Tấn Lộc: Làm nghệ thuật sẽ sinh lời nghệ thuật

07/09/2013 - 06:45

PNO - PNCN - Trên sàn múa thành phố hơn 20 năm qua, Tấn Lộc là một cái tên xuất hiện “trên từng cây số”. Có thể nói, ở đâu có múa, ở đó có Tấn Lộc. Từ đội múa phong trào của Nhà văn hóa Thanh niên với nhiệm vụ xung kích khắp nơi,...

edf40wrjww2tblPage:Content

Tan Loc: Lam nghe thuat se sinh loi nghe thuat

* Nói đến múa, người ta thường nghĩ đến con… gái! Vậy cơ duyên nào mà chàng trai Tấn Lộc lại đến với nghề múa?

- Hồi nhỏ, tôi thích vẽ lẫn thích làm giáo viên dạy văn, song số phận lại đưa tôi đến với phân khoa Âm nhạc của Trường Văn hóa nghệ thuật VN 2. Vì thuộc loại nhỏ con nhất lớp nên tôi thường bị giáo viên bắt múa trong các bài tập. Múa thì phải có nữ có nam, nên dần dà rồi cũng quen và thấy hay hay. Có lẽ thấy tôi ít nhiều có năng khiếu nên cô giáo dạy múa khuyên nên học thêm lớp múa ở Nhà văn hóa Thanh niên do thầy Thái Ly và cô Kim Quy hướng dẫn. Chính hai người thầy này đã “bơm lửa” cho tôi trong nghề múa. Thầy Thái Ly có thể làm cho người không biết múa múa được, làm cho người biết múa múa giỏi hơn. Còn cô Kim Quy là người rất yêu nghề, khiêm tốn và yêu thương học trò. Thật ra hồi đó, tôi thích nghề múa rối và cũng đã có chút ít thành công, có điều kiện học múa thì học, đi diễn chơi cho vui mà lại có tiền, không ngờ nó trở thành cái nghiệp của mình. Có lẽ, tôi may mắn được trời cho cơ thể dẻo dai, thầy cô dạy tới đâu làm được tới đó nên luôn cảm thấy hào hứng. Nhà văn hóa Thanh niên lúc đó có nhiều việc. Tại đây, tôi đã cho ra đời tiết mục múa đầu tay do mình sáng tác - Khoảnh khắc tình yêu (năm 1991). Với tôi, đây là kỷ niệm không thể nào quên bởi nó vừa là cú sốc nghề nghiệp đầu tiên đồng thời cũng là tia sáng dẫn đường cho tư duy sáng tạo của tôi sau này. Một số thầy cô trong nghề, sau khi xem, đã có lời phê phán nặng nề vì nó khác lạ so với những gì người ta vẫn thường làm trước đó, riêng thầy Thái Ly tỏ ra rất thích, nói rằng bài múa rất đặc biệt, phải có những người như em thì múa mới có được những yếu tố mới. Thầy cũng khuyên tôi tiếp thu mọi ý kiến để học hỏi. 

* Ngay từ khi mới vào nghề, anh đã cố tình làm cho khác lạ để tạo sự chú ý?

- Khi làm, tôi thực sự không quan tâm đến việc có giống hay khác người ta, mà tự trong thâm tâm tôi nghĩ mình nên làm như thế này như thế kia, như thể có tiếng nói từ trong sâu thẳm hướng mình đi vậy.

Tan Loc: Lam nghe thuat se sinh loi nghe thuat 

Vở Sương sớm

* Múa là bộ môn nghệ thuật đòi hỏi sự khổ luyện thân thể. Vậy phải chăng mỗi lần lên sân khấu là mỗi lần vũ công phải trải qua những khoảnh khắc cực nhọc?

- Đúng là để có được một tiết mục biểu diễn múa, chúng tôi phải khổ luyện, phải đổ nhiều mồ hôi, có khi cả máu nữa vì thường gặp những chấn thương. Song, mỗi lần được lên sân khấu biểu diễn là tôi quên hết những vất vả trước đó, chỉ còn lại niềm vui được múa. Lúc ấy, con người mình như được bay bổng, được thoát ra khỏi những căng thẳng, những nặng nề, những khổ đau trong cuộc sống đời thường. Không chỉ riêng tôi, nghệ sĩ múa ai cũng có cảm giác như vậy.

* Khán giả không ít người cho rằng, những chương trình đã được công diễn như Chuyện kể những chiếc giày, Mộc, Sương sớm… có quy mô dàn dựng và trình độ nghệ thuật cỡ “nhà hát”, nhưng nhóm Arabesque do anh phụ trách chỉ là một nhóm tư nhân nhỏ. Anh có thể cho biết nhờ đâu một nhóm “nhỏ” lại làm được vở “to”?

- Sau khi Nhà hát Hòa Bình không duy trì nhóm múa nữa, chúng tôi bị mất đất diễn, lao đao một thời gian dài. Đến năm 2009, chúng tôi gom nhau lại, thành lập công ty Á Nam và nhóm múa Arabesque thuộc công ty này. Nhóm hiện có 18 thành viên, được trả lương hàng tháng cùng với tiền bồi dưỡng theo các suất diễn. Bên cạnh những chương trình biểu diễn ở sân khấu lớn, chúng tôi còn có chương trình Sân khấu mở (đã thực hiện được 12 chương trình). Chương trình này không bán vé, nhằm giúp thực hiện những ý tưởng mới lạ về nghệ thuật (với sự hỗ trợ về chuyên môn và cả mặt bằng, điện nước của Nhà hát Kịch TP), động viên những người trẻ (ở mọi nơi) có những sáng tạo táo bạo. Chúng tôi đã có những chương trình thử nghiệm với các bạn quốc tế thuộc các nước như Đức, Nhật, Ý, Pháp, Anh… Sở dĩ nhóm Arabesque làm được một số việc như vậy là nhờ có sự chung tay của nhiều thành viên được đào tạo chính quy, giỏi nghề, được học hành và trải nghiệm nhiều năm ở trong cũng như ngoài nước. Đó là NSƯT Tố Như, tốt nghiệp Học viện Kiev; Ngọc Anh hiện đang làm việc tại Học viện Nghệ thuật Hồng Kông; Thanh Phương, Trường Nghệ thuật Folkwang (Đức), giải biên đạo múa xuất sắc 2012 tại Hàn Quốc; Bảo Trung, Thanh Phong, Trường Cinevox (Thụy Sĩ); Trần Văn Thịnh, Trường múa Fukuoka (Nhật Bản); Ngọc Khải, Trường múa Rotterdam (Hà Lan); Hải Anh, Hữu Thuận, HCB Cuộc thi múa đương đại quốc tế Hàn Quốc 2012; Thành Chung, giải Hội Nghệ sĩ múa Hàn Quốc 2013…

Tan Loc: Lam nghe thuat se sinh loi nghe thuat 

Vở Tích tắc

* Được biết, dù được công nhận đạt tính nghệ thuật cao nhưng hầu hết các vở diễn lớn của Arabesque chỉ mong huề vốn là mừng, anh lấy gì để giữ chân những vũ công giỏi như vậy?

- Để có thu nhập, chúng tôi làm thêm các chương trình event. Sau mỗi chương trình lớn, chúng tôi dắt nhau chạy show “tá lả”. Dù là show event, chúng tôi cũng không phải chỉ để kiếm tiền mà trên hết vẫn là chất lượng nghệ thuật. Và nếu thành lập nhóm chỉ để đi làm event, chắc chắn các bạn ấy không ai về với chúng tôi. Chúng tôi gặp nhau, hiểu nhau, nối kết với nhau trước tiên bằng cái tình nhưng trên tất cả là bằng mục đích chung, muốn đem cái đẹp của nghệ thuật múa đến với công chúng theo cách riêng của nhóm. Đó là điều mà tất cả chúng tôi đều đồng tình. 

* Ở nước ta, nghệ thuật múa chưa có nhiều khán giả, đồng nghĩa với việc thu nhập của nghệ sĩ không cao. Vậy việc luôn phải nghĩ cách giải bài toán kinh tế có làm cản trở sức sáng tạo của Arabesque?

- Hiện nay ở nước ta có một nghịch lý là một chương trình chỉ thuần về múa thường kén khán giả, nhưng ở các chương trình sân khấu khác như ca nhạc hay event lại luôn cần có các tiết mục múa, vì vậy, chúng tôi không thiếu việc làm. Hơn nữa, Arabesque là thương hiệu “chất lượng cao” nên dù làm gì, chúng tôi cũng đặt tính chuyên môn lên hàng đầu. Thực tế đó không hề làm cản trở, trái lại, còn kích thích sự sáng tạo bởi môi trường hoạt động của chúng tôi được mở rộng, đòi hỏi đáp ứng cho được yêu cầu của nhiều giới, nhiều ngành… Hiểu một cách khác, đó còn là cơ hội để chúng tôi “chiếm lĩnh” được nhiều trận địa hơn. Dù nói là chạy show nhưng các thành viên Arabesque vẫn làm được nghề, bạn bè tôi ở nước ngoài, có người còn phải đi làm những công việc không ăn nhập gì tới chuyên môn như bồi bàn, rửa chén để có thêm thu nhập.

Tan Loc: Lam nghe thuat se sinh loi nghe thuat

Ngọc Anh và Tố Như trong vở Sương sớm 

* Người ta nói, có thực mới vực được đạo, liệu Arabesque kéo dài như vậy được bao lâu?

- Không biết kéo dài được bao lâu nhưng tôi cứ nhìn vào tấm gương của những nghệ sĩ thế hệ trước như thầy Thái Ly, cô Kim Quy, thầy Việt Cường, cô Kim Dung, thầy Công Nhạc… Nếu không có lớp người đi trước đó, không có lớp chúng tôi, không có lớp trẻ sau này thì sẽ không còn ai biết tới múa. Tôi nghĩ nghề chọn người chứ không phải người chọn nghề. Thế hệ tiếp nối thế hệ. Thế hệ trước làm tấm gương cho thế hệ sau. Bây giờ tôi và các bạn của mình rất hạnh phúc vì đã làm được những điều có ý nghĩa. Tiền biết bao nhiêu cho đủ, chỉ biết đủ là đủ, sướng hay khổ là từ cái đầu mình nghĩ chứ không phải do số tiền mình có. Nhưng tôi tin rằng nếu làm hết sức thì sẽ được đền bù xứng đáng. 

* Vở diễn Sương sớm của Arabesque khi công diễn đã nhận được nhiều lời khen vì đã khai thác khá độc đáo nét đẹp của nông thôn VN. Vở À ố show mà anh làm biên đạo múa cũng hấp dẫn nhờ yếu tố miền quê. Như vậy, nông thôn mình còn gì để Tấn Lộc trở về lần nữa không?

- Khai thác đề tài nông thôn VN cả đời cũng không hết, vì vốn sống ông bà để lại còn rất nhiều, tôi nghĩ mình chỉ mới chạm tới một chút xíu thôi. Vừa qua, để đủ sức thuyết phục và hấp dẫn được người xem trong vở Sương sớm, Arabesque đã phải gia công rất nhiều. Chúng tôi đã cho diễn viên đi thực tế ở đồng bằng sông Cửu Long, xuống ruộng tiếp xúc với nông dân, tập chèo thuyền, cấy lúa, tập hát hò cả tháng rồi về nhà viết bản thu hoạch. Chúng tôi ra Huế, tìm đến làng đúc đồng nổi tiếng để mua những cái chuông về làm đạo cụ và tập làm quen với nó; đặt cả ngàn cặp đũa bếp bằng tre ở miền Tây, đem về còn luộc phơi đến sáu lần để tránh mốc, mọt. Những chuyện nhỏ như vậy, chúng tôi cũng đều phải làm thật kỹ lưỡng. Có người hỏi, diễn event kiếm tiền dễ vậy còn phải cực khổ làm những vở lớn mà doanh thu không bù đắp nổi công sức để làm gì? Tôi trả lời rằng, làm kinh tế sinh lời ra tiền, làm nghệ thuật sẽ sinh lời nghệ thuật. Chúng tôi không phải làm một tác phẩm hay cho riêng mình được tiếng hay thỏa mãn nghề nghiệp mà còn đem lại cái đẹp cho công chúng. Một khán giả vốn là trẻ mồ côi, sau khi xem Chuyện kể những chiếc giày đã tâm sự rằng, anh khóc nhiều lần khi xem, xem xong thì có nhiều suy nghĩ về bản thân, thấy mình vẫn cố gắng chưa đủ và từ đó đã thay đổi cách sống. NSƯT Thành Lộc xem hai lần và nói xem vở, thấy cuộc đời này đẹp biết bao. Có một nữ khán giả lớn tuổi vừa xem Sương sớm vừa khóc. Cô nói: “Tôi đã sống ở Nga nhiều năm, từng xem vở Những con thiên nga (nhà hát Bolsoi), giờ xem Sương sớm thấy con cò trắng bay trên cánh đồng VN”. Có người nói coi Sương sớm thấy cả gia đình mình trong đó. Còn một bạn trẻ xa quê lâu tâm sự, có nhiều thứ đã quên, coi Sương sớm chợt nhớ lại. Rõ ràng, nghệ thuật có thể làm thay đổi tư duy của con người, điều mà tiền bạc khó đem lại được.

Tan Loc: Lam nghe thuat se sinh loi nghe thuat

Kissing U2 

* Chỉ mới thành lập năm 2009 song tiếng tăm Arabesque đã vang xa tới nhiều nước, sắp tới các bạn sẽ “đánh chuông” ở những nơi nào?

- Trong những năm qua, chúng tôi đã đi biểu diễn ở Singapore, Campuchia, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ý và Anh. Tháng 9/2013, chúng tôi sẽ mang vở Tơ dự Liên hoan Múa đương đại quốc tế tại Daegu (Hàn Quốc), và mang trích đoạn Sương sớm đến Liên hoan Nghệ thuật Indonesia. Tháng 11/2013 sẽ đến Nagano (Nhật) với trích đoạn ballet Pas de deux của Tchaicovsky.

Cát Vũ (thực hiện)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI