Tân giám đốc Facebook Việt Nam hay chuyện cá to và biển lớn

23/03/2018 - 14:14

PNO - Có thể rút ra điều gì từ bài học thành công của Kiều Trang? Tại sao trong nhiều đại gia, thiếu gia Việt lại hiếm thấy những gương mặt trẻ học hành, thành đạt bằng chất xám chứ không từ đất đai hay các mối quan hệ?

Mấy ngày qua, không chỉ cộng đồng doanh nghiệp và công nghệ thông tin, gần như cả dư luận đều xôn xao trước tin nữ doanh nhân Lê Diệp Kiều Trang vừa được bổ nhiệm vị trí Giám đốc Facebook Việt Nam. Không phải là sự bổ nhiệm thông thường mà đây chính là sự chuyển hướng, bước phát triển mới của đế chế này tại Việt Nam. 

Tan giam doc Facebook Viet Nam hay chuyen ca to va bien lon
Lê Diệp Kiều Trang

Đây không phải lần đầu tiên "con cá lớn" Lê Diệp Kiều Trang khuấy đảo thương trường. Cô thủ khoa Trường THPT Lê Hồng Phong, cử nhân đại học danh tiếng Oxford (Anh) và chương trình MBA Sloan của Học viện Công nghệ Massachusettes (MIT) ở Mỹ từng được bổ nhiệm vào Công ty Tư vấn chiến lược McKinsey hàng đầu thế giới.

Thế nhưng, cô gái ấy không chịu làm lá giữa rừng cây mà dấn thân khởi nghiệp sáng lập nên Misfit Wearables chuyên về các thiết bị đeo theo dõi sức khỏe và đo mức vận động của cơ thể. Chỉ trong thời gian ngắn, Misfit Wearables đã tạo được sự tin cậy và được các đại gia tầm cỡ John Sculley - cựu CEO của Apple - và tỷ phú Hồng Kông Lý Gia Thành góp vốn đầu tư, để rồi cuối cùng được Fossil Group (Mỹ) mua lại với giá 260 triệu USD.

Không chỉ bán Công ty Misfit với giá khá cao, Lê Diệp Kiều Trang còn nắm giữ vị trí Tổng giám đốc Fossil Việt Nam, một vị trí trong mơ của những CEO tuổi 30. 

Lần này, Kiều Trang lại từ bỏ sự ổn định để bắt đầu một thử thách mới. Kiều Trang nói, cô muốn trải nghiệm ở một vị trí cực kỳ thách thức tại Facebook với nhiệm vụ chuyên về phát triển kinh doanh của đế chế mạng xã hội này tại Việt Nam.

Có thể rút ra điều gì từ bài học thành công của Kiều Trang? Tại sao trong nhiều đại gia, thiếu gia Việt lại hiếm thấy những gương mặt trẻ học hành, thành đạt bằng chất xám chứ không từ đất đai hay các mối quan hệ? Tại sao có không ít “thần đồng”, thủ khoa, nhà vô địch các kỳ thi quốc tế, hay hầu hết những tài năng được đầu tư du học theo các chương trình đào tạo của quốc gia, hoặc biệt tích ở nước ngoài hoặc chìm lỉm đâu đó trong bộ máy hành chính nhà nước?

Phải chăng đây là bài học từ sự kết hợp giữa hai yếu tố cá to và biển lớn? Kiều Trang là con kình ngư mang theo chí lớn đi ra biển lớn. Cô được đào tạo ở những môi trường tốt không chỉ với mục đích kiếm mảnh bằng hay dùng kiến thức, trí tuệ để làm giàu. Kiều Trang học được từ nhóm tài phiệt công nghệ đã thành công và đang đem tiền đi đầu tư cho các startup mới ở Silicon Valley là hãy đi tìm những nhóm khởi nghiệp say mê về một công nghệ, một sản phẩm sẽ làm phá vỡ thị trường, chứ đừng tìm những nhóm ham làm giàu.

Với Kiều Trang, mục tiêu khởi nghiệp là tạo dựng những doanh nghiệp, ngành nghề, lĩnh vực đẩy nhân loại tiến lên phía trước chứ không chỉ là để năng nhặt chặt bị cho cá nhân. Vậy nên sự giàu có tất nhiên là hệ quả của thành công ấy cũng hoàn toàn chính đáng.

Kình ngư Kiều Trang đã được vẫy vùng trong biển lớn của nền kinh tế toàn cầu từ các quốc gia Âu Mỹ. Chất xám, quyền sở hữu trí tuệ được đảm bảo, trọng dụng. Những sáng kiến đột phá được tiếp nhận, cổ vũ hỗ trợ bằng sức mạnh tài chính.

Doanh nghiệp trẻ của cô gái trẻ mới ra trường được các đại gia tiếp vốn. Những rào cản hành chính, lệ làng, hẹp hòi ấu trĩ đã bị dẹp bỏ từ lâu. Một tập đoàn kinh doanh mua một công ty trẻ với giá cao và “mua” cả giám đốc điều hành để giao trọng trách… phải chăng là giấc mơ chung của bao người trẻ mới vào đời? 

Vun bồi cho giới trẻ những khát vọng, hoài bão lớn chừng như chưa được nhắc đến trong các chương trình giáo dục và cả hoạt động giáo dục xã hội Việt Nam. Chừng nào kinh tế tri thức còn bị ghè trong guồng máy hành chính nặng nề, quan liêu thì những con cá to vẫn chỉ biết... thở cá trước khi bơi ra biển lớn.

Anh Thư 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI