một vườn cây và thay vào đó một khối nhà cao tầng?’’
Qua Fernando, tôi biết Colombia là một nước không giàu có và rừng của họ bạt ngàn. Nhưng nếu ai chặt một cái cây (một cái cây – tôi nhắc lại) ở các khu rừng nguyên sinh thì họ sẽ phải vào tù.
Một trong những hành động mà nhiều năm nay chúng ta đã và đang chứng kiến. Đó là hành động lấp hồ, san núi và phá rừng. Không chỉ khi báo Phụ nữ TP.HCM lên tiếng về Tam Đảo II, về việc Sun Group hủy diệt biết bao nhiêu hecta rừng để xây khu vui chơi thì những người có hiểu biết và lương tâm mới giật mình kinh hãi.
Tất nhiên, họ hiểu sự nguy hiểm của hành động đó đến nhường nào. Nhưng khi tờ báo này lên tiếng thì họ mới nhìn rõ hơn. Sự dấn thân của phóng viên và Ban biên tập của Báo Phụ nữ TP.HCM là sự dấn thân của lương tâm.
Ở đâu cũng vậy, đối đầu với những “ông kễnh” lớn đều là một thách thức khủng khiếp, đặc biệt ở Việt Nam. Bởi đồng tiền có thể bóp nát mọi giá trị đạo đức và thiện chí của con người và cũng vì đồng tiền mà nhiều kẻ sẵn sàng hủy diệt môi trường và từ đó hủy diệt một cách “dịu dàng” con người sống trong môi trường đó.
Chúng ta có quá nhiều hiểu biết và thông tin về biến đổi khí hậu và môi trường. Chúng ta quá hiểu các quốc gia trên thế giới bảo vệ môi trường của họ như thế nào. Nhưng vì sao chúng ta vẫn có thể hạ bút phê duyệt, cho phép những cá nhân, những công ty, những tập đoàn ngạo mạn tàn phá môi trường như thế?
Cho đến lúc này, có không ít những đội quân lấp hồ, san núi, phá rừng đang lăm le “tiến quân” về các hồ nước, những dãy núi và những cánh rừng để tàn phá một cách không thương hại thiên nhiên của chúng ta.
Tôi lại nhớ đến phát biểu của một ngài Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường của một quốc gia châu Âu: “Tàn phá thiên nhiên chính là hành động của một kẻ xẻo từng miếng thịt thân thể mình để thỏa mãn nhu cầu của dạ dày”.
Câu nói này hoàn toàn chính xác đối với những công ty, tập đoàn ở Việt Nam đã và đang ăn thịt những hồ nước, những dãy núi và những cánh rừng.
Nước Mỹ, Pháp, Thụy Điển, Nhật, Singapore không hề phá rừng ở bất cứ hình thức nào nhưng họ vẫn là những nước giàu có bậc nhất thế giới.
Và lúc này, tôi có cảm giác rằng: Khi mỗi cái cây bị chặt là một mảng ánh sáng bị tắt và chen vào đó là bóng tối. Tất cả những điều tôi đang viết đây là sự thật. Chỉ có những kẻ mù lòa mới không nhận ra điều đó.
Nguyễn Quang Thiều