'Tấn công' hay 'phòng thủ'?

17/01/2015 - 07:04

PNO - PN - Trong đời sống hôn nhân, có nhiều tình huống xảy ra khiến vợ chồng đang yên đang lành bỗng “xù lông” với nhau, hoặc không có nhu cầu giao tiếp nữa. Đó là những cách họ chọn để “tấn công” hay “phòng thủ” với bạn đời.

edf40wrjww2tblPage:Content

Buộc tội để “tấn công”

Vừa nghe tiếng xe của chồng về, vợ mở cửa, quay mặt đi vào trong nhà.

Chồng (hớn hở): Sao không hỏi thăm người ta lấy một tiếng? Đi vào trong kia làm gì đấy?

Vợ (mặt lạnh như tiền): Anh nhìn đồng hồ xem mấy giờ rồi?

Chồng (tỉnh bơ): 10 giờ. Sao vậy em?

Vợ (nổi đóa): Ngây thơ quá ha? 10 giờ đêm rồi đấy, anh biết không? Anh đúng là người chồng vô trách nhiệm.

Chồng (mặt bỗng nhiên đỏ bừng): Em thật là quá quắt!

Vợ (điên tiết): Anh… Anh mới là kẻ quá quắt! Có chồng như anh thà tôi ở vậy  còn hơn!

Chồng: Cô có thôi đi không? Đúng là cái loa rè!

'Tan cong' hay 'phong thu'?

Im lặng để “phòng thủ”

Vợ: Đã về muộn, còn nói tôi quá quắt, “loa rè”! Ngày nào tôi nhờ anh đón con, anh cũng nói bận. Tôi dặn anh về nhà ăn cơm đúng giờ kẻo mẹ con tôi mong, anh “ừ” nghe ngọt lắm, vậy mà bây giờ mới mò về. Tôi nói anh đi đâu về muộn nhắn cho tôi một tiếng, vậy mà anh… Anh kiểm tra điện thoại xem tôi gọi cho anh bao nhiêu cuộc?

Chồng (định lôi điện thoại ra kiểm tra nhưng lại cất ngay, không  thèm nhìn).

Vợ (có vẻ hơi chùng xuống sau khi đã “thổ lộ” hết nỗi lòng): Tất cả có đến chục cuộc gọi đấy. (Tiến đến gần chồng, thoáng chút ngạc nhiên vì không nghe thấy mùi bia rượu). Thế có chuyện gì mà anh về

muộn vậy?

Chồng (đi vào phòng thay đồ): Không có gì.

Vợ (đi theo): Không có gì là sao? Có chuyện gì mà anh về muộn? Không phải anh đi nhậu với bạn à? Thế anh đi đâu? Làm gì?

Chồng (uể oải vào bếp lục cơm nguội).

Vợ (bắt đầu thấy bực mình trở lại): Để đó tôi hâm lại thức ăn đã, nhưng anh phải nói cho tôi lý do anh về muộn chứ. Anh khinh tôi vừa vừa thôi. Hay là anh cặp kè với con nào, giờ không biết giải thích sao nên im lặng?

Chồng (buông bát đũa đứng dậy, đi vào phòng ngủ).

Vợ (hậm hực đi theo chồng vào phòng, quyết hỏi cho ra lẽ).

Nên chọn cách nào?

Trong đoạn đối thoại trên, rõ ràng người chồng bị vợ “tấn công”, bởi lẽ cô vợ là người nắm thế chủ động, là người mang tâm lý “không làm gì sai” nên có quyền chất vấn, buộc tội đối phương. Cuối cùng, cô lại rơi vào thế bị động trước đòn “phản pháo” khó chịu của người chồng. Nhưng ai đúng, ai sai? Câu trả lời chắc ai cũng rõ. Khi kết thúc cuộc thoại là tâm trạng bức bối, chán nản, mệt mỏi thì “tấn công” hay “phòng thủ” như trên đều là “hạ sách”.

Trong bóng đá, người ta hay nói câu: “Tấn công là cách phòng thủ tốt nhất”. Và không ít người đã “vô tình” áp dụng nó vào đời sống hôn nhân. Đối với người bị “tấn công” bất ngờ, phản ứng ban đầu thường không phải là chấp nhận “lời buộc tội” mà là “tấn công ngược” để “phòng ngự”. Nếu không bình tĩnh, hai bên sẽ “tấn công” nhau cho đến khi cả hai đều bị tổn thương.

Người ta hay khuyên, khi tranh cãi nên giữ bình tĩnh. Nếu làm được như vậy quá hay ho rồi. Hiếm ai đang hăng mà bảo người kia dừng lại chút để em (anh) đi uống cốc nước cho “hạ hỏa”; hay dùng kế “hoãn binh” bằng cách “Anh (em) muốn ra ngoài chút, lát nữa nói chuyện tiếp”. Thể nào người kia cũng giãy nảy mà rằng “Anh (em) đứng lại đó, phải nói chuyện cho ra lẽ, rồi muốn đi đâu thì đi”. Cái phiền phức ở đây là khi mất bình tĩnh người ta mới hay tranh cãi và to tiếng.

Quan trọng là phải xác định được điểm bắt đầu phù hợp cho cuộc giao tiếp. Ở đây, cô vợ nên bắt đầu bằng mệnh đề “tôi”, tức không nói theo kiểu tấn công buộc tội “đối phương” (Tại sao anh thế này? Tại sao anh thế kia?) mà nên bộc lộ cảm xúc, quan điểm cá nhân (“Em cảm thấy…”). Thay vì nói “Anh là người chồng vô trách nhiệm” (vì luôn đi làm về trễ, la cà nhậu nhẹt, chẳng quan tâm tới vợ con) thì nói “Em cảm thấy rất buồn khi ngày nào cũng đợi anh về” hay “Em lo lắng khi anh về muộn mà không nhắn cho mẹ con em một tiếng”. Mục đích là để chồng hiểu được cảm xúc của mình, đặt mình vào vị trí của vợ và không có cảm giác mình đang bị tấn công bị buộc tội.

Người ta cũng khuyên là nên lắng nghe vợ (chồng) khi người đó đang nói, hỏi hay tâm sự. Tuy nhiên, lắng nghe khác với im lặng. Ông chồng ở trên chọn cách im lặng để “phòng thủ” (cũng có thể xem là cách “tấn công” độc đáo) đối với cô vợ. Anh ta không muốn nói nhiều về vấn đề đó nữa trong khi cô vợ thì ngược lại.

Cách hay trong lúc “cơm đang sôi” là nên “nhỏ lửa”. Quan trọng là đừng tị nạnh nhau, đừng đặt lên bàn cân đúng sai để phán xét xem ai mới là người “nhỏ lửa”. Trong trường hợp trên, có lẽ bạn sẽ nói ông chồng kia rắc rối, có gì thì nói thẳng ra, im lặng chỉ khiến bà vợ thêm điên tiết đến tội nghiệp. Tuy nhiên, người chồng, với bản chất của đàn ông, họ không thích tỏ ra yếu đuối, lằng nhằng. Còn người vợ, khi chồng mình đã không muốn giao tiếp thì cũng nên cho chồng thời gian, tránh soi mói, thúc ép.

Sự thấu hiểu là cần thiết trong mỗi cuộc đối thoại vợ chồng. Đôi khi, để có thể thấu hiểu, cần phải kiên nhẫn.

 VŨ HOÀI

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI