Tam tòng? Quên đi!

15/12/2019 - 09:39

PNO - cha chồng tôi xem giấy khai sinh của con tôi, thì ông làm ầm lên, bảo tôi là phụ nữ phải tam tòng, tứ đức, chỉ khi chồng chết thì con cái mới theo mẹ.

Chồng tôi đi làm giấy khai sinh cho con. Nguyên quán bé, anh định để quê nội, nhưng tìm không ra địa chỉ, do địa danh phân chia, sáp nhập khác xưa, nên chồng tôi chọn để quê ngoại. 

Tam tong? Quen di!
Ảnh minh hoạ

Nhìn giấy khai sinh con, tôi hơi ngạc nhiên, rồi nghĩ, chắc anh có ý làm vậy để tôi vui. Một số người nói không được để vậy, tôi lo lắng, tìm hiểu luật pháp thì được biết “quê quán của cá nhân được xác định theo quê quán của cha hoặc mẹ theo thỏa thuận của cha, mẹ hoặc theo tập quán được ghi trong tờ khai khi đăng ký khai sinh” (khoản 8, điều 4 Luật hộ tịch năm 2014). 

Vậy đó, luật pháp đâu có trọng nam khinh nữ, trọng nội khinh ngoại, trọng cha khinh mẹ, để mà bắt con trẻ nhất nhất mọi thứ phải mang thông tin người cha.

Thế thì tất cả thông tin trong giấy khai sinh của con tôi đều đã đúng pháp luật. Và điều đó cũng là do ý của cha bé làm, chứ tôi nào có ép. 

Nhưng sau khi cha chồng tôi xem giấy khai sinh của con tôi, thì ông làm ầm lên, bảo tôi là phụ nữ phải tam tòng, tứ đức, chỉ khi chồng chết thì con cái mới theo mẹ. Còn bà thì bảo vì tôi có ý muốn chồng làm nguyên quán kiểu đó, nên mới đi tìm hiểu luật pháp. 

Giấy khai sinh không sai luật, sao phải làm lại?

Tam tong? Quen di!
Ảnh minh họa

Tệ hơn, khi chồng tôi đi làm, cha chồng tôi lên đập cửa phòng tôi và mắng ầm lên, khiến bé con đang ngủ khóc thét. Ông bảo nếu tôi không sửa thì ông tống cổ tôi ra khỏi nhà. 

Chồng tôi về, tôi nói tôi đâu có thiết tha ở nhà ông bà, Sài Gòn đâu thiếu chỗ trọ. Có điều, tống cổ tôi đi, thì coi như mẹ con tôi không liên quan gì nhà anh nữa. 

Tôi rất kỵ chuyện đem nhà cửa ra đe dọa người khác. Giữ được người ở lại làm ấm căn nhà mới khó, chứ đuổi nhau đi, làm mất nhau, thì dễ lắm. Chồng tôi năn nỉ tôi thay đổi thông tin giấy khai sinh của bé. Tôi nói, giấy không sai luật, tại sao phải sửa? Anh nói để bé nhớ nguồn cội, tôi bảo, vậy quê ngoại không phải nguồn cội à? Vả lại, việc làm giấy từ đầu là anh làm như thế chứ em đâu có ép. 

Nếu ông bà nói chuyện nhỏ nhẹ, nhờ tôi đi sửa thông tin để ông bà mát mặt với bà con (những người hẳn sẽ chẳng có nhu cầu nhìn giấy khai sinh của con tôi làm gì), hay để có cảm giác được đề cao hơn nhà ngoại, thì có lẽ tôi đã cùng chồng đi sửa rồi. Nhưng ông lại chọn cách quát tháo, bà thì nói một thêm hai, ông thậm chí còn đòi đuổi tôi đi nếu không làm theo ý ông, thì tôi chọn… thây kệ! 

Tam tong? Quen di!
Ảnh minh họa

Làm đúng luật, không việc gì phải sửa. Chỉ khi có cùng sự đồng ý của cả cha và mẹ bé đi sửa thông tin, thì người làm giấy tờ hộ tịch mới được quyền sửa. Còn nếu tôi không đồng ý, thì sẽ không ai được tự ý sửa đổi. 

Ông bà bé, dù là cha mẹ của cha bé đi nữa, thì cũng đâu có quyền gì. Việc bắt ép này chính là sự can thiệp vô lý, bắt tôi phải sửa đổi những thông tin đúng pháp luật quy định, chỉ để hợp ý ông bà. 

Con mình sinh ra, sao lại phải theo ý người khác? Tòng ai cho bằng tòng mình

Ông còn đưa ra cái chuyện tam tòng tứ đức để nói. Đêm chuyện trò với chồng, tôi bảo, anh quên suy nghĩ tam tòng đi nha. Thời này không có tam tòng đâu. Phụ nữ ngày nay chủ động, tự mình tòng mình, theo mình, sống cho đúng cuộc đời của chính mình cũng đủ mệt nhoài rồi. 

Có lẽ, không riêng gì phụ nữ, mà bất cứ ai cũng thế. Mỗi người tự nhìn vào đời mình mà theo, mà bớt đi việc sống bám vào đời người khác, thì xã hội đỡ phức tạp và hạnh phúc biết bao.

Tam tong? Quen di!
Ảnh minh họa

Tại gia tòng phụ? Nếu cha mẹ xứng đáng, con cái nghe theo. Vì con cái có tư duy của con cái, nếu cha mẹ đủ thuyết phục, con cái không có lý do gì để chống đối. Nhưng với một số trường hợp (hy vọng là cực kỳ cá biệt), con cái phải nỗ lực để thoát khỏi cha mẹ, hay cha mẹ bị tước quyền nuôi dạy con cái. 

Còn xuất giá tòng phu? Mối quan hệ vợ chồng thời nay cũng thế, nếu đủ tin yêu, đủ thương quý, thì đủ gắn bó. Còn đứng trong một mối quan hệ làm tổn hại đời mình hay đe dọa tính mạng của mình, mà người phụ nữ vẫn nhất nhất tòng phu, thì… em ơi em ngu lắm!

Hãy chỉ chấp nhận đứng trong một mối quan hệ mà em được thương yêu, được tôn trọng, trên hết là thân thể và tâm hồn của em, chính em, chứ không phải là ai khác. 

Phu tử tòng tử ư? Khoan nói đến cái sự xui xẻo chẳng may người vợ thành góa phụ, mà chỉ nói về chữ “tòng tử”. Liệu con cái có thực sự cần chúng ta theo bám đến hết cuộc đời?

Hãy buông tay cho con bay, hỡi những bậc làm cha mẹ! Chúng ta sinh con ra, có trách nhiệm chăm sóc dưỡng dục chúng, nhưng con cái thực sự là một cá thể tách rời và chỉ có thể trưởng thành khi chúng biết bước ra đời một cách độc lập với sự giám sát của cha mẹ. 

Liệu với những điều như thế, trong thời đại này, tam tòng có còn đúng nữa không? Có còn vì nó mà phải âm thầm chịu đựng bạo hành trong gia đình, một cách vô lý nữa hay không?

Tòng ai cho bằng tòng mình, phụ nữ ơi! 

Thanh Yên

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI