Về hưu non, đi tìm đồng đội “chui”.
Ngôi nhà nhỏ nằm ven đường 91, thuộc xã Bình Hòa, H.Châu Thành, tỉnh An Giang lưu giữ rất nhiều kỷ vật của những ngày trận mạc. Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Huỳnh Trí (tên thường gọi Hai Trí), nguyên Chủ nhiệm chính trị, Bộ chỉ huy quân sự tỉnh An Giang, dáng gầy gò nhưng vẫn tinh tường, nhanh nhẹn ở tuổi 70. Một bên tai ông nay điếc hẳn, bên kia cũng không còn thính, vết thương đầy người, ông mất đến 49% sức khỏe.
|
Dù chằng chịt vết thương trên cơ thể, “Tà Hai” Huỳnh Trí vẫn không ngừng lặn lội tìm hài cốt liệt sĩ trên đất bạn suốt 20 năm nay |
Những câu chuyện của ông lúc nào cũng dạt dào cảm xúc, kể cả những ám ảnh về miền đất ông đã chiến đấu, chiến thắng kẻ thù, những câu chuyện xúc động trong 20 năm ăn rừng ngủ lán tìm hài cốt đồng đội. Chính thôi thúc phải đi tìm những người anh em nằm lại trên chiến trường K đã khiến ông Hai Trí quyết định xin nghỉ hưu ở tuổi 50. Ban đầu, ông chỉ tìm hài cốt liệt sĩ ở hai huyện Tịnh Biên và Tri Tôn của tỉnh An Giang.
Đến năm 2000, ông bắt đầu đi tìm hài cốt liệt sĩ bên Campuchia. Bấy giờ, chưa có đội tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ K93 (thuộc Bộ chỉ huy quân sự tỉnh An Giang) như bây giờ, nên khi ông sang nước bạn, thường bị đuổi về. Sau những lần đi “chui”, ông nghĩ, nếu cứ như thế này thì không được, cần phải có sự lên tiếng của cơ quan cấp cao. Ông đã viết một lá thư gửi Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị. Lá thư được Tỉnh đội An Giang gửi ra trung ương.
“Một thời gian sau, nghe thông tin Phó thủ tướng Chính phủ nước ta sang Campuchia bàn việc đưa hài cốt quân tình nguyện Việt Nam về, tôi mừng lắm” - ông Hai Trí kể.
Trong những ngày còn đơn thương độc mã tìm cách lấy hài cốt, ông Huỳnh Trí nhớ lần vào Ba Chúc (H.Tri Tôn), có người đến nói với ông rằng, khi họ đang học lớp 12, họ có nhìn thấy cán bộ ta bị giết, còn bây giờ, họ thấy một hài cốt có cả thủ pháo của quân mình.
Có người đàn ông đi rà sắt kiếm phế liệu, họ lấy thủ pháo mang về bán rồi lấp lại. Người đó chỉ chỗ, ông Hai Trí đi rà nguyên cả vùng mà không sao tìm được bộ hài cốt. Thấy lạ, ông bèn đi nghiên cứu các cỗ máy rà sắt và “nguyên lý” tìm sắt phế liệu của bà con. Khi đích thân ông cầm máy đi rà thì cỗ máy kêu tít tít, đào xuống sâu nửa mét mà chỉ thấy có sợi thép gai nên lấp lại.
“Lấp xong, tôi nghĩ mình đã đào đến đó và thấy sắt, sao mình không thử đào sâu thêm. Anh em đi cùng buồn bực lắm, vì họ vừa đào xong lấp lại, giờ phải bới lên đào thêm thì mệt quá. Tôi cầm cuốc xẻng đào lại thì bất ngờ thấy các cuộn sắt dài của dây thép gai, thấy cả những tấm giấy dầu. Tôi linh cảm có vấn đề, vì giấy dầu gắn bó với bộ đội ta lắm. Tôi vục tay, móc sâu xuống thì đụng được lóng xương chân. Đào tiếp, thấy các núm áo nịt ngực của phụ nữ, chúng bắn cán bộ ta rồi lôi về đây vùi vứt lung tung” - ông Trí kể.
Ông Hai Trí đi tìm cán bộ huyện để hỏi xem “anh em mình chiến đấu, có hy sinh ở khu vực này không” thì nhận được thông tin, chỗ đó là căn cứ của địch, từng có hai nữ y tá là người dân tộc thiểu số, hy sinh khác thời điểm, bọn chúng mang về căn cứ. “Lúc thấy phần đầu bộ hài cốt có một vòng dây sắt, biết cô y tá đã bị chúng nó buộc cổ bằng dây sắt kéo về gần đồn để vùi, tôi đã bật khóc” - ông Trí nghẹn giọng, mắt đỏ hoe.
Gắn kết tình quân dân hai nước láng giềng
Có một điều đặc biệt là, hình ảnh và câu chuyện về đại tá Huỳnh Trí đã khắc sâu vào tâm trí chúng tôi qua một người Campuchia. Kong Sothea, cậu thanh niên tuổi đôi mươi, sang Việt Nam học ở Trường đại học An Giang, lúc nào cũng đau đáu một câu hỏi về “Tà Hai” người Việt. Cậu bảo, ở xứ cậu, chỉ những người có đóng góp đặc biệt cho cộng đồng, được nhiều người tôn kính mới được gọi “Tà” trước cái tên. Sau những năm học tập ở An Giang, qua nhiều đầu mối, cậu khẳng định, “Tà Hai” đặc biệt đó chính là ông Hai Trí.
Khi ở chiến trường K, ông Trí cùng đồng đội đã cứu được nhiều người trong cuộc chiến thảm khốc của bà con Campuchia chống lại đội quân diệt chủng Pôn Pốt. Có lần, sau một trận càn, bà mẹ trẻ sống sót với cái bụng vượt mặt, đứa con thì chuẩn bị chào đời. Bộ đội đã đến, đỡ đẻ, anh lính trẻ bế đứa bé sơ sinh, đem khẩu phần ăn trong ba-lô hành quân của mình ra chia cho mẹ cháu. Sau này lớn lên, Kong Sothea - cậu bé ra đời sau trận càn, được bộ đội Việt Nam đỡ đẻ ấy - đã sang An Giang học đại học, quyết chí thành tài.
|
Bà Sáu, ông Thảo trước bàn thờ của cha, mẹ và liệt sĩ Nguyễn Tài Liệu |
Nhớ lại những ngày đầu đi tìm đồng đội bên nước bạn, đôi vai “Tà Hai” thõng xuống cùng mớ tóc bạc: “Quá nhiều khó khăn, đôi khi tôi cũng muốn bỏ cuộc. Có lần, nghe tin hai đồng đội hy sinh ở vùng Kandal (Campuchia) đã mất mộ phần, khu vực chôn cất họ giờ là một nhà máy xay của người Hoa. Chúng tôi phải thương thảo mãi, họ mới cho đào, đào xong phải lấp lại, xây dựng bù cho họ như cũ. Vô cùng kỳ công và tốn kém. Nhưng cứ nghĩ cha, mẹ, vợ con các đồng chí ấy còn cạn nước mắt ngóng trông, thì tôi không thấy khó khăn nữa”.
Đó là lý do suốt nhiều năm qua, không biết bao lần ông vừa khóc vừa băng rừng tìm hài cốt. Tại các tỉnh Takeo, Kandal, Kampot, Kampong Speu, Koh Kong (Campuchia)... đều có dấu chân của “Tà Hai” đi tìm mộ liệt sĩ, với tư cách là “cố vấn” cho đội chuyên trách tìm kiếm hài cốt liệt sĩ K93 An Giang.
Ngồi ở bìa rừng đất bạn, bác cháu chia nhau ly trà, “Tà Hai” Huỳnh Trí luôn nhắc những người lính trẻ, rằng trong chiến tranh, bộ đội Cụ Hồ cứu dân, nuôi dân, chia sẻ từng miếng lương khô giúp bà con vượt cơn đói khát. Bà con nước bạn gọi bộ đội tình nguyện Việt Nam là “đội quân của đức Phật”. Vì vậy, khi đi đào tìm hài cốt, cũng phải luôn noi gương quân tình nguyện năm xưa, chân thành giúp bà con và trân trọng từng thông tin, để bà con chỉ cho từng khu vực có bộ đội mình nằm lại.
Uông Ngọc