Tâm sự của F0: "Ý chí vừa tắt lịm, em lại được nhắc phải sống để về nhà"

25/09/2021 - 05:30

PNO - Em biết không thể thua trận này, vì nếu thua em sẽ có lỗi với mẹ, với bạn bè, với tấm lòng yêu thương của “gia đình F0” trong bệnh viện dã chiến.

Mời bạn chia sẻ câu chuyện chiến đấu với bệnh tật, vượt qua nghịch cảnh của mình và người thân. Bài viết xin gửi về địa chỉ email: online@baophunu.org.vn

Các bài được chọn sử dụng sẽ nhận nhuận bút của toà soạn theo quy định.

 

Đợt test COVID-19 lần đầu, khu chung cư em ở có hai gia đình bị dương tính. Test lần hai, thêm vài gia đình nữa nhận tin xấu, trong đó có em. 

 

Thật ra, em đã nghi mình đã dính con vi rút quái ác này, bởi hai ngày trước em đã đau họng và mệt mỏi khác thường.

Em chỉ kịp gọi báo tin cho mẹ. Tiếng mẹ hét lên: “Trời đất ơi, sao lại vậy hả con?”. Mẹ nức nở khóc, líu cả lưỡi khi gọi thằng út: “Chị hai mày dính COVID, phải đi bệnh viện...”. Em trấn an mẹ: "Nhiễm COVID-19 cũng giống như bị cúm thôi, mẹ đừng lo quá. Tới bệnh viện con sẽ gọi về".

Em tắt điện thoại, tập trung nghĩ cần mang theo gì. Thuốc cảm ho, may em còn vài liều. Trong bếp còn ít gừng, mật ong. Nhìn đống đồ chuẩn bị xếp vào vali, em bần thần cả người. Chiếc va li này từng theo em du lịch khắp trong nước lẫn trời Tây. Lần nào soạn đồ cũng đầy háo hức. Lần sửa soạn này khác biệt quá chừng…

Bệnh viện dã chiến là khu nhà mới xây, chưa có người ở. Mỗi căn hộ có hai phòng ngủ. Căn hộ em ở có hai cô gái. Em và Thủy (các nhân vật đã được đổi tên) , cô sinh viên năm nhất, được xếp ở phòng khách. Lát sau, thêm một cặp vợ chồng. Chú tên Nhân, cô tên Hoa. Họ vừa về hưu được một năm. Đang yên lành thì con trai cô chú dính COVID-19. Anh ấy đi bệnh viện một tuần thì tới phiên cô chú thành F0.

Hai tháng qua, căn hộ đón không biết bao nhiêu lượt bệnh nhân nên khá bừa bộn. Người ngầy ngật sốt, em ráng gượng xách chổi dọn dẹp, chà nhà vệ sinh. Tay em run rẩy, mỏi rụng khi chà sàn nhà. Chà được nửa sàn, em bỏ cuộc, lết về giường nằm vật ra.

Được sống cuộc sống bình thường, lúc này đã là hạnh phúc (Ảnh minh họa)
Được sống cuộc sống bình thường lúc này là ước ao của bao người - Ảnh minh họa

Em bắt đầu mất vị giác, khứu giác, tai ù ù như có gió bên trong, hai mắt thì sưng húp và ngứa kinh khủng. Bác sĩ động viên: “Đó là những triệu chứng điển hình của người mắc COVID-19, uống thuốc vài ngày sẽ khỏi, em đừng quá lo”.

Bữa mới vào đây, em làm rơi điện thoại, màn hình vỡ nát nên không thể gọi về nhà. Trong lúc bấn loạn này, ngay cả số điện thoại của mẹ cũng làm khó em.

Trong cơn nhức đầu đến lịm người, em vẫn nghe tiếng Thủy “6031 thử nha chị”, “hay 6130 nhé”. Thủy liên tục xin lỗi vì nhầm số. Suốt hai ngày, khỏe một chút là Thủy lôi điện thoại ra để thử vận may. Và rồi em bừng tỉnh khi Thủy la lên: “Bác gái nè chị. Bác nói con gái tên Vân, đi bệnh viện 4 ngày rồi”.

Em lập cập cầm điện thoại, chưa kịp cất lời đã nghẹn ngào: “Mẹ phải không? Con đây, Vân đây”. Tiếng mẹ khóc nức nở vì cả nhà đoán em bị nặng rồi, phải thở máy rồi.

Mấy ngày sau đó, em lịm đi trong cơn sốt lạnh run người. Ngoài da thịt nóng như than hồng, bên trong xương cốt như thể hóa băng, khiến em run lập cập từng hồi.

Con dâu cô Hoa gửi đồ vào, có ba quả chanh và hũ chà bông. Biết sao được khi hàng hóa khan hiếm và các siêu thị thì quá tải. Chú Nhân pha một bình nước chanh, mời mỗi người một ly. Hũ chà bông cũng được chia đều. Cô Hoa đang sốt cũng ráng động viên em: “Ráng ăn đi con. Cô cháu mình phải sống để ra khỏi chỗ này”.

Nhỏ Thủy khóc thút thít: “Ăn đi chị, nhạt miệng cũng phải ăn, coi như chị thương em, ăn giùm em đi”. Tụi bạn thân liên tiếp gửi thuốc, đồ ăn vào, nhắn "mày phải cố lên, phải về gặp tụi tao, không được bỏ cuộc". Mẹ gọi vào, “con hứa sẽ ăn sinh nhật 70 tuổi với mẹ. Hứa thì phải giữ lời, mẹ chờ con về, lúc nào mẹ cũng chờ con...”

Trong cơn mê lịm, em thấy hiện ra nhiều khuôn mặt thân quen: là mẹ, là thằng út, mấy đứa bạn thân, cả bé Thủy, cô Hoa, chú Nhân… Mỗi khuôn mặt mang biểu cảm khác nhau nhưng có cùng nỗi thiết tha và ước muốn: Ước muốn em phải sống để trở về nhà.

Em nghe tiếng chú Nhân chậc lưỡi: “Sao con nhỏ sốt hoài không lui vầy nè. Ráng lên con ơi”. Tiếng hai chị ở phòng trong: “Mở mắt ra đi em, đừng ngủ hoài, chị giúp em nâng tay nâng chân nha. Phải vận động cho máu nóng lên”. Tiếng bác sĩ dịu dàng: “Em phải tự mình thở, tự mình vận động. Chỉ vậy thôi chắc không làm khó em đâu hén. Phải chiến thắng COVID-19 em mới là người dũng cảm”…

Hành trang quý nhất của mỗi người là tình yêu thương của gia đình, bè bạn. (Ảnh minh họa)
Hành trang quý nhất của mỗi người là tình yêu thương của gia đình, bè bạn - Ảnh minh họa

Ý chí của em vừa tắt lịm lại được nâng niu để ngoi ngóp leo lên. Ai cũng nhắc em phải sống để về nhà thăm mẹ. Em biết không thể thua trận này, nếu thua em sẽ có lỗi với mẹ, với bạn bè, với tấm lòng yêu thương của “gia đình F0”.

Hai ngày sau, cơn sốt lui dần, em tự xúc được cơm. Tới lượt bé Thủy nằm lịm. Em dỗ dành Thủy, kiên nhẫn đút từng muỗng cháo, dỗ dành từng viên thuốc. Em dùng yêu thương để giữ lấy Thủy như mọi người từng dùng cách ấy để giữ lấy em.

Hai chị cùng phòng được ra viện. Hai hôm sau tới phiên cô Hoa, chú Nhân và em. Mọi người tỏ ý đồng lòng ở lại với Thủy, chờ Thủy ra viện cùng. Em nghiệm ra rằng trên đời này không có thứ thuốc nào hữu hiệu bằng lòng yêu thương, sẻ chia và thấu cảm. Người được yêu thương sẽ có sức mạnh đi qua thử thách, cho dù đó là thử thách với cả sinh mạng mình.

                                                                                                                  Thùy Vân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI