Tân Nhàn mới không? Không mới, nếu nhìn từ độ rộng dài của chiếc áo âm nhạc truyền thống. Cô có sáng tạo, phá cách bao nhiêu, vẫn đi vào cái bên trong, cái cốt nền định hình nên con đường âm nhạc của mình. Nhưng nếu nói cũ, cũng không phải, vì phía sau những sản phẩm âm nhạc có phần ổn định ấy, còn đó một Tân Nhàn với tham vọng và nỗ lực nhập cuộc, đối thoại cùng đương đại không ngừng.
Tiếp nối tinh thần live show Trở về năm 2019, Tân Nhàn vừa công bố MV mới nhất của mình: Công cha ngãi mẹ sinh thành, sản phẩm được thai nghén suốt hai năm trời kể từ 2019, với sự hợp tác của tiếng đàn cello Đinh Hoài Xuân và phần phối khí của nhạc trưởng Đồng Quang Vinh.
Nếu live show Trở về ghi nhận nỗ lực của Tân Nhàn khi thực hiện kết hợp hát văn, xẩm, quan họ… với dàn nhạc đương đại và kỹ thuật thanh nhạc phương Tây, mang về cho cô gái quê Hà Nam giải thưởng âm nhạc Cống hiến lần thứ 15 (năm 2020), thì MV mới này chính là một ý hướng nối dài, tiếp tục thể hiện quan điểm, mỹ cảm âm nhạc của cô.
Chọn điệu xẩm Công cha ngãi mẹ sinh thành nổi tiếng để diễn dịch đường hướng của bản thân - riêng chuyện thuộc lòng mà hát đã không hề đơn giản, lại gắn liền với nghệ nhân Hà Thị Cầu, Tân Nhàn dường như muốn đưa mình vào một thế khó: chòng chành đi vào dân gian, vào văn hóa truyền thống để làm một cuộc thể nghiệm dân gian đương đại cho chính mình.
Nếu Tân Nhàn cứ đứng nguyên trong không gian âm nhạc an toàn ít nhiều đã định danh trong lòng khán giả, cũng chẳng sao. Nhưng chân dung âm nhạc của Tân Nhàn sẽ nhàn nhạt, chẳng có gì thú vị so với những gương mặt đã thành danh với dòng nhạc dân gian, truyền thống. Song, nếu muốn vượt thoát, vẫy vùng khỏi cái không gian đó để làm một cuộc “lạ hóa”, sẽ rất dễ bị đưa lên bàn cân so sánh, dễ bị phản ứng nếu làm không khéo, và nhất là dễ bị xếp vào hàng “phá nát truyền thống”.
"Tân Nhàn như dẫn ta đi trong một câu chuyện dài, trong đó những điệu xẩm đã quen thuộc với mọi người được khoác lên một diện mạo khác bay bổng hơn”. Nhạc sĩ Lưu Hà An |
May quá, những biểu hiện trong MV vừa vặn với chiếc áo mà nó đặt ra. Từ ý tưởng, hình ảnh mang tính biểu tượng, màu huyền thoại đậm tính dân tộc như Âu Cơ - Lạc Long Quân, Thánh Gióng, tranh sơn mài và họa tiết thời Lý để đưa vào đồ họa 3D, trang phục áo ngũ thân nền nã; đến giai điệu dân gian, giọng hát, phối khí. Bao trùm MV dài sáu phút là không gian âm nhạc ngũ cung đặc trưng của âm nhạc truyền thống Việt Nam, phảng phất tiếng gõ mõ tụng kinh gợi không khí Phật giáo, màu văn hóa phương Đông, hòa quyện với âm nhạc giao hưởng phương Tây, cảm nhận được nét nhạc của nhà soạn nhạc J.S.Bach và A.Vivaldi quyện vào trong đó.
|
Và khi nhắc đến hát xẩm, người ta thường dùng đàn nhị, đàn hồ… thì ê-kíp của Tân Nhàn chọn tiếng đàn cello - một nhạc cụ phương Tây. Để rồi, nói như nhạc trưởng Đồng Quang Vinh, “tiếng hát ca sĩ Tân Nhàn ở âm khu cao như tiếng người mẹ, tiếng đàn cello của nghệ sĩ Đinh Hoài Xuân ở âm khu thấp như tiếng người cha. Đây cũng là sự kết hợp của Đông và Tây, của Âm và Dương”. Điều đó tạo nên một vị mới, có thể chấp nhận được khi thưởng thức bài xẩm quen thuộc Công cha ngãi mẹ sinh thành, vừa đậm tính dân tộc, vừa sang trọng. Tiến sĩ âm nhạc - NSND Quốc Hưng, Trưởng khoa Thanh nhạc, Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, gọi “đây là một tác phẩm giao hưởng của hát xẩm”.
Tân Nhàn nói: “Âm nhạc truyền thống, trong đó có xẩm, là nguồn cảm hứng bất tận của tôi trong mười năm trở lại đây”. Cô muốn quay trở về để nghiên cứu từng mảng miếng trong khối di sản khổng lồ ấy. Trước đây, cô từng hát quan họ, hát văn, hát chèo, giờ chính là xẩm… Tân Nhàn muốn góp phần nhỏ của mình để bảo tồn và phát triển di sản đó.
Là nghệ sĩ, Tân Nhàn luôn muốn làm những điều mà người khác ít làm. Cô cũng không muốn tự giới hạn mình trong một mảng miếng nào. Tân Nhàn từng thể nghiệm âm nhạc truyền thống với dàn nhạc, kỹ thuật thanh nhạc Tây phương; nếu một ngày cô công bố thể nghiệm khác như âm nhạc truyền thống với hip hop, rock… cũng chẳng có gì lạ, miễn sao cả hai gặp nhau ở ý tưởng, và cùng mài sáng những phẩm chất tốt đẹp của âm nhạc truyền thống dân tộc.
Khi hỏi sự phá cách, “lạ hóa” có mạo hiểm không, Tân Nhàn nói, sản phẩm âm nhạc của cô có thể tốt hoặc không tốt trong khả năng tiếp nhận của khán giả; nhưng cô tự tin, ở một mặt nào đó, sự dấn thân ít nhiều truyền đi một cảm hứng cho các nghệ sĩ trẻ sau này.
Với nhiều cách làm khác nhau, nhiều người làm khác nhau sẽ làm phong phú và nối dài hơn sức sống cho âm nhạc truyền thống của Việt Nam.
MV Công cha ngãi mẹ sinh thành
Nhiều năm trước, khi bắt đầu nghiên cứu, tìm hiểu âm nhạc truyền thống, Tân Nhàn đã biết, đây sẽ là một con đường không hề dễ dàng. Nhưng có lẽ, trong vai trò giảng viên tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam (bên cạnh vai trò nghệ sĩ), cô muốn lựa chọn con đường mang tính cống hiến, mang lại nguồn cảm hứng cho thế hệ sau mình. Và cuộc đối thoại đó, với cô ca sĩ 8X đời đầu này, sẽ còn rất dài nữa.
Cốc Vũ