Tâm sự với con trẻ về công việc

10/09/2024 - 15:46

PNO - Thường xuyên trò chuyện với con về công việc không chỉ là một cách chia sẻ kiến thức. Đó còn là sợi dây gắn kết giữa cha mẹ và con cái.

Tôi thường tâm tình với con về công việc - từ hành trình đi tìm việc, chuẩn bị phỏng vấn cho đến những thử thách trong thời gian đầu ở một công ty mới và niềm vui khi được nhận lương. Tất nhiên, đầu óc non nớt của một đứa bé 8 tuổi không thể hiểu hết. Nhưng nhờ vậy, chàng trai nhỏ đã có ý niệm cơ bản về thế giới việc làm và những tâm tư của người lớn.

Giúp con hiểu giá trị lao động

Nhiều người cho rằng, đi làm là chuyện của người lớn và con nít thì không cần biết tới những việc mưu sinh phức tạp. Tôi lại nghĩ khác. Tâm tình với con về công việc cũng là cách giúp trẻ có ý niệm cơ bản mà vô cùng quan trọng: tiền không tự nhiên mà có trong thẻ ATM. Muốn có tiền chi tiêu, chúng ta phải làm việc.

Con trai của tác giả được thử làm nhiều việc nhỏ vừa sức - Ảnh do nhân vật cung cấp
Con trai của tác giả được thử làm nhiều việc nhỏ vừa sức - Ảnh do nhân vật cung cấp

Tôi bắt đầu quá trình mưa dầm thấm lâu này từ khi con khoảng 4-5 tuổi. Đến nay, cậu bé 8 tuổi của tôi đã có một cách tiếp cận khác: mỗi khi muốn mua truyện tranh hay một món đồ chơi nào đó, thay vì xin mẹ mua cho, con hỏi: “Mẹ có việc gì cho con làm không?”. Những việc con có thể làm là xếp chén dĩa dơ vào máy rửa, phơi quần áo, hút bụi, đi đổ rác (tất nhiên, tôi nói rõ cho con biết không phải lúc nào con cũng được trả công, vì đây là việc chung trong nhà mà con phải san sẻ cùng người lớn).

Việc gần nhất mà con tôi làm là nhổ những củ hoa tulip trong vườn (hoa đã qua mùa, cần nhổ củ lên, giũ sạch sẽ, để khô ráo rồi cất lên chờ mùa sau trồng tiếp). Nhưng cũng có những ngày, khi con hỏi, tôi đã trả lời rằng hôm nay không có việc gì cả.

Tôi muốn con hiểu rằng trên thực tế, đi tìm một công việc không hề dễ dàng. Không phải lúc nào việc làm cũng nằm sẵn ở đó chờ con. Tôi tin rằng, những phản hồi đó giúp con có một cái nhìn thực tế hơn về thế giới việc làm.

Tôi cũng thường chỉ cho con thấy thế giới ngoài kia có rất nhiều dạng thức công việc và nghề nghiệp khác nhau. Tuổi thơ của thế hệ 8X, 9X như tôi, chắc hẳn nhiều người được cha mẹ định hướng tương lai theo một khuôn mẫu chung: cố gắng học cho có tấm bằng rồi tìm một công việc ổn định, lãnh lương đều đặn mỗi tháng.

Tôi quyết định bày ra trước mắt con nhiều con đường khác nhau để con biết luôn có nhiều sự lựa chọn. Con có thể trở thành một người làm thuê hoặc tự kinh doanh, một nhà đầu tư, một người sáng tạo và bán bản quyền những tác phẩm của mình…

Và chú bé con tôi đã thực sự bắt tay vào… viết một quyển sách dành cho các bạn nhỏ cùng trang lứa. Trong vòng 1 năm qua, con đã chăm chỉ ghi lại những câu chuyện nho nhỏ về những chuyến du lịch trong và ngoài nước, những trò chơi con đã thử như trượt băng, đắp người tuyết, trang trí bí đỏ Halloween… Tôi không chắc ý tưởng này của con có thành công hay không, nhưng tôi thấy vui vì con đã dám bắt đầu.

Làm người lớn không có nghĩa là ngừng học

Hẳn là các bậc cha mẹ đã nhiều lần nghe con nhỏ “so bì”: “Làm người lớn thật sung sướng, không phải đi học như con nít”. Bằng việc tâm tình với con về công việc, tôi muốn con hiểu, thật ra làm người lớn không có nghĩa là ngừng học. Chỉ là người lớn phải học theo những cách thức khác, trong những môi trường khác mà thôi.

Tôi xem con như một người bạn trên hành trình học hỏi và phát triển nghề nghiệp của mình. Tôi biết, nhiều lúc chú bé đã “nghe lỏm” những chương trình podcast về chủ đề phát triển bản thân mà tôi hay nghe. Những lúc có thời gian thong thả, tôi thích cùng con học vài điều mới.

Chú bé 8 tuổi đã biết rằng,  sáng tác cũng là một dạng công việc  - Ảnh do nhân vật cung cấp
Chú bé 8 tuổi đã biết rằng, sáng tác cũng là một dạng công việc - Ảnh do nhân vật cung cấp

Có lần, 2 mẹ con trò chuyện về GenAI (trí tuệ nhân tạo tạo sinh), tôi đã mở ngay ứng dụng Bing trên điện thoại và minh họa cho con xem GenAI có thể viết nội dung truyền thông tiếp thị (công việc tôi đang làm) nhanh và thú vị như thế nào.

Chú bé vô cùng phấn khích khi thấy sự thông minh của một công cụ mới. Tôi tận dụng cơ hội đó để nói với con rằng, thế giới này không ngừng phát triển và bản thân mẹ ở tuổi ngoài 30 vẫn phải tự học thêm những kiến thức, công cụ mới để phục vụ cho công việc.

Có lẽ, nếu tôi chỉ nói suông, con sẽ không cảm thấy bị thuyết phục. Nhưng chính những lần 2 mẹ con cùng nhau thử nghiệm xem GenAI thông minh cỡ nào đã giúp con hiểu ra vấn đề ở một mức độ nào đó.

Thường xuyên trò chuyện với con về công việc không chỉ là một cách chia sẻ kiến thức. Đó còn là sợi dây gắn kết giữa cha mẹ và con cái, bởi con trẻ sẽ phần nào hiểu được những tâm tư của người lớn.

Kim Cúc

(từ Hungary)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI