Chị nhận được một lời đề nghị “chát bứ” không thua gì ngụm trà mới uống, rằng công ty cho chị tạm nghỉ việc để dàn xếp gia đình, khi nào ổn, chị hẵng trở lại làm (nếu thời điểm đó công ty vẫn thiếu người). Không biết đây là cánh cửa thứ bao nhiêu đã mở ra rồi khép lại trong đời chị.
Do chồng ghen vô cớ, chị gặp người đàn ông nào cũng bị soi, chị làm việc ở đâu có đồng nghiệp nam cũng bị chồng ngờ vực, rồi đến công ty gây hấn, kêu tên các đồng nghiệp nam và đòi gặp để hỏi cho ra lẽ.
Sống nép mình để tránh đòn ghen
Với những ông chồng có máu ghen thì chẳng hiểu “cái lẽ” đó là gì, khi người vợ đã cắt trụi tất cả mối quan hệ để tránh cho chồng cơ hội nghi vấn, mà cũng chẳng được yên thân.
|
Nhiều chị em không ngẩng mặt nổi với đời khi lấy phải chồng có máu ghen. Ảnh minh họa |
Có ông quái đến mức cấm vợ đi chợ mua rau, vì cho rằng vợ mê thằng cha bán rau. “Sao không đi siêu thị mua mà cứ nhè thằng cha bán rau ở chợ mà mua?”. Chán ngấy trò ghen tuông cũ rích, nhưng nếu không nói thì chồng kết tội “khinh địch”, vợ chỉ đáp gọn: “Mua chợ, đi buổi trưa giá mới rẻ”.
Nếu diễn giải ra rằng chồng lo ăn nhậu, tiền công thợ hồ bữa đực bữa cái, lại thêm nuôi hai con, tiền nhà trọ ngày càng tăng cao, phải “liệu cơm gắp mắm”… thì có khi vợ khó tránh được đòn.
Trong những vụ việc mà chúng tôi hỗ trợ pháp lý, dù là ly hôn, tranh chấp tài sản khi ly hôn, hay tranh chấp quyền nuôi con… vẫn thấp thoáng đâu đấy bóng ma bạo lực mà nguyên nhân mấu chốt là ghen tuông, độc đoán. Bạo lực nhắm tới thể chất, kinh tế, tinh thần, tình dục… đẩy bạn đời đến ngã ba đường của lộ trình hôn nhân ngắn ngủi, tiến thoái lưỡng nan.
Người vợ không còn cuộc sống đúng nghĩa với tự do tận hưởng, với đam mê bay bổng, với những mối quan hệ quý giá của mình khi bị chồng phong tỏa - cô lập và chặt đứt các mối dây liên kết. Trước mắt, người chồng sẽ có được điều mình muốn, bởi chắc chắn vợ sẽ ngại bước ra để tránh những xung đột, mất mát không đáng có của gia đình, để chứng minh mình hoàn toàn đoan chính, “hy sinh vì chồng mình chứ có phải ai đâu mà thiệt”. Lẽ khác, không ai thích tiếp cận người phụ nữ có chồng ghen tuông, chuốc họa vào thân có ngày.
Người vợ như con chim thèm bay vút lên trời xanh, bỗng bị chặt đôi cánh, thành con gà què lầm lũi, buồn tủi nơi xó bếp. Người chồng an tâm và khoái trá khi vợ đã chịu phép, nhưng một khi vợ vùng lên mạnh mẽ, sẽ làm chồng chấn động. Sự giật mình, lo sợ ấy, khiến chồng càng điên cuồng kiểm soát, nhất là tìm cho ra những ai đã tác động đến mức vợ mình phải vùng dậy chống trả.
Đã không còn niềm kiêu hãnh ban đầu rằng có yêu thì chồng mới ghen, có xót vợ cực khổ, chồng mới bắt nghỉ làm, ở nhà chồng nuôi. Nếu ngột ngạt đến không thể chịu nổi, tình yêu thuở ban đầu đã bị bóp chết theo thời gian và sự quản thúc vô lý, người vợ có ý định ly hôn thì phải đối mặt hàng loạt thử thách.
Ở tuổi trung niên, không nghề nghiệp, không công việc, không vốn liếng, người phụ nữ bước khỏi hôn nhân rồi sẽ kiếm sống như thế nào? Không có thu nhập làm sao giành được quyền nuôi con ở tòa? Mà nếu giành được thì làm sao lo nổi cho con ăn ở, học hành? Biết dựa vào ai giúp mình, vì các mối quan hệ từ lâu đã không được nuôi dưỡng. Người phụ nữ thụ động, lạc hậu, mất phương hướng, chẳng biết bay về đâu nếu một mai được “tháo cũi sổ lồng”.
Bay đi tìm tự do, bạn không đơn độc...
Những khó khăn đó ở người vợ yếu đuối, người chồng “nhìn xa trông rộng” từ lâu đã dựng lên để khống chế vợ, dìm ý chí giải thoát tất yếu vào một ngày không đẹp trời nào đó. Kết thúc hay là bước tiếp? Người phụ nữ thường không dứt khoát và cũng không đưa ra giải pháp cụ thể, mạnh mẽ để kiến thiết cuộc hôn nhân. Khi đó, duy trì cuộc sống chung chẳng khác chi gia hạn chiến dịch “phong tỏa” của ông chồng phát xít.
Thậm chí có người vợ tù mù đến nỗi cho rằng chồng không chịu ký đơn ly hôn là suốt đời mình phải đeo gông, không biết đến quyền yêu cầu đơn phương ly hôn. Có chị chịu đựng suốt tháng năm dài, không dám nộp đơn, sợ mang tiếng bỏ chồng, ráng hy sinh vì con, “mình khổ nhiều rồi, cố chịu thêm cho con được gần mẹ gần cha”.
|
Kẻ mắc chứng cuồng ghen thường có trí tưởng tượng phong phú đến ngạc nhiên. Ảnh minh họa |
Người hung bạo cứ lấn tới, “tức nước vỡ bờ”, chị định kết thúc hôn nhân. Tuy nhiên, chồng đem giấu con, gây áp lực để chị đừng ly hôn, chị rầu lo, uất ức dồn nén thành trầm cảm. Đến khi gia đình đưa được con về, chị không còn biết mừng, và trong đầu luôn sẵn ý nghĩ tiêu cực. Chị mong dành cho con những gì tốt nhất, nhưng cuối cùng người chịu mất mát, tổn thương nhất vẫn là đứa con bé bỏng của chị.
Nhiều phụ nữ sau khi tìm đến các tổ chức xã hội, đặc biệt là Hội Phụ nữ, được trợ giúp pháp lý, nâng đỡ tinh thần đã không còn hoang mang, rối bời giữa hai dòng nước. Họ hiểu mình cần gì, họ bắt đầu tin vào một cuộc sống tự quyết, không lệ thuộc và mạnh dạn nắm bắt cơ hội thay đổi. Các chị được tạo điều kiện học nghề, tìm việc làm phù hợp và có thu nhập ổn định. Được tập huấn, trang bị kiến thức, các kỹ năng cần thiết.
Nếu thực sự không còn tình cảm và muốn ly hôn, có nguyện vọng được nuôi con, người phụ nữ sẽ được các cán bộ hội phụ nữ, các luật sư… hướng dẫn thủ tục, thu thập chứng cứ, bảo vệ các quyền lợi chính đáng. Chẳng hạn xác nhận người phụ nữ trước đây vốn có năng lực lao động, có công việc và vị trí tốt, nhưng do chồng ghen đến quậy nên vợ mất việc.
Người phụ nữ được biết quyền lợi về tài sản vẫn được bảo đảm dù ở nhà nội trợ, lao động trong gia đình, không trực tiếp tạo thu nhập. Người phụ nữ vững vàng hơn trong việc giành quyền trực tiếp nuôi con: chứng minh với thu nhập, kiến thức, tình yêu thương và trách nhiệm, mẹ có thể nuôi con tốt; còn cha có những hành vi bạo lực thì không phải là lựa chọn tối ưu để trực tiếp nuôi dưỡng, giáo dục trẻ…
Các bạn gái khi tìm hiểu đối phương và bước vào ngưỡng cửa hôn nhân cần trang bị hiểu biết về một tình yêu đích thực và kỹ năng tự bảo vệ mình, có giải pháp tích cực khi quyền lợi của mình bị xâm phạm. “Ghen” chỉ là một từ vay mượn của sự ích kỷ, độc tài, là tử thần của hôn nhân. Chồng yêu vợ thì phải làm cho vợ luôn vui vẻ, hạnh phúc mới đủ sức đi đường dài với nhau.
Một người chồng “xài được” sẽ hiểu điều tối thiểu rằng mối quan hệ của vợ với gia đình ruột thịt, với họ hàng, với đồng nghiệp, với xã hội… chính là “tài sản” của gia đình mình. Mối quan hệ ấy càng phong phú, càng giàu có, càng tốt đẹp, sẽ đem đến cho người vợ (và cho gia đình mình) tiền bạc, kiến thức, kinh nghiệm sống quý báu để vun đắp cho mái ấm nhỏ.
|
Cắn răng cam chịu, hay toan tính tìm đường tự do? Ảnh minh họa |
Vì thế, người chồng càng được hưởng lợi. Canh chừng kẻ thứ ba len vào mái ấm ở chừng mực nào đó, để bạn đời còn thấy mình đang được yêu thương, che chở chứ không phải kẻ thù.
Các cô vợ trẻ thiếu kinh nghiệm phản ứng ở hai thái cực: hoặc hy sinh, cắn răng cam chịu, không chia sẻ, tố giác khi chồng ghen thái quá, gây bạo lực; hoặc xung đột căng thẳng, thách thức, kể lể bêu xấu chồng khiến nhiều người nhúng tay vào đẩy câu chuyện đi xa mất kiểm soát. Trường hợp chồng đến độ ghen hoang tưởng bệnh lý thì phải phối hợp với gia đình đưa đi khám, điều trị chuyên khoa.
Bản thân tôi là người đam mê công tác xã hội, có khi phải đi suốt để tìm hiểu vụ việc, tiếp cận mọi giới, mọi lứa tuổi ở TP.HCM và nhiều nơi xa xôi, nếu chồng không hiểu, sẽ có “chiến sự” liên miên.
Tôi không để mặc chồng với những câu hỏi quẩn quanh trong đầu, mà giải thích cho anh ấy hiểu công việc mình đang làm, và các mảnh đời đang cần trợ giúp. Ông xã chỉ nhắc tôi liệu sức khỏe mà làm, vì đã không còn trẻ. Trò chuyện, lắng nghe sẽ giúp vợ chồng hiểu nhau hơn, và dù có mâu thuẫn, hiểu lầm cũng phải giải tỏa trên nguyên tắc tôn trọng, ôn hòa, nhẫn nhịn.
Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ (Đoàn Luật sư TP.HCM)
(Tô Diệu Hiền ghi)