Rất nhiều người, trong đó có những ngôi sao, người nổi tiếng đã qua đời vì ung thư, khi mà sự nghiệp và gia đình đang ở đỉnh cao viên mãn nhất. Điều đó cho thấy căn bệnh ung thư không chừa bất cứ ai, cho dù là người trẻ hay già, giàu có hay khó khăn..
Ung thư là câu chuyện của mỗi cuộc đời
Phát hiện mang gen đột biến BRCA1 di truyền từ mẹ, nữ diễn viên Angelina Jolie (Mỹ) đã có một quyết định chưa từng có tiền lệ là cắt buồng trứng và vòi trứng để mong “chặn đứng sợi dây di truyền gen đột biến”, đồng thời làm giảm nguy cơ gây ung thư vú. Bởi bà, mẹ và dì của nữ diễn viên này đều qua đời vì căn bệnh ung thư vú, ung thư buồng trứng quái ác. Đó chắc hẳn là một trải nghiệm đầy đau thương và ám ảnh đối với Angelina Jolie.
|
Biểu đồ tỷ lệ sống của bệnh nhân ung thư sau 5 năm kể từ lúc phát hiện bệnh (nguồn: Tạp chí ung thư dành cho các bác sĩ lâm sàng - 2020) |
Sau câu chuyện của nữ diễn viên nổi tiếng, phụ nữ khắp thế giới lại càng quan tâm tới BRCA1 - loại gen chiếm 5-10% nguyên nhân gây ung thư ngực, 10-15% nguyên nhân ung thư buồng trứng cho các phụ nữ da trắng ở Mỹ. Mới đây, nữ ca sĩ danh tiếng Đài Loan (Trung Quốc) Chu Lị Tĩnh (41 tuổi) vừa qua đời ngày 5/7, sau thời gian dài chiến đấu chống lại bệnh ung thư vú.
Tại Việt Nam, ung thư vú nhiều năm nay đã trở thành nỗi ám ảnh của phụ nữ và cả không ít nữ nghệ sĩ nổi tiếng.
Theo các chuyên gia, có rất nhiều bệnh nhân trẻ phát hiện mắc bệnh ung thư vào giai đoạn muộn. Khi đó, dù có tích cực điều trị cũng chỉ là còn nước còn tát, cuối cùng họ vẫn bị căn bệnh này “đánh gục”, để lại nỗi mất mát không gì bù đắp được cho người thân.
Tiến sĩ - bác sĩ Nguyễn Duy Sinh - Viện Di truyền y học - cho biết, bệnh ung thư là nguyên nhân tử vong đứng hàng thứ hai trên thế giới. Tại Việt Nam, hằng năm có khoảng 165.000 ca mắc ung thư mới, 70% số bệnh nhân đó bị tử vong.
Ung thư vú là bệnh ung thư phổ biến nhất ở phụ nữ
Theo số liệu mới nhất từ Tổ chức Ung thư toàn cầu (Globocan), năm 2020, tỷ lệ mắc ung thư mới của Việt Nam đã tăng lên 9 bậc (xếp vị trí 90/185 quốc gia), từ 165.000 ca mới năm 2018 lên 182.000 ca mới vào năm 2020; tỷ lệ tử vong do ung thư tăng 6 bậc, lên thứ 50/185 quốc gia sau hai năm. Theo các chuyên gia, về nguyên tắc, tuổi càng cao tỷ lệ mắc ung thư càng lớn. Tuy nhiên, có những loại ung thư ở thập kỷ trước, thường chỉ xuất hiện ở người lớn tuổi, trung niên nhưng nay lại xuất hiện ở người trẻ. |
Thống kê của Bộ Y tế cho thấy, tỷ lệ mắc ung thư và tử vong do ung thư đã tăng gấp ba lần tại Việt Nam trong 30 năm qua. Các loại ung thư thường gặp là ung thư phổi, gan, đại trực tràng, dạ dày và vú. Đây cũng là năm loại ung thư có tỷ lệ tử vong cao nhất. Đáng lo ngại, tỷ lệ mắc ung thư ở người trẻ dưới 40 tuổi ngày càng tăng.
Số liệu ghi nhận tại TPHCM cũng cho thấy đây là những loại ung thư có tỷ lệ cao nhất ở phụ nữ.
Yếu tố nguy cơ khiến phụ nữ dễ mắc ung thư vú chủ yếu có liên quan đến môi trường, thói quen sinh hoạt, lối sống, thực phẩm bẩn, hóa chất độc hại, lạm dụng rượu bia, hút thuốc lá… Bên cạnh đó, tình trạng căng thẳng kéo dài do áp lực công việc, độc thân, có con nhưng không cho con bú sữa mẹ… cũng là một trong những nguyên nhân khởi phát bệnh ung thư vú. Ngoài ra, ung thư vú còn có nguyên nhân do yếu tố gia đình và di truyền (chiếm khoảng 10%).
|
Tỷ lệ mắc ung thư ở người trẻ dưới 40 tuổi ngày càng tăng |
Ung thư vú ở người trẻ dưới 40 tuổi thường gặp nhất ở nhóm bệnh nhân có yếu tố gia đình và di truyền.
Ngoài ra, công bố quốc tế cho thấy ở các nước công nghiệp hóa, độ tuổi mắc ung thư vú ngày càng trẻ, điều này cũng phù hợp với tình hình Việt Nam hiện nay vì nước ta đang có tốc độ công nghiệp hóa khá nhanh.
Bên cạnh đó, tỷ lệ mắc ung thư ngày càng cao còn do người dân có điều kiện kinh tế khá hơn nên quan tâm đến sức khỏe nhiều hơn, tầm soát ung thư rộng rãi hơn, từ đó phát hiện ra bệnh, nhất là giai đoạn sớm.
Sức khỏe của người dân Việt Nam, đặc biệt là của thế hệ trẻ là tài sản quý giá của đất nước. Đã có nhiều công bố khoa học cho rằng tỷ lệ mắc ung thư tăng không chỉ là gánh nặng cho cá nhân, mà còn là gánh nặng cho xã hội.
Để phòng chống ung thư, những nguyên tắc cơ bản về lối sống, môi trường sống luôn được nhắc đến, trong đó “lối sống xanh” luôn được khuyến khích. Chẳng hạn, cần hạn chế uống rượu, hút thuốc lá; hạn chế ăn thịt hoặc dùng thực phẩm chế biến sẵn; ăn nhiều rau, tích cực tập luyện thể thao…
Ngoài ra, đối với những nước đang phát triển như Việt Nam, phòng chống những bệnh ung thư liên quan đến viêm nhiễm chính là chiến lược phòng chống ung thư quan trọng. Những bệnh ung thư liên quan tới viêm nhiễm như viêm gan siêu vi, nhiễm HPV trong ung thư cổ tử cung.
|
Công nghệ gene giúp phát hiện sớm ung thư, góp phần nâng cao sức khỏe cộng đồng |
Cuối cùng, theo tiến sĩ - bác sĩ Nguyễn Duy Sinh, chúng ta cần có chiến lược tầm soát và phát hiện sớm ung thư nói chung và ung thư vú nói riêng. Trong đó, áp dụng những giải pháp tiên tiến, hiệu quả và phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội ở Việt Nam, để mọi người dân có thể dễ dàng tiếp cận và tăng độ phủ trong hoạt động tầm soát, sàng lọc và phát hiện bệnh hiệu quả hơn trên diện rộng và ở nhiều lứa tuổi khác nhau.
Hội thảo “Tầm soát ung thư vú: Chọn chủ động - Trọn yêu thương” Nhằm lan tỏa thông điệp và góp tiếng nói, khuyến khích phụ nữ nâng cao nhận thức về tầm soát sớm ung thư vú (K vú) và các loại ung thư phổ biến khác, Báo Phụ Nữ TPHCM, Hội LHPN TPHCM, Nhà văn hóa Phụ nữ TPHCM phối hợp cùng Công ty Gene Solutions tổ chức chiến dịch truyền thông hướng tới phụ nữ nhân dịp tháng 10/2022 - Tháng nơ hồng với thông điệp: “Hãy yêu bản thân vì bạn chính là tương lai”. Đặc biệt, chương trình sẽ tổ chức một hội thảo với chủ đề “Tầm soát ung thư vú: Chọn chủ động - Trọn yêu thương” với sự tham dự của đông đảo hội viên Hội LHPN TPHCM, học viên Nhà văn hóa Phụ nữ TPHCM. Hội thảo với các chuyên gia, khách mời hàng đầu về lĩnh vực ung thư vú để cùng nhau lan tỏa kỹ năng, thông điệp trong công tác phòng, chống ung thư vú. Đồng thời, nâng cao nhận thức của các chị em phụ nữ về việc tăng cường phòng bệnh, phát hiện sớm ung thư thông qua chủ động tầm soát, từ đó tăng hiệu quả chữa trị, nâng cao chất lượng sống, đẩy lùi nỗi lo ung thư. Hội thảo diễn ra từ 9 giờ đến 11 giờ ngày 22/10 tại Hội trường Hội LHPN TPHCM, số 32 Trần Quốc Thảo, Q.3, TPHCM. |
Thanh Huyền