Tận cùng trách nhiệm

12/11/2015 - 09:19

PNO - Phải chăng các vị có chức trách ở Bộ GD-ĐT đã suy nghĩ thấu đáo đến tận cùng trách nhiệm trồng người?

Dư luận đang nổi sóng chuyện bản Dự thảo Chương trình Giáo dục phổ thông tổng thể (gọi tắt là dự thảo) do Bộ GD&ĐT gửi đến các trường phổ thông trong cả nước để lấy ý kiến góp ý, đích đến là tích hợp môn lịch sử với môn giáo dục công dân và an ninh - quốc phòng thành môn công dân với Tổ quốc.

Tan cung trach nhiem
Ảnh mang tính minh họa - Nguồn: Internet

Ở đây, xin đừng chơi chữ, đừng bày trò uyển ngữ. Tích hợp là xé ra, nhập vào, nghĩa là còn đó nhưng không còn, bóng thì có, hình thì không. Đúng là “bỗng nghe sét đánh ngang tai”.

Biết rằng không phải môn lịch sử sẽ bị bỏ đi, nhưng cảm giác như nó đang bị “thủ tiêu” vậy. Xem nhẹ lịch sử tựa như hất đổ quá khứ, cắt đứt mạch máu muôn đời chảy trong từng thớ đất, trí não vô hình lẫn hữu hình.

Người Hy Lạp từng nói “ Lịch sử là cô giáo cuộc đời”. Sinh thời, cụ Huỳnh Thúc Kháng khi lo lắng với trào tân học, ai cũng bàn chuyện Âu-Mỹ mà bỏ quên non nước mình, ông đã đăng đàn nói về chuyện cần thiết của việc học sử, địa: “Học sử làm gì? Học sử để sống với người đã chết”.

Những người soạn đề án trên, phải chăng xuất phát từ việc môn sử làm học trò chán ngán? Thưa, đúng là đọc sách sử ngày nay sẽ chán và ngán tận cổ vì những con số và nhận định khô khan.

Lẽ ra dạy lịch sử là kể lại câu chuyện bằng dư vang của máu, nước mắt, âm mưu, toan tính, cả những nỗi niềm, sự kiện ngoài chính sử, thì người ta lại cứ áp vào chuyện chính trị-quân sự, mà không hề giảng dạy bằng một điều tối thượng: lịch sử là câu chuyện của quốc gia, dân tộc, thậm chí con người cụ thể. Ở một góc độ khác - có vẻ tiêu cực, việc soạn lại sách, tích hợp này kia sẽ có tiền.

Nhiều học sinh lớp 9, thậm chí cấp III không rành Hoàng Sa, Trường Sa ở tỉnh nào, của ai. Pa nô, áp phích, băng-rôn đem đi quảng bá xứ người, thậm chí đến sách giáo khoa cũng bỏ quên Hoàng Sa, Trường Sa.

Dư luận chỉ trích thì nói là sai sót. Thưa, ấy là do dốt và coi thường lịch sử. Lỗi không chỉ ở họ, mà ở Bộ GD-ĐT. Tư duy giáo dục kiểu đó, các công dân tương lai trong buổi toàn cầu hóa, trước câu hỏi của người ta, rằng hãy nói về đất nước anh cho tôi nghe, coi chừng nhớ lộn qua Trung Quốc, Hàn Quốc.

Hết sử qua văn, nhưng lại liên quan mật thiết với sử, là một ngày đẹp trời, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã cho in trong sách Ngữ văn lớp 7 bản dịch mới bài “Sông núi nước Nam”, tương truyền của Lý Thường Kiệt. Ấy là một bản dịch khá xa lạ.

Từ trước đến nay, bài thơ này được dịch là: “Sông núi nước Nam vua Nam ở - Rành rành định phận tại sách trời - Cớ sao lũ giặc sang xâm phạm - Chúng bay sẽ bị đánh tơi bời”, thì nay ở trang 62, quyển sách nói trên in bản dịch như sau: “Sông núi nước Nam vua Nam ở - Vằng vặc sách trời chia xứ sở - Giặc dữ cớ sao phạm đến đây - Chúng mày nhất định phải tan vỡ”.

Bài thơ này, được xem là bản tuyên ngôn độc lập bằng thơ đầu tiên của nước ta. Bản dịch lâu nay vang vọng như lời hịch, như tráng sĩ đứng tấn ở cửa ải chiến lược khẳng định chủ quyền trời Nam. Giờ không biết sao lại đem đổi khác đi. Sách này được phát hành vào tháng 8/2015.

Thay vì cứ dùng “rành rành” và “đánh tơi bời”, mà nguyên tác là “tiệt nhiên” và “thủ bại hư” như những cái ghim giữ bài thơ lại với thời gian, mà hàm ngôn của nó như những chiếc cọc đóng xuống khẳng định chủ quyền, cương thổ và bản lĩnh người Việt, thì các bản dịch mới lại… mơ màng thành “vằng vặc” và “tan vỡ” như một hiện tượng.

Ông Đỗ Ngọc Thống - Phó Vụ trưởng Vụ giáo dục Trung học - Bộ GD&ĐT, một trong những người biên tập cuốn sách biện giải: “Từ ngữ của bài thơ không giống như trước, nhưng ý nghĩa của bài thơ không có gì thay đổi. Khi phát hành sách đã có các nhà thẩm định rồi, nên không sai được”. (Ông Thống không phải là tác giả bản dịch - PV)

Tan cung trach nhiem
Bản dịch mới của bài Nam quốc Sơn Hà - Ảnh: giaoduc.net

Vâng, bản dịch mới không sai. Nhưng, nó có vẻ đã làm mất đi khẩu khí hào hùng của bản dịch cũ - biết bao thế hệ đã được học, thuộc nằm lòng, thậm chí tâm khảm còn tưởng tượng hình ảnh vị anh hùng dân tộc Lý Thường Kiệt oai nghiêm cất giọng đọc sang sảng bản tuyên ngôn bằng thơ ấy bên sông Như Nguyệt.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI