Tâm thư của người mẹ đau đớn xót thương đứa con tự tử: Hãy dạy con về sự tử tế

11/10/2016 - 06:30

PNO - Con trai tôi tự tử ngày 27/4. Bị bạn bè bắt nạt suốt nhiều năm liền đã dần giết chết sự tự tin và lòng tự trọng trong Felix.

Felix Alexander (17 tuổi) đã vĩnh viễn rời bỏ cuộc đời. Cậu từng bị bạn bè ghét bỏ, bắt nạt trên mạng chỉ đơn giản vì họ trông cậu “khó ưa”. Gia đình chuyển trường cho Felix nhưng cú sốc tâm lý quá nặng khiến em đắm chìm trong ám ảnh bị kỳ thị suốt thời gian dài và đã chọn cái chết.

Bà Lucy Alexander, mẹ Felix, vừa có một bức tâm thư xúc động sau sáu tháng con mình ra đi:

Tam thu cua nguoi me dau don xot thuong dua con tu tu: Hay day con ve su tu te
Bà Lucy Alexander và con trai Felix lúc em còn sống - Ảnh: Independent

Con trai tôi tự tử ngày 27/4. Bị bạn bè bắt nạt suốt nhiều năm liền đã dần giết chết sự tự tin và lòng tự trọng trong Felix. Những điều tàn nhẫn ấy cùng sự cô lập trong thế giới thu nhỏ từ mạng xã hội quá khắc nghiệt, vượt quá giới hạn chịu đựng của thằng bé.

Những người chưa bao giờ gặp con tôi cũng buông lời chỉ trích nó. Mỗi ngày đến trường là một cuộc đấu tranh khó khăn, là nỗi ám ảnh dai dẳng. Chưa học hết lớp 6, Felix phải chuyển trường, điều thằng bé không bao giờ mong muốn. Hành trang Felix mang theo là sự tuyệt vọng và suy nghĩ mình là kẻ vô dụng.

Ở trường mới, Felix may mắn được thầy cô và bạn bè yêu quý. Họ dành tình cảm tốt đẹp và những lời lẽ tử tế cho Felix, nhưng con tôi vẫn không thể gỡ bỏ được bức tường nặng nề vô hình đè chặt cảm xúc. Nó mặc cảm, hoảng loạn vì tổn thương trước đây quá sâu sắc.

Tôi viết bức thư này không nhằm kêu gọi sự đồng cảm mà vì rất nhiều đứa trẻ đang phải chịu đựng như Felix đã từng. Các em đang cố chống chọi vì bị bắt nạt và chúng ta cần thức tỉnh những ai đang dùng ngôn từ, hành động bức hại người khác.

Tôi kêu gọi tất cả trẻ em hãy luôn cư xử tử tế, đừng đứng yên hoặc quay đi khi thấy ai đó bị bắt nạt và đừng để chuyện rơi vào thinh lặng. Hãy là người sẵn sàng vạch trần sự bất nhân. Hãy là người bạn tốt đúng lúc. Chúng ta thường nghĩ đó chỉ là những lời trêu chọc vô hại nhưng thực tế, sự cay độc của lời nói có thể gây ảnh hưởng vô cùng khủng khiếp mà chúng ta không tưởng tượng ra nổi.

Hãy suy nghĩ kỹ trước khi đăng tải một nội dung trên mạng xã hội. Trẻ em cần hiểu hệ quả từ hành động của mình, có thể là tổn thương thể xác lẫn tinh thần, thậm chí là cả tính mạng của người khác từ những câu nói thiếu tình người của các “anh hùng bàn phím”.

Tôi kêu gọi giáo viên hãy quan sát những dấu hiệu cho thấy trẻ đang cố chống chọi. Hãy lắng nghe phản hồi từ phụ huynh và xem đứa trẻ ấy có thu mình đơn độc, trở nên im lặng, hoặc dễ bị kích động hay không. Tôi không mong giáo viên phải là nhà tâm lý học, nhưng tôi cần giáo viên biết theo sát các em, sớm nhận ra dấu hiệu bất thường và có sự giúp đỡ.

Giáo dục là một phần không thể thiếu để tạo nên sự thay đổi. Trẻ em cần học sự tử tế càng sớm càng tốt. Phần lớn các em tiếp xúc với thiết bị di động thông minh từ rất nhỏ, điều đó là cần thiết nhưng hãy hướng dẫn chúng biết sử dụng một cách có trách nhiệm với tấm lòng trong sáng.

Cuối cùng, tôi kêu gọi những bậc phụ huynh hãy quan tâm đến việc con em mình đang làm gì trên mạng và kịp thời điều chỉnh hành vi của con. Chúng ta chẳng ai muốn con mình phải chịu trách nhiệm vì những điều xấu xa con mình gây ra cho đứa trẻ khác.

Anh Thông (Theo Independent)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI