Tâm sự của F0: Sức mạnh tinh thần giúp cả nhà tôi khỏi bệnh

07/10/2021 - 19:10

PNO - Ông bác sĩ dặn đi dặn lại: “Thắng “Cô Vy” hay không phụ thuộc vào khả năng tự lực chiến đấu của em".

Chắc ai ở TPHCM suốt những tháng qua đều lên sẵn “kịch bản” nếu trở thành F0. Tôi theo dõi báo và mạng xã hội, thấy các tài liệu đều nhấn mạnh tầm quan trọng của yếu tố tinh thần. Quả thật điều ấy đúng với gia đình 5 F0 của tôi.

Ngày đầu tiên biết mình “2 vạch” với COVID-19, tôi rất lo lắng, vì bản thân tôi có chút vấn đề về cân nặng; 2 người thân được tiêm vắc xin mũi 1 nhưng chưa đủ 14 ngày; 2 con dưới 10 tuổi. Tất cả 5 người ở trong một căn hộ chỉ hơn 40 mét vuông.

Tôi biết mình là trụ cột nên không được phép buông xuôi
Tôi biết mình là trụ cột nên không được phép buông xuôi (Ảnh minh họa)

Nhưng rồi tôi phải nhanh chóng lấy lại tinh thần, đối mặt với hoàn cảnh mình là người trụ cột trong gia đình. Tôi bắt tay vào việc tìm thực phẩm, thuốc men và tìm bác sĩ chăm sóc từ xa phù hợp.

Ông bác sĩ gia đình tôi “chọn mặt gửi vàng” rất tận tâm. Ông hỏi bệnh cảnh từng người rồi phân tích nguy cơ, các giai đoạn cần chú ý để phát hiện sớm và ngăn ngừa bệnh chuyển nặng, chỉ “chiêu” để virus không xuống phổi.

Dù ông phụ trách chữa bệnh từ xa cho gia đình, nhưng vẫn nhắc tôi phải báo với chính quyền để bảo đảm tính pháp lý về sau cũng như được hỗ trợ y tế tại chỗ nhanh nhất. Ông dặn mọi người phải báo cáo bệnh mỗi ngày, khi có dấu hiệu bất thường như khó thở, nồng độ oxy trong máu thấp, phải gọi ngay và gọi video call để ông quan sát thêm bệnh tình.

Cuối cùng, ông dặn phải gác lại toàn bộ công việc, tập trung chữa bệnh vì: “Thắng “Cô Vy” hay không phụ thuộc vào khả năng tự lực chiến đấu của em, hoàn cảnh này anh không thể đến tận nơi giúp được!”

Nghe theo lời ông, tôi cố gắng làm sao cho cả nhà 5 F0 ở nhà có tâm lý thoải mái nhất. Ngoài thuốc men thì “ăn đủ”, “ngủ đủ” là mục tiêu được tôi đầu tư. 

Chuyện ăn uống, do “Cô Vy” khoái đồ lạnh nên tôi kiêng nước đá và đồ mát trong tủ lạnh, còn lại tôi để cho cả nhà ăn theo sở thích. Gia đình tôi nhiễm COVID-19 trong tháng 9, cao điểm giãn cách, mua thức ăn khó khăn, thực đơn không đa dạng. Thế nên, khi con gái 9 tuổi của tôi ghiền trứng gà, tôi đã để con ăn đến hơn 10 quả/tuần. Miễn con nuốt được cơm để uống thuốc và vui vẻ!

Để ngừa COVID-19, máy lạnh bị đưa vào "danh sách đen" nhưng con út tôi 2 tuổi đã quen ngủ với máy lạnh. Thế là, tôi quyết định không cắt phòng lạnh mà chỉnh nhiệt độ từ 27 - 28 độ C kèm bật quạt xoay khắp phòng và mở hé cửa sổ cho thông thoáng. Cháu không bị nóng nên ngủ ngon, không quấy phá, nên “trộm vía” là Cô Vy chỉ làm phiền cháu trong 3 ngày với 2 triệu chứng là sốt và sổ mũi. 

Dù vậy, khi con đã ngủ ngon tôi lén tắt máy lạnh, mở cửa sổ. Cũng may những ngày đó thành phố rất yên tĩnh, không ồn ào và tôi dùng thêm quạt tay để con đỡ ra mồ hôi. Đến nay, sau nửa tháng khỏi bệnh, máy lạnh bật nguyên đêm nhưng tối nào con tôi cũng đòi “mẹ quạt, mẹ quạt” thì mới đủ “combo” trước khi đi ngủ.

Để tinh thần không bị tác động, tôi không xem tin tức về COVID-19 trong những ngày bệnh, có chuyện gì thì hỏi luôn bác sĩ. Tôi dừng theo dõi Facebook của những người có cảm xúc tiêu cực, không cho những người hay lo lắng thái quá biết mình bị bệnh. Thông tin tôi xem nhiều nhất là truyện cười, nhạc chế.

Còn một thú tiêu khiển ngày bệnh của cả nhà tôi là trồng trọt và chăn nuôi. Nhà ở chung cư, ban công hẹp nhưng tôi có cả 1 “khu vườn” để trồng dưa, bí, ớt. Con gái lớn của tôi còn đặt tên cho hết các cây trong nhà.

Cây ớt thích một mình đã lớn nhanh và ra bông khi chứng kiến chúng tôi chiến đấu với bệnh tật
Cây ớt có tên "Thích một mình" đã lớn nhanh và ra bông khi chứng kiến chúng tôi chiến đấu với bệnh tật

Cây ớt có tên “Thích một mình” vì khi bứng bớt cây cùng ươm để cho hàng xóm nó bỗng lớn nhanh như thổi. Cây bí đỏ có tên “Thích quấn quít” vì khi trồng tôi cấy nó xuống một lúc, 2 thân quấn lấy nhau không tách được mà lá to bằng bàn tay, chả thua gì bí mọc ở vườn. Đến cây nguyệt quế cũng có tên khác “Thích là nở” vì ngày nào cũng có bông.

Nhà không có chó, mèo hay chuột hamster nên động vật nào lạc vào nhà tôi cũng có thể là thú cưng. Danh sách “pet” nhà tôi có sâu (không khó, vì nhà trồng cây), chúng tôi nuôi đến khi nó hóa bướm thì thả. Rồi đến kiến, thằn lằn, bọ rùa và cả những con tôi không biết tên...

Thằn lằn cũng nằm trong danh sách “pet” và chúng tôi có thể bắt chúng mà không bị đứt đuôi
Thằn lằn cũng nằm trong danh sách “pet” và chúng tôi có thể bắt chúng mà không bị đứt đuôi

Thế nên, con gái nhỏ 2 tuổi nhà tôi, chắc sinh ra cùng lúc với “corona”, sau này là “Cô Vy” không biết đến đi du lịch hay đồ chơi mẹ mua cũng có niềm vui. Thú vui của nó là phát hiện ra những con gì lạ lạc vào nhà rồi đi kiếm cái hũ đưa cho mẹ nói liền hồi “nuôi, nuôi” (ý là bắt cho nó nuôi)!

Cả nhà bình an qua đại dịch tất nhiên có sự may mắn, nhưng ơn trời nhờ “bận rộn” với những thú vui tự tạo mà gia đình tôi không có nhiều thời gian để lo âu và căng thẳng. Tôi vẫn tin, trong bất cứ khó khăn nào thì sức mạnh tinh thần vẫn luôn quan trọng.

An Na

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI