PNO - Biết nói thế nào cho đủ đầy về Vương Gia Vệ, Lương Triều Vỹ, Trương Mạn Ngọc khi ba cái tên này đứng cạnh nhau trong một siêu phẩm điện ảnh, bộ phim "Tâm trạng khi yêu" (tựa tiếng Anh: "In the mood for love") - một tác phẩm kinh điển của điện ảnh châu Á năm 2000.
Đã hơn 20 năm trôi qua, tiếng tăm và sự ảnh hưởng của họ vẫn chưa giảm bớt, chuyện tình yêu của họ trên phim lẫn ngoài đời vẫn còn được bàn tán.
Tình yêu của hai tâm hồn cô đơn
Hẳn ai cũng biết Tâm trạng khi yêu là một bộ phim về đề tài ngoại tình. Điều khiến nhiều người thắc mắc là tại sao đề tài này vẫn được đông đảo khán giả đồng cảm và ủng hộ đến vậy. Phim nói về tình yêu của hai tâm hồn cô đơn. Trong một không gian bàng bạc, những con người trót vướng vào lưới tình không lối thoát và sắc đỏ xuyên suốt phim dường như là dụng ý nghệ thuật của đạo diễn Vương Gia Vệ - chỉ tâm trạng của những người yêu nhau.
Phim là câu chuyện tình yêu, chính xác hơn là một mối quan hệ hơn cả tình yêu của Chu Mộ Văn và người phụ nữ mang họ chồng - bà Trần. Cũng chẳng có gì to tát khi họ tình cờ là hàng xóm của nhau trong một khu tái định cư tại Hồng Kông. Họ dọn đến cùng một ngày. Họ có vài lần vô tình lướt ngang đời nhau như bao người trên đời này. Nhưng, có vài chuyện xảy ra trong đời họ, như mối duyên đẩy họ đến với nhau. Một cái cầu thang hẹp đầy ẩn ý; những bà hàng xóm lắm lời và đặc biệt là mối quan hệ mờ ám của vợ, của chồng họ - những con người lẩn khuất đâu đó như tác nhân đẩy họ đến với nhau.
Tình yêu ư? Có tình yêu không giữa hai con người đã có gia đình? Phim về đề tài ngoại tình thực sự luôn thu hút người xem. Họ tìm thấy ở đó những điều họ không có, không dám chạm đến hoặc đã từng? Tâm trạng khi yêu có lẽ cũng thế. Nhiều bước ngoặt vô tình đẩy các nhân vật đến một tình yêu day dứt không lối thoát.
Phim như những bước chân đều đều, chầm chậm, không kịch tính, không cao trào, cũng chẳng có những nút thắt gỡ đánh đố người xem. Tuy nhiên, sự êm đềm đó dường như chính là cao trào của một tình yêu. Nó như che giấu một bí mật nhưng rồi mọi thứ lại hiển hiện ra xung quanh. Tình yêu mà, dễ gì giấu được, dù họ đã cố kìm nén, đã cố bâng quơ, đã cố thốt ra những câu nói trống rỗng.
Khi ra mắt tại Cannes, Tâm trạng khi yêu đánh gục những khán giả châu Âu khó tính và cầu kỳ. Giá trị văn hóa phương Đông được khắc họa chân thực nhất qua mối tình giữa Chu Mộ Văn và bà Trần. Một chuyện tình lãng mạn, chỉ qua vài lần gặp gỡ, vài lần ngồi bên nhau, vài bữa cơm tối... da diết là thế nhưng chưa bao giờ họ đi quá giới hạn. Họ chạm vào nhau ở một ngưỡng cao hơn hẳn những ám ảnh xác thịt bình thường.
Tạp chí Time Out New York đã chọn Tâm trạng khi yêu là bộ phim hay nhất thập niên
Đỉnh cao của nghệ thuật thị giác
Nói không ngoa, âm nhạc đóng một phần không nhỏ trong thành công của Tâm trạng khi yêu. Những bài hát tiếng Tây Ban Nha do Nat King Cole trình bày như dắt chúng ta quay về không khí Hồng Kông những năm 1960, thời kỳ mà giai điệu Latin rất phổ biến ở đây. Theo Vương Gia Vệ, vì mẹ ông rất yêu thích Nat King Cole khi nghe những ca khúc Latin này phát trên radio, ông muốn đưa những bài hát Latin phổ biến giai đoạn đó của Nat King Cole vào Tâm trạng khi yêu.
Phim của Vương Gia Vệ thường kén người xem nhưng Tâm trạng khi yêu có lẽ là một kiểu biểu đạt khác khiến chúng ta khó dứt ra được. Vương Gia Vệ không chỉ là bậc thầy trong việc chọn diễn viên, âm nhạc trong phim của ông cũng luôn mang đến phép cộng hưởng, đẩy cảm xúc khán giả lên cao trào.Những gì Vương Gia Vệ gửi đến cho chúng ta, từ Trùng Khánh Sâm Lâm đến Đông tà Tây độc... như một thế giới khác biệt hẳn, không màng đến thực tại.
Tâm trạng khi yêu ít thoại và âm nhạc trở thành một lời thoại khác thay cho lời nói của nhân vật, len lỏi vào các thước phim, nhẹ nhàng và đầy chất thơ. Trong cuốn Hai mươi bài học điện ảnh của Laurent Tirard, có phát biểu của Vương Gia Vệ về âm nhạc trong phim của mình: “Hiếm khi tôi đặt làm nhạc cho phim, tôi thấy giao lưu với các nhạc sĩ khó khăn quá. Ngôn ngữ của họ có tính thính giác, ngôn ngữ của tôi có tính thị giác và không thể nào tôi làm cho họ hiểu được điều tôi muốn”. Có lẽ vì thế, đạo diễn tài ba này đã tự nghe, tự lưu những tác phẩm phù hợp với thế giới thị giác của mình từ nhiều năm qua.
Ngoài hai nhân vật chính, ngoài một cốt truyện… không có gì để kể, khán giả còn bị ấn tượng bởi những khung hình. Chẳng phải ngẫu nhiên khi phần lớn cảnh quay trong phim bị đóng khung lại: khung cửa sổ, khung bờ tường, cầu thang và lối hẹp phải lách khi có hai người qua. Hình ảnh hai người đứng nói chuyện trên đường vẫn có những song sắt của cánh cổng đổ bóng đè lên họ. Hình ảnh ấy mới da diết mà đau đớn làm sao! Những bức tường thật gần nhau nhưng chưa bao giờ có một khoảng trống nào dành cho họ. Nhân vật của chúng ta cứ mãi bị kìm nén trong khuôn khổ vừa chật hẹp vừa tù túng đó.
Tạp chí Time Out New York đã chọn Tâm trạng khi yêu là bộ phim hay nhất của thập niên. Chẳng có gì ngạc nhiên khi Lương Triều Vỹ trở thành diễn viên châu Á đầu tiên nhận giải diễn viên nam xuất sắc nhất tại Liên hoan phim Cannes năm 2000.
Khi ra mắt tại Cannes, Tâm trạng khi yêu đánh gục những khán giả châu Âu khó tính và cầu kỳ
Với Tâm trạng khi yêu, vai Chu Mộ Văn gần như không có thoại và hoàn toàn không có thuyết minh để bộc lộ quan điểm nhưng Lương Triều Vỹ đã vượt qua được khó khăn này và hoàn thành xuất sắc vai diễn. Sau đó, Trương Mạn Ngọc giành giải Nữ diễn viên chính xuất sắc của Kim Mã - một giải thưởng danh giá của điện ảnh Hồng Kông. CNN năm 2009 bình chọn Tâm trạng khi yêu là bộ phim châu Á vĩ đại nhất mọi thời đại. Nằm trong top “100 bộ phim được yêu thích nhất thế kỷ” do tạp chí Empire (Anh) bình chọn cũng là một danh hiệu lớn dành cho bộ phim. Ngoài ra, còn rất nhiều bình chọn, đánh giá khác mà hiếm có bộ phim châu Á nào có thể đạt được.
Có lẽ các nhà phê bình phim cũng đều biết, góp phần làm nên thành công của phim, ngoài tên tuổi của Vương Gia Vệ chắc chắn phải là dấu ấn cá nhân của tài tử Lương Triều Vỹ và minh tinh Trương Mạn Ngọc. Tên tuổi của cả hai chính là bảo chứng cho sự thành công của phòng vé thời điểm đó. Diễn xuất của bộ đôi diễn viên được giới phê bình đánh giá rất cao khi bộ phim vốn có rất ít lời thoại nhưng người xem vẫn nhận ra sự cô đơn, lẻ loi của nhân vật, để rồi chỉ có thể day dứt khi bộ phim kết thúc.
Trong phim là một Trương Mạn Ngọc đài các, thanh lịch trong trang phục truyền thống và một Lương Triều Vỹ lịch sự từ tốn và chừng mực. Ở họ toát ra cốt cách Á Đông và một nếp sống khác xa văn hóa phương Tây. Chính các nhà phê bình điện ảnh phương Tây cũng cảm thấy choáng trước biểu đạt tình ý đỉnh cao của hai diễn viên và những cảnh quay duy mỹ cực độ.
Trailer Tâm trạng khi yêu:
Thời điểm quay Tâm trạng khi yêu được cho là khoảng thời gian hai diễn viên chính phải lòng nhau. Về Trương Mạn Ngọc, Lương Triều Vỹ đã từng phải thốt lên: “Cô ấy là người duy nhất khiến tôi phát điên”. Song gần đây, Trương Mạn Ngọc đã lên tiếng phủ nhận tin đồn tình ái ngày xưa. Hiện tại, Lương Triều Vỹ sống cùng vợ - diễn viên Lưu Gia Linh, sau đám cưới đình đám năm 2008. Còn Trương Mạn Ngọc, sau 22 năm gắn bó với điện ảnh, cô từ giã sự nghiệp và sống một mình, không chồng con, bạn bè.
Có vẻ như sự phải lòng, nếu có, của họ trên phim trường Tâm trạng khi yêu ngày ấy cũng giống câu chuyện tình của ông Chu và bà Trần: cho dù có cùng tâm trạng yêu nhưng không chung không gian và thời gian…