edf40wrjww2tblPage:Content
Một ngày cuối tháng 10/2013. Chuông báo thức ngân vang. Đã 4 giờ sáng. Như thường lệ, giờ này không chờ báo thức ông cũng đã dậy nhưng hôm nay sao ông thấy người trĩu nặng. Nghe tiếng dép khẽ nhẹ của bà đến bên cửa sổ, ông gắng sức từ từ ngồi dậy. “Chà! Sao thế này?” - ông lo lắng nghĩ - “Bài viết về góp ý sửa đổi Hiến pháp vẫn chưa xong…”. Đôi tay gầy của ông cố vịn vào thành giường, bà nhìn ông lo lắng: “Ông mệt thì nằm nghỉ. Để tôi lấy nước cho ông”. Ông không thể uống hết ly nước bà đưa. Tim ông như thể bị bóp nghẹt. Ông hiểu, mình không thể cố sức để làm việc như bình thường - ngồi vào bàn và viết cho đến 7 giờ, khi bà đã chuẩn bị xong bữa sáng, rồi sau đó sẽ tiếp tục viết nếu không có lịch đi dự các hội thảo, hội nghị.
Trên bàn, trong chiếc cặp da đã cũ, có những bài viết còn dang dở. Ông lấy một bài viết, nằm xuống đọc lại chậm rãi. Bà đã kéo ghế ngồi sát bên giường ông từ lúc nào. Đó là để mỗi khi ông cần trích dẫn, tra cứu một vấn đề nào đó, bà sẽ nhanh chóng giúp. Bên ngoài trời đã sáng rõ. Ánh mặt trời đỏ rực hửng lên ngoài khung cửa. Anh Trần Trọng Châu, con trai trưởng của ông bồn chồn lo lắng. Cần phải đưa ông vào bệnh viện gấp. Không chỉ là bệnh suyễn mạn tính, bệnh tiểu đường đang diễn biến không tốt, ông còn bị viêm phế quản nặng…
Và từ buổi sáng hôm ấy, ông thường xuyên phải nằm trong bệnh viện. Dạo sau này, ông yếu hẳn. Mỗi lần vào thăm ông, chúng tôi lại thấy nao lòng. Thế nhưng, bệnh tật không làm cho ông ngừng suy nghĩ. Nằm ở bệnh viện, ông vẫn canh cánh những vấn đề thời cuộc. Trí óc của ông vẫn vô cùng mẫn tiệp.
Anh Trần Trọng Dũng, con trai ông kể: Đêm 29/7/2014, ông yếu lắm rồi, không thể tự thở được. Các bác sĩ Bệnh viện Thống Nhất đã báo cho gia đình tình hình của ông. Ông ra hiệu cho con trai đến bên, rồi gắng sức nói trong khó nhọc: Ba đang nghĩ đến hai điều. Anh Dũng lắng nghe ông từng từ: “Một-là-vấn-đề-dân-chủ-trong-điều-kiện-Đảng-cầm-quyền-và-hai-là-làm-thế-nào-để-nâng-cao-đạo-đức-cách-mạng, chống-chủ-nghĩa-cá-nhân-trong-cán-bộ-đảng-viên..”. Thương cha, anh Dũng chỉ biết “dạ” để ông yên lòng…
Nguyên Phó bí thư thành ủy TP.HCM Trần Trọng Tân và thiếu nhi TP.HCM
Ông sinh ngày 15/10/1926 tại thôn Tân Mỹ, tổng Cam Vũ, xã Cam Thành, huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị. Ngay từ tuổi học sinh, với bầu nhiệt huyết yêu nước, ông đã tham gia cách mạng và trở thành Bí thư Tỉnh ủy Quảng Trị khi vừa 24 tuổi. Ông đã được thử thách, rèn luyện và trưởng thành qua đấu tranh cách mạng gian khổ, khốc liệt, trong thời kỳ hoạt động bí mật tại nội thành Sài Gòn, những năm ở tù tại Côn Đảo cũng như trong những giai đoạn cách mạng đầy gian khó sau giải phóng miền Nam thống nhất đất nước 1975, cả nước tiến hành xây dựng chủ nghĩa xã hội, thực hiện công cuộc đổi mới...
Cuộc đời của ông là một bằng chứng rất rõ cho thấy con người sống phải có lý tưởng, khát khao cống hiến vì lý tưởng. Chính nhờ lý tưởng dẫn dắt mà con người đủ sức mạnh vượt qua mọi khó khăn và thử thách. Lý tưởng cộng sản chiếm trọn trái tim và trí tuệ của ông. Ông là người hạnh phúc bởi ông có niềm tin vào một lý tưởng, được sống trọn vẹn với lý tưởng, được làm và làm được những điều mình yêu thích để mang lại niềm vui cho nhiều người. Ông tin vào lý tưởng, sống hết mình vì lý tưởng và hạnh phúc vì điều đó, bởi lẽ lý tưởng ấy không chỉ gắn với riêng ông mà còn gắn với tương lai cả dân tộc.
3. Nếu chỉ nhìn vào những năm cuối đời của ông, nhiều người thấy ông thật viên mãn, nhưng nếu biết về ông sẽ thấy thực sự ông đã trải những khúc quanh đầy thử thách. Đã rất nhiều lần chúng tôi tự hỏi: vì sao con người như ông luôn giữ được thái độ bình tĩnh ngay cả khi đứng trước những cơn sóng thật dữ dội? Cách nhìn vấn đề độ lượng, luôn thấy cái thiện, cái đẹp trong mọi mặt của cuộc sống ở ông nói lên điều gì, nếu không phải trước hết đó là tấm lòng nhân hậu.
Nhưng ngoài lý do ông có một trái tim tràn đầy nhân hậu, rộng lượng, có lẽ ông lớn hơn nhiều những gì chúng tôi nhìn thấy. Lúc nào ông cũng giữ được vẻ an nhiên tự tại. Ông luôn giữ sự độc lập về tinh thần, không phụ thuộc vào những khen chê của người khác, lắng nghe những ý kiến trái chiều, những việc người ta nói này nọ, kể cả điều đó không đúng. Nếu nói tầm vóc của một người thể hiện rõ qua tầm nhìn của người ấy thì điều đó rất đúng với ông. Đó là một con người có đầu óc khai phóng, mở rộng tầm nhìn. Nhìn xa trông rộng, ông đã thấy trước rất nhiều vấn đề mà ông bảo “phải suy nghĩ kỹ”.
Với các cán bộ trẻ, khi được gặp, làm việc cùng ông, bao giờ ông cũng để lại trong họ niềm kính trọng và lòng tin sâu sắc. Càng làm việc gần ông, đọc ông, càng cảm nhận rõ sự giản dị mà thanh cao, sự nhẹ nhàng mà thâm trầm sâu sắc, thái độ ứng xử lịch thiệp nhưng rất rõ ràng, nguyên tắc trong con người ông. Ấy là phong thái, cốt cách của một bậc thức giả, nhà chính trị, nhà lý luận, nhà báo luôn thể hiện tầm nhìn một cách thật bản lĩnh và trí tuệ. Thường trong các cuộc họp, trao đổi, ông nói năng cân nhắc, từ tốn, luôn lắng nghe người khác và khi được mời thì mới nói.
Chưa bao giờ chúng tôi thấy ông cắt ngang bất cứ người nào, cho dù đó là những ý kiến rất trái chiều với ông. Khi nói, ông trình bày rất đầy đủ, khúc chiết. Khi tranh luận, thái độ của ông rất ôn hòa nhưng cương quyết giữ vững lập trường nếu thấy mình đúng. Nhiều cán bộ Ban Tuyên giáo Thành ủy vẫn thường nói với nhau về niềm vui, tình thương yêu ấm áp được gần gũi với một người đã hòa quyện giữa tính cách của một trí thức lớn với phẩm chất của một chiến sĩ cách mạng trọn đời vì lý tưởng cộng sản.
HỒNG QUÂN
Bà Thân Thị Thư, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM: Với tôi, chú Hai Tân là một trong những tấm gương lớn. Mãi mãi chúng tôi, những người làm công tác tuyên giáo của Đảng bộ TP.HCM sẽ nhớ tới đồng chí Trần Trọng Tân, một bậc lão thành cách mạng đã có những đóng góp to lớn cho sự nghiệp tuyên giáo của Đảng. Chúng tôi luôn noi gương chú Hai Tân phấn đấu hết sức mình để nâng cao tính chiến đấu, tính thuyết phục trong công tác tuyên giáo vô cùng khó khăn hiện nay. Bài học lớn nhất của chú Hai Tân với tôi là: những người làm công tác tuyên giáo phải luôn kiên định mục tiêu lý tưởng cách mạng, tư tưởng gắn với hành động, nói đi đôi với làm; chủ động trong công tác tư tưởng. Cán bộ tuyên giáo phải thật sự là những người truyền lửa, truyền tình cảm cách mạng, truyền niềm tin và lý tưởng cộng sản cho quần chúng nhân dân. Muốn truyền niềm tin ấy, để thuyết phục mọi người, đội ngũ cán bộ tuyên giáo phải không ngừng học tập, học mọi nơi, mọi lúc để nâng cao tri thức, bản lĩnh chính trị. Chúng tôi sẽ nhớ mãi lời chú Hai Tân thường nhắc: căn cốt của việc chỉnh đốn Đảng là chỉnh đốn lại đội ngũ cán bộ, đảng viên, làm trong sạch Đảng, trong sạch bộ máy Nhà nước, lấy lại và giữ được lòng tin của nhân dân... |