Tản mạn kiến trúc Nam bộ: Những góc nhìn nối dài về di sản

15/01/2023 - 17:20

PNO - Câu chuyện giữ gìn, bảo tồn các công trình kiến trúc cổ và quá trình đô thị hóa luôn được đặt trong bối cảnh nhiều đối lập và thách thức, không chỉ với các nhà quy hoạch mà còn dành được sự lưu tâm của giới chuyên môn cũng như những người trẻ tuổi.

Như một sự tương phản giữa những mái nhà cổ hàng trăm năm tuổi và những con người vừa qua tuổi 20, bằng tình yêu với di sản, kiến trúc, một nhóm bạn trẻ đủ ngành nghề hội ngộ cùng nhau dưới cái tên “Tản mạn kiến trúc”. Ban ngày, họ đi thực địa, tối về viết say sưa về những nếp nhà bằng song ngữ Anh - Việt. Sau 4 năm, thành quả đó được tập hợp lại và in thành sách, phác họa nên bức tranh tổng quan về tiến trình vận động, những nét đặc trưng và sự phân bố của các công trình kiến trúc cổ khu vực miền Nam.

4 vấn đề chính được các tác giả tập trung khai thác trong quyển sách Tản mạn kiến trúc Nam Bộ (Nhà xuất bản Thế Giới), đi kèm hình ảnh công phu, gồm:

Thứ nhất, kiến trúc dân dụng: Hình thái kiến trúc này chịu nhiều ảnh hưởng của thiên nhiên, từ mạng lưới sông ngòi chằng chịt, khí hậu đến thảm thực vật. Điển hình là hệ thống nhà cửa của người dân trải dài và mở rộng theo các tuyến đường thủy thay vì co cụm như ở những vùng đất khác hay cách dùng các cây gỗ quen chịu nước để xây dựng nhà cửa, dùng đất làm gạch, ngói, sân, bờ tường, thậm chí là vữa xây dựng. Do đó, để phác họa không gian sống của vùng đất này, trước tiên, nhóm tác giả đã phân tích những yếu tố nổi bật của môi trường thiên nhiên.

Thứ hai, nhà gỗ (nhà rường): Đây là loại hình kiến trúc đạt đến độ tinh xảo, hòa quyện giữa kỹ thuật mộc và quan niệm xây dựng của người miền Nam. Hầu hết những ngôi nhà gỗ còn tồn tại đến ngày nay chủ yếu được xây dựng vào cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX. Phần nhiều trong số đó là dinh thự của giới quan lại và phú hộ. Sự khác biệt giữa nhà gỗ truyền thống với nhà ở hiện đại chính là tính liền mạch của ngôi nhà, thay vì phân chia không gian tách biệt, tạo nên sự uyển chuyển, mềm mại. Cách dùng ô hộc, bao lam… chạm trổ tỉ mỉ làm toát lên vẻ sang trọng, tinh tế cho ngôi nhà; kết hợp với lối bài trí trang nghiêm, bàn ghế gỗ lịch sự, hoành phi, câu đối… phản chiếu ước mơ của gia chủ về đời sống.

Thứ ba, kiến trúc phương Tây: Trong quá trình chịu ảnh hưởng mạnh mẽ từ văn hóa phương Tây nửa sau thế kỷ XIX, người Việt đã tiếp thu và lai ghép kiến trúc phương Tây với kiến trúc bản địa, tạo nên lối chiết trung độc đáo. Ba xu hướng kiến trúc chính của thời kỳ này gồm: nhà gỗ truyền thống có mặt tiền tân thời; nhà được xây mới theo khuynh hướng tân thời nhưng mang kết cấu nhà truyền thống; nhà hoàn toàn theo kiểu phương Tây nhưng trang trí nội thất đậm đặc nét bản địa. Chẳng hạn như đồ nội thất có kiểu dáng và công năng thời Louis hay Đệ nhị đế chế của Pháp kết hợp với phong cách trang trí xà cừ và gỗ chạm của Việt Nam, tạo nên diện mạo khó nhầm lẫn.

Thứ tư, họa tiết trang trí: Trong căn nhà của người Việt, các họa tiết trang trí luôn có vị trí đặc biệt quan trọng. Do đó, nhóm đã tổng kết, lên danh mục một cách tương đối toàn diện các loại họa tiết trang trí, bước đầu phân loại và giải thích ý nghĩa của các họa tiết đó, giúp người đọc hình dung được tổng thể các kiểu thức trang trí truyền thống ở 
Việt Nam.

Vì độ dày công của nhóm nghiên cứu và những giá trị quyển sách mang lại, Tản mạn kiến trúc Nam Bộ sau lần in đầu tiên với 3.000 bản đã tiếp tục được in nối bản. 

Lê Phan

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI