Tận dụng thức ăn thừa

26/05/2015 - 07:09

PNO - PN - Trung bình mỗi người Pháp ném bỏ 20-30kg thức ăn mỗi năm, và 7kg trong số ấy vẫn còn trong bao bì. Nghĩa là, có 7,1 triệu tấn lương thực bị vứt vô tội vạ. 67% trong số đó từ người tiêu dùng, 15% đến từ các nhà hàng và 11% từ...

edf40wrjww2tblPage:Content

Các siêu thị ở Pháp sắp tới không được phép bỏ hoặc tiêu hủy thức ăn bán chậm. Số thức ăn trên sẽ được chuyển đến các tổ chức từ thiện hoặc làm thức ăn cho các loài thú nuôi. Từ nay đến tháng 7/2016, các siêu thị có diện tích mặt bằng từ 400m2 trở lên phải ký cam kết với các tổ chức từ thiện về việc chuyển giao thực phẩm bán ế. Nếu không tuân thủ, siêu thị có thể bị phạt đến 82.000 USD và chủ siêu thị có thể bị tù đến hai năm. Đây là quy định mới nhất tại Pháp trong nỗ lực chấm dứt tình trạng phung phí thức ăn của nước này.

Nhiều năm gần đây, truyền thông Pháp xoáy mạnh thông tin vào các gia đình, sinh viên nghèo khó hoặc những người thất nghiệp, vô gia cư phải lén lục lọi thùng rác của siêu thị vào ban đêm để tìm thức ăn. Những thực phẩm này bị ném vào sọt rác vì đã quá hạn sử dụng được ghi trên bao bì. Một số siêu thị còn cẩn thận khóa thùng rác, không cho ai lấy thức ăn bên trong, hoặc ngâm tẩy thực phẩm để chắc chắn rằng dù có lấy được, những người cùng cực cũng không thể ăn được thức ăn ấy.

Theo quy định ở Pháp, dù là thức ăn bỏ đi nhưng vẫn thuộc quyền xử lý của siêu thị nên bất kỳ hành vi trộm cắp nào cũng là phạm pháp. Từng có nhiều người liều mình đánh cắp thực phẩm không còn bảo đảm chất lượng như trái cây thối, sữa chua, pizza…, bị cảnh sát phát hiện và đối mặt với cáo buộc hình sự. Hậu quả: có những trường hợp bị phạt tù và phải bồi thường hàng chục ngàn USD tính theo lượng thực phẩm mà họ đã đánh cắp. Phần lớn những người trộm thức ăn từ thùng rác siêu thị đều có hoàn cảnh khó khăn. Năm 2011, một người đàn ông 59 tuổi, cha của sáu đứa con, vì không xoay xở được lương thực cho cả nhà nên đã trộm thức ăn từ thùng rác của siêu thị Monoprix (Marseille) nơi ông làm việc. Một đồng nghiệp phát hiện và báo an ninh. Ông bị bắt quả tang trộm… sáu trái chanh, hai bó rau diếp và bị đuổi việc ngay sau đó.

Đi kèm hình thức chế tài đối với siêu thị, luật trên cũng có cả chương trình điều chỉnh nhận thức để tránh lãng phí thực phẩm trong trường học và nơi làm việc. Hồi tháng Hai vừa qua, chính quyền Pháp đã loại bỏ nội dung “best-before dates” (sử dụng tốt nhất trước ngày) đối với các loại thực phẩm tươi. Đây cũng là mục tiêu mà các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU), nơi có 89 triệu tấn thực phẩm bị lãng phí mỗi năm, đang hướng tới.

Tan dung thuc an thua

Người tiêu dùng nên cân nhắc chọn mua đủ thực phẩm để tránh lãng phí - ẢNH: CBC

Những biện pháp trên là chuỗi động thái để các nhà chức trách Pháp đạt được mục tiêu giảm lãng phí thực phẩm 50% tiến đến năm 2025. Theo thống kê, trung bình mỗi người Pháp ném bỏ 20-30kg thức ăn mỗi năm, và 7kg trong số ấy vẫn còn trong bao bì. Nghĩa là, có 7,1 triệu tấn lương thực bị vứt vô tội vạ. 67% trong số đó từ người tiêu dùng, 15% đến từ các nhà hàng và 11% từ các cửa hiệu, siêu thị… Với sự lãng phí này, cả nước đã tốn khoảng 22 tỷ USD.

Thời gian qua, nhiều tổ chức xã hội đã lên tiếng về sự phung phí của các siêu thị, cửa hàng nhưng họ không đồng tình với cách áp dụng luật như trên. Hiệp hội Thương mại phân bổ, đại diện cho các siêu thị lớn cho rằng, luật trên không chặt chẽ. Họ dẫn ra, hiện có đến 4.500 cửa hàng đã ký cam kết tặng thực phẩm cho các nhóm từ thiện và quy định của luật không nhắm vào việc điều chỉnh lượng cung cầu trên thị trường - nguyên nhân chính dẫn đến dư thừa sản phẩm. Tuy nhiên, vấn đề lấn cấn ở chỗ, các cửa hàng khi tài trợ lương thực cho các ngân hàng lương thực sẽ phải đóng thuế VAT đối với sản phẩm mà họ cung cấp.

Nghĩa là, việc làm từ thiện này không có lợi chút nào về mặt tài chính cho doanh nghiệp.

Theo tổ chức chống đói nghèo Oxfam, càng nhiều biện pháp được thực hiện đồng bộ thì càng giúp các bên hiểu rõ về sự lãng phí không đáng có. Những người ủng hộ luật được thông qua ở Pháp cho rằng, luật này không chỉ giải quyết vấn đề tăng lượng rác thải ra môi trường mà còn tạo nên sự công bằng trong xã hội, không để có sự chênh lệch quá lớn, đẩy những người đói nghèo vào hoàn cảnh thiếu cả nhu cầu cơ bản nhất, đó là được tiếp cận nguồn thức ăn.

Đạo luật thông qua ở Pháp được đánh giá là đã “đi trước” quy định của Anh, nơi cũng có hiện tượng lãng phí thức ăn nhưng việc điều chỉnh chỉ mới dừng lại ở sự tự nguyện của các siêu thị. Tesco, chuỗi siêu thị lớn nhất tại Anh là một trong những đơn vị đi đầu trong cuộc chiến chống lãng phí thực phẩm đã công bố số liệu đánh vào ý thức người tiêu dùng. Theo đó, mỗi năm có đến 15 triệu tấn lương thực bị người Anh ném bỏ, trong đó bốn triệu tấn vẫn còn ăn được. Hiện số người được hỗ trợ thức ăn thông qua các ngân hàng lương thực ở Anh không ngừng lập kỷ lục qua từng năm. Năm 2014, số người nhận ít nhất ba bữa ăn của gần 400 ngân hàng lương thực đã lên đến gần 1,1 triệu người, trong đó có 400.000 trẻ em.

Ở Mỹ, năm 2011, Connecticut là bang đầu tiên cấm đổ đống thức ăn bán chậm từ các cửa hiệu kinh doanh. Theo quy định, các nhà sản xuất phung phí từ hai triệu tấn thức ăn trở lên mỗi tuần phải có quy trình tái chế hợp lý.

Theo Tổ chức chống đói nghèo Oxfam, trong khi một tỷ người phải chịu cảnh đói kém mỗi năm và số người cần hỗ trợ từ các ngân hàng lương thực không ngừng tăng thì các nhà sản xuất vẫn chưa dành đủ mức quan tâm đến việc ai cũng cần có đủ thức ăn.

THIÊN ANH (Theo Guardian, CBC, Reuters)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI