Tận dụng công nghệ để đưa sách tiếp cận giới trẻ

19/02/2024 - 07:34

PNO - Làm sao để phát triển văn hóa đọc ở người trẻ? Làm sao thu hút đông đảo giới trẻ đến với những sự kiện liên quan văn hóa đọc? Đây là điều đang khiến nhiều người làm công tác văn hóa trăn trở. Nhà nghiên cứu văn hóa Huỳnh Ngọc Trảng đã khá thẳng thắn khi chia sẻ với phóng viên Báo Phụ nữ TPHCM về vấn đề này.


 

Phóng viên: Thưa ông, ông nhận định thế nào về văn hóa đọc của giới trẻ 
hiện nay?

Nhà nghiên cứu văn hóa Huỳnh Ngọc Trảng: Với những bạn trẻ thích đọc sách, theo tôi, có 2 nhóm chính: nhóm đọc sách đơn thuần chỉ để giải trí và nhóm đọc sách để có thêm kiến thức, thông tin cho lĩnh vực mình đang học tập, nghiên cứu. Hiện nay, dường như đa phần người đọc hướng đến việc đọc sách để khai trí nhiều hơn là khai tâm. Bên cạnh đó, còn có một bộ phận người đọc khác, xem sách như một phương tiện trang trí. Họ có thể mua sách, có rất nhiều sách và nhớ nhiều tựa sách nhưng khi được hỏi, họ lại không thể trả lời được gì về quyển sách hoặc tác giả mà trước đó, họ kể tên rõ ràng, rành mạch. Văn hóa đọc có vẻ còn khá xa lạ với một bộ phận người trẻ do xu hướng nghe, nhìn đang lấn át xu hướng đọc.

Vấn đề khác cũng khiến tôi và nhiều người băn khoăn là cách đọc, cách chọn lọc, tổng hợp thông tin của người đọc. Văn hóa đọc không phải chỉ là thói quen đọc sách mà còn là cách đọc, cách ghi chép, hệ thống hóa các thông tin và vận dụng những kiến thức từ sách vào thực tiễn cuộc sống. Người trẻ ham đọc sách không nhiều, người đọc sách đúng phương pháp càng ít hơn.

* Đường sách được xem là nơi góp phần lan tỏa văn hóa đọc. Ông nhận định gì về đường sách nói riêng và không gian dành cho việc đọc sách nói chung ở TPHCM?

 - Không gian văn hóa đọc đang được đặc biệt chú ý nhằm hướng đến việc phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng, nhất là giới trẻ. Đường sách, hội sách, ngày sách, lễ hội đường sách tết… đang góp phần nâng cao tỉ lệ người đọc sách ở Việt Nam. Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều việc cần làm để lan tỏa văn hóa đọc. Phát triển văn hóa đọc ở Việt Nam vẫn còn nhiều thách thức do phần đông người Việt chưa rèn thói quen đọc sách, chưa dành nhiều sự quan tâm tới sách.

Với thực tế hiện nay, tôi cho rằng, không gian văn hóa đọc khác cũng cần được chú ý phát triển, như thư viện số và sách điện tử. Theo thống kê, Việt Nam có đến 70% dân số sử dụng internet, nằm trong nhóm đầu thế giới. Đa phần người trẻ hiện nay thường xuyên dùng điện thoại thông minh để lướt web, xem YouTube, TikTok.

Theo tôi, nên tận dụng công nghệ để đưa sách tiếp cận giới trẻ. Văn hóa đọc không chỉ là đọc sách theo lối truyền thống - tức là phải cầm sách để đọc - mà quan trọng là thích đọc sách, có phương pháp đọc, biết cách chọn lọc thông tin. Khi hình thành được thói quen đọc sách, cảm thấy thích thú với việc đọc sách, người đọc có thể tiếp tục đọc sách từ thư viện số hoặc có thể sưu tầm những tựa sách mình yêu thích để lưu giữ trong tủ sách của mình. 

Không gian đọc chỉ là điều kiện cần. Không gian đọc sẽ phát huy hiệu quả khi người đọc biết cách đọc sách bài bản, đọc có chọn lọc và biết cách hệ thống, ghi chép, ghi nhớ những thông tin cần thiết. Người đọc cũng phải biết cập nhật thông tin, biết tiếp thu những thông tin mới, hợp thời đại, nhịp sống để thay thế cho những thông tin cũ kỹ, lỗi thời. 

Trong bối cảnh các loại sách, tựa sách “trăm hoa đua nở” như hiện nay thì tri thức và bản lĩnh của người đọc là vô cùng quan trọng. Người có văn hóa đọc sẽ không thụ động tiếp thu những thông tin trong sách một chiều mà còn biết cách đọc có chọn lựa giá trị văn hóa, quan điểm sống dựa trên kiến thức liên ngành. Ngoài việc thấu hiểu, đồng cảm, người đọc còn phải có cả khả năng phản biện. Nếu không đủ bản lĩnh, người đọc dễ rơi vào mê hồn trận và hoang mang trước những thông tin thu nạp được từ sách. 

Để những người trẻ còn lạ lẫm với việc đọc sách biết cách đọc sách, biết cách xây dựng văn hóa đọc cho mình, tôi cho rằng, những không gian như đường sách, hội sách cần có thêm những buổi trò chuyện, trao đổi để giúp người trẻ biết cách chọn sách, từ đó kích thích thói quen đọc sách. Bên cạnh đó, việc hướng dẫn người trẻ đọc sách đúng phương pháp cũng quan trọng không kém.

* Theo ông, làm sao để thu hút người trẻ đến với các sự kiện liên quan đến sách và văn hóa đọc? 
- Khi giới trẻ đang có quá nhiều phương tiện giải trí hiện đại khác thì việc thu hút họ đến với các sự kiện văn hóa đọc không thể chỉ là những lời kêu gọi suông. Phải tạo được một hệ sinh thái đa dạng ở từng không gian, sự kiện văn hóa đọc. Từng hoạt động phải thực sự hấp dẫn, sinh động mới có thể thu hút người trẻ, khiến họ thích thú tham gia. 
* Xin cảm ơn ông. 

Gia Minh (thực hiện)

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI