Từ khi mới ra mắt, tiểu thuyết Tôi muốn tan làm đúng giờ của nữ nhà văn Kaeruko Akeno đã được đông đảo độc giả xứ phù tang yêu thích. Câu chuyện của các nhân vật trong tác phẩm cũng chính là nỗi lòng của đa số nhân viên văn phòng ở Nhật Bản. Để chứng mình lòng nhiệt huyết và tinh thần cống hiến cho công việc, họ sẵn sàng làm thêm giờ bất cứ khi nào cấp trên yêu cầu.
Vào giờ tan tầm, khi mà các đồng nghiệp vẫn còn cặm cụi trước màn hình máy tính, đau đầu xử lý các báo cáo, thì Higashiyama Yui thong thả ra về để tận hưởng một buổi tối thảnh thơi. Cô sẽ thưởng thức món cơm thịt lợn chua ngọt và một cốc bia ở quán cơm Thượng Hải yêu thích. Trong suốt 10 năm qua, kể từ khi mới vào công ty, cô đã giữ thói quen tan làm vào lúc 6 giờ chiều và nói không với việc tăng ca.
|
Tiểu thuyết "Tôi muốn tan làm đúng giờ" đã được chuyển thể thành phim truyền hình, phát sóng tại Nhật Bản vào năm 2019. Ảnh: IMDb. |
Tuổi thơ của Higashiyama Yui thiếu vắng hình bóng của người cha. Cha cô là một người “nghiện” công việc chính hiệu. Ngày nào ông cũng chỉ ghé qua nhà vài tiếng vào giữa đêm khuya, khi hai con đã ngủ. Con gái ốm nặng phải nhập viện, cha của Yui sẵn sàng gắt gỏng với người vợ tội nghiệp, vì đã gọi điện làm phiền ông trong giờ làm việc.
Để các con không quên mặt cha, mẹ của Yui đã để một bức ảnh của chồng ở gần TV. Suốt thời thơ ấu, cô con gái thứ hai nhà Higashiyama không có chút ký ức nào về cha, ngoại trừ bức ảnh câm lặng kia, cô vẫn gọi đùa đó là “di ảnh”, dù cha cô đang còn sống.
Đến khi ông nghỉ hưu và có thời gian cho gia đình, lại là lúc các con đã lớn, có cuộc sống riêng. Hai cha con ngồi bên nhau, cùng chơi một ván cờ đã trở thành điều xa xỉ.
Higashiyama Yui luôn cho rằng công việc đã cướp cha cô khỏi vòng tay của gia đình. Thế nên, cô tự nhủ khi trưởng thành sẽ học cách cân bằng giữa công việc và những nhu cầu cá nhân khác. Cuộc đời vốn ngắn ngủi và có nhiều thứ tốt đẹp để ta tận hưởng, thay vì làm việc như một cỗ máy.
Người bạn trai đầu tiên của Yui là một đồng nghiệp trong công ty. Vì không muốn chuyện tình cảm cá nhân ảnh hưởng đến công việc, cả hai đã yêu đương trong bí mật. Một ngày kia, khi hai gia đình gặp mặt để bàn chuyện kết hôn, anh chàng Kotaro đã vắng mặt vì phải làm thêm giờ. Yui thất vọng và nói lời chia tay. Cô không muốn sống cuộc đời như mẹ của mình, cưới một người đàn ông chỉ biết đến công việc và luôn để vợ cô đơn.
Khi tình hình kinh tế suy giảm, cấp trên của Yui không hài lòng vì việc cô tan làm đúng giờ. Họ cho rằng việc đó ảnh hưởng không tốt tới các nhân viên khác, và yêu cầu cô tăng ca. Higashiyama Yui đứng giữa hai lựa chọn: thỏa thuận hay đối đầu? Nếu làm theo yêu cầu của cấp trên, cô sẽ được thăng chức.
Nhà văn Kaeruko Akeno đã là một nhân viên văn phòng trong một thời gian khá dài trước khi bắt đầu sự nghiệp viết lách. Với cuốn tiểu thuyết này, bà không ngần ngại chỉ ra những mặt tối của đời sống công sở ở Nhật Bản. Ở một đất nước còn mang nặng tư tưởng phụ quyền, người phụ nữ chịu khá nhiều thiệt thòi ở nơi làm việc.
|
Tiểu thuyết "Tôi muốn tan làm đúng giờ" của Kaeruko Akeno. Ảnh: Oanh Đỗ. |
Họ bị đồng nghiệp nam quấy rối tình dục, hay buông những lời trêu ghẹo khiếm nhã. Cấp trên xem nhân viên nữ dưới quyền như “người giúp việc không công” và luôn yêu cầu họ làm giúp những việc vặt như pha trà, mua đồ ăn trưa, hoặc nhận hộ thư tín, hợp đồng. Dù bị đối xử bất công, các nhân viên nữ thường chọn cách im lặng. Họ sợ nếu lên tiếng sẽ bị đuổi việc và không được ai bảo vệ.
Vừa làm mẹ, vừa trở thành một nhân viên mẫn cán là việc khó khăn với nhiều phụ nữ Nhật Bản. Higashiyama Yui cảm thấy vô cùng sửng sốt khi một đồng nghiệp của cô đã đi làm trở lại, dù chị ta vừa sinh đôi cách đây 6 tuần. Để giữ cho mình một chỗ đứng ở công ty, những người phụ nữ ấy không được phép nghỉ ngơi quá lâu.
Bố của Higashiyama Yui luôn dạy con cái coi công ty như gia đình thứ hai của mình và tận hiến vì nó. Nhưng anh em cô thấy chốn công sở khốc liệt này giống như một chiến trường. Nơi mà đồng nghiệp và đối thủ đều là kẻ địch. Dù kiệt sức, người ta vẫn phải dấn thân vào vòng quay khốc liệt của công việc.
Với giọng văn nhẹ nhàng, chân thực và tinh tế, nữ nhà văn Kaeruko Akeno đã đem tới một bức tranh sống động về chốn công sở ở Nhật Bản những năm 2000. Để vật lộn với khủng hoảng và suy thoái kinh tế, người ta phải làm việc không ngừng nghỉ. Lao động như một cỗ máy dần hút cạn sinh lực và niềm vui của con người.
Mai Thư