Tản mạn về những tên đường Sài Gòn

28/05/2018 - 09:30

PNO - Tôi trả lời em, tôi thích đặt tên đường này là đường dầu cù là, đường dầu gió hay một loại dầu nào đó mà mẹ hay chị đã xức cho chúng ta mỗi lúc chạy chơi, té ngã, trầy xước.

Ở Sài Gòn, bước từ vỉa hè này qua góc phố nọ cũng như bước vào từng thế giới, bắt gặp quá khứ và tương lai.

Trên một vỉa hè hẹp và đầy rác, em hỏi: “Nếu có quyền, anh sẽ đặt tên đường này là gì?”. Tôi nghĩ tới những nhân vật mà tôi kính trọng và cả những người tôi coi thường. Bài học vô giá mà lịch sử dạy chính là đưa ra những nhân vật lịch sử để soi sáng chủ kiến của người hậu sinh.

Tan man ve nhung ten duong Sai Gon
 

Tôi bỗng muốn có một con đường cho những người vô danh, nhưng rồi chợt nhớ đã có bao con đường không tên như: đường gập ghềnh, đường ổ voi, đường rải đinh, đường cống ngập, đường lô cốt…

Tôi trả lời em, tôi thích đặt tên đường này là đường dầu cù là, đường dầu gió hay một loại dầu nào đó mà mẹ hay chị đã xức cho chúng ta mỗi lúc chạy chơi, té ngã, trầy xước.

Tôi cần có tên một con đường như vậy, để những người tôi yêu, dù còn hay khuất, vẫn luôn gần gũi chân thành với đời sống của tôi. Em nói: “Anh làm em liên tưởng đến khu ông Tạ. Bà em kể, ông Tạ trị bệnh ban đỏ, trái rạ… cho con nít hay lắm”.

Tôi thích nói với mấy ông xe ôm, anh taxi, cho tôi về nhà ở đường bánh tiêu, giò quẩy Chợ Lớn, đường bánh cống Cà Mau, đường bánh xèo miền Trung, đường bánh căn Nha Trang, đường bánh nậm Huế. Rồi nào là đường mang tên các loại kẹo, các loại trò chơi… Tôi cần nhiều con đường kẹo bánh như vậy để điều trị chứng sùng bái những giá trị to tát mà coi thường nguồn sống đời thường.

Biết đâu những bánh, kẹo, nước mía, đá bào si-rô... sẽ làm cho các con đường mang tên các nhân vật lịch sử thêm ngọt ngào, vui vẻ. Biết đâu các vị ấy chẳng hiện về và cười hồn nhiên như trẻ thơ, rồi biểu: “Đã biết quý những nhân vật đời thường thì cũng nên hiện đại một tí, nên có thêm những tên đường kẹo sô-cô-la, đường bánh pizza, đường gà rán ken-túc-ky, đường trò chơi điện tử…”.

Dạo gần đây, nếu đi bộ, tôi sẽ nói với bạn bè, nhà tôi ở số 162/30 đường bánh bột chiên, khu Chợ Lớn. Đô thị nơi tôi ở tập cho tôi một tật xấu: đi dưới lòng đường, thành ra bàn chân tôi như một con tàu nhỏ giữa đại dương xe cộ.

Chuyện tôi mơ được sống ở một thành phố bánh kẹo và trò chơi không phải là một tình trạng tâm lý để bù đắp những thiếu thốn. Không, dù có lúc thiếu, lúc đủ, lúc thừa, nhưng những phẩm vật ngọt ngào, vui vẻ đó là quyền đương nhiên phải có, để không ngừng nuôi dưỡng tâm hồn và ý thức. Thế nên khao khát về một đô thị với những con đường mang tên từng loại bánh, từng họ kẹo còn là ý thức tri ân cộng đồng tử tế đã tạo ra một đô thị Sài Gòn rất tử tế.

Có lẽ, khi các bậc vĩ nhân lịch sử đáng kính đáp đĩa bay hoặc thuyền giấy trở lại đô thị này, tình trạng đầu tiên giúp các vị thấy mình đang sống chính là xem mình có còn thèm vị ngọt và ham vui không. Coi lại mình có lỡ bị thành người cô đơn ở chốn hoành tráng huênh hoang, không thường tìm được sự rộng lòng - thật thà vô hạn của đời thường và sự khao khát tự do thường xuyên chăm sóc. 

Trần Tiến Dũng

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI