Tán gia bại sản

23/02/2014 - 18:02

PNO - PN - Bốn năm trước, tôi rời Sài Gòn, bỏ ghế giám đốc kinh doanh trong một công ty nước ngoài, theo anh về quê, để… trốn nợ, và làm lại từ đầu.

edf40wrjww2tblPage:Content

Ngày đó, anh từ một kỹ sư giỏi, sau một chuyến công tác bỗng trở thành con nợ, sống khổ sở giữa những lời đe dọa của bọn xã hội đen. Nhưng tôi không có nhiều thời gian để hụt hẫng, khi người ta bắt đầu đe dọa tính mạng của cả con gái tôi. Tôi bán nhà, trả hết nợ này thì lại xuất hiện nợ khác. Không còn gì để bán, tôi điêu đứng nhìn anh như mất hết sinh lực, con gái sợ sệt không dám đến trường. Hết đường cứu chữa, tôi bàn bạc chuyện ly hôn để giải thoát cho con. Anh van lơn tôi tha thứ, thú nhận tai họa này bắt đầu từ một cơn say, khi anh không còn tỉnh táo mà lao vào một canh bạc lớn. Giờ anh đã “tỉnh”, tôi tin tiền bạc hay mọi thứ đều có thể kiếm lại được, tôi không thể bỏ anh chỉ vì một lỗi lầm anh phạm phải trong lúc say.

Tan gia bai san

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Nhưng tôi đã lầm. Khi về Đà Nẵng, tôi xuôi ngược kiếm một công việc mới và chỗ học mới cho con, anh lại ở nhà uống rượu. Tôi tự động viên mình cắn răng chịu đựng, chờ đến khi anh kiếm được một công việc mới. Rồi anh cũng được nhận vào làm ở một công ty xây dựng. Ngày đi làm đầu tiên, anh ôm tôi, hứa hẹn đủ điều trước khi đĩnh đạc bước ra khỏi nhà. Nhưng tôi không vui được lâu, bởi đến chiều anh lại chân thấp chân cao trở về, luôn miệng chửi đời bằng cái giọng nhừa nhựa. Những ngày tiếp theo vẫn thế. Mọi chuyện tệ hơn khi gần một năm sau, anh bị đuổi việc, vì rượu.

Tôi như có hai người chồng. Sáng, anh dậy sớm cùng tôi nấu nướng, đưa con đến trường, rồi quyến luyến đưa tôi đi làm. Anh vui vẻ đeo tạp dề thay tôi nội trợ. Đến chiều tôi vừa về tới ngõ đã nghe anh lớn tiếng la mắng, sai bảo con hết chuyện này đến chuyện khác. Những hôm tôi có việc phải về trễ, anh liên tục gọi điện đến công ty hạch sách, rồi hành hạ con gái. Để đến khi vừa thấy mặt tôi, anh vội vơ lấy tất cả những gì trong tầm tay, đập vỡ tan tành. Anh như người điên, mặc tôi kiên nhẫn giải thích, còn con gái líu quíu quỳ xuống giữ lấy chân bố, van xin. Cảnh tượng địa ngục ấy kéo dài cho tới khi anh mệt lả, ngủ say. Sáng mai, anh lại hăng hái dậy sớm nội trợ, như chưa từng xảy ra chuyện gì.

Cứ thế, anh tập cho mẹ con tôi quen dần với một cuộc sống sáng nắng chiều mưa. Có những buổi chiều anh canh giờ tôi tan sở, ôm chai rượu ngồi chờ trước cửa. Tôi vừa về tới, anh vội vàng đuổi con gái lên gác, tắt hết đèn rồi cuống quít ôm chầm lấy tôi như đứa trẻ xa mẹ lâu ngày. Nhiều khi, bất kể con gái đang học bài, anh nằng nặc bắt con lên phòng, nhường “không gian riêng” cho ba mẹ. Mọi phản kháng của tôi chỉ làm tình hình thêm tồi tệ, tôi đành chịu đựng anh trong tuyệt vọng, chán chường. Tôi lại hạ quyết tâm tự cứu lấy mình. Nhưng, chỉ cần trời sáng, anh tỉnh rượu, mọi bi quan trong tôi đều tan biến hết. Anh thành khẩn xin lỗi con rồi tâm sự, hứa hẹn với tôi bao điều. Có lần anh còn tự nguyện xin vào bệnh viện để cai nghiện rượu, bởi “chính anh cũng chán ghét cái thằng say trong anh”. Nhưng chỉ cần ra khỏi bệnh viện, anh lại tìm đến rượu, rồi phút chốc trở thành “cái thằng say” mà cả nhà chán ghét.

Cho rằng anh sẽ không thôi nhầy nhụa vì rượu, mọi người hết lời khuyên tôi tự giải thoát cho mình. Nhưng, những buổi sáng đẹp trời cứ níu kéo tôi, với ý nghĩ: “Chỉ cần anh không say, mọi chuyện sẽ khác…”. Một lần thua cuộc khi giằng co chiếc đèn học với ba, đứa con gái ngày thường chỉ biết im lặng vâng lời quay sang, giật mạnh tà áo tôi, nức nở: “Mẹ ly hôn đi, mẹ ơi!”. Tôi bàng hoàng, anh cũng chết lặng nhìn đứa trẻ mười tuổi đang vỡ òa những uất ức của chuỗi ngày chung sống với ma men.

Nguyên Ngọc (Q.Thanh Khê, Đà Nẵng)

Bài tham gia diễn đàn xin gửi về địa chỉ: vi motchunhau@baophunu.org.vn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI