Tắm sao để tránh đột quỵ?

03/04/2018 - 05:00

PNO - Trong mùa nắng nóng, nếu tắm không đúng cách sẽ có nguy cơ bị bệnh, thậm chí là đột quỵ.

 

Tam sao de tranh dot quy?
 

Nhập viện vì tắm sáng

Thời tiết oi bức, không ít người, sáng dậy tắm nước lạnh sớm. Theo bác sĩ Trần Văn Năm - nguyên Viện phó Viện Y học dân tộc TP.HCM - đây là cách tắm rất nguy hiểm cho sức khỏe, đặc biệt người có bệnh lý tim mạch thì nguy cơ đột quỵ cao. Cố nghệ sĩ Nguyễn Hoàng bị đột quỵ từ tình huống này và sau 2 năm nằm một chỗ anh đã mất vào cuối năm 2017. 

Tương tự, mới đây anh Nguyễn Văn T. ở H.Bình Chánh, TP.HCM, được đưa vào cấp cứu tại Bệnh viện Chợ Rẫy trong tình trạng lơ mơ. Bác sĩ chẩn đoán anh bị đột quỵ. Vợ anh T. kể: “Sáng sớm tắm xong, anh lạnh run, môi tím tái, huyết áp tụt chỉ còn 90 (90/60mmHg). Chừng 30 phút sau, thấy ảnh lơ mơ, trả lời không đúng nên tôi đưa vô bệnh viện cấp cứu”.

Thạc sĩ - bác sĩ Nguyễn Văn Đàn - giảng viên Trường đại học Y Dược TP.HCM - phân tích: “Nước lạnh có ưu điểm là giúp kích thích tuần hoàn, tiêu hóa và trao đổi chất, tăng sự thèm ăn khi thức dậy vào buổi sáng. Tuy nhiên, nước lạnh sẽ trở thành “khắc tinh” của bệnh lý tim mạch nếu tắm vào sáng sớm, xối nước ào ào từ trên đầu xuống hoặc phòng tắm có gió lùa. Ngoài ra, tắm hay ngâm nước lạnh không khuyến khích đối với người cơ địa hàn, những người sức khỏe yếu dễ cảm khi thay đổi thời tiết, trẻ quá nhỏ, người già hoặc những người dễ bị ớn lạnh”. 

Bác sĩ Nguyễn Văn Đàn cho biết thêm: “Tắm nước nóng cũng không phải là cách hay. Vì tắm nước nóng cũng có thể làm người bị tim mạch đột quỵ do làm giãn các mạch máu ngoại biên, tuần hoàn máu kém, tụt huyết áp, chóng mặt... Đặc biệt, sau khi ngủ dậy, nhất là buổi sáng sớm, khi cơ thể đang đói mà tắm gội dễ bị chóng mặt, thậm chí bị đột quỵ”. 

Tam sao de tranh dot quy?
 

Cách tắm cho khỏe

Tắm mát vào buổi sáng có lợi ích là giúp cơ thể hít thở sâu, kích thích cơ thể, tăng sự thèm ăn khi tỉnh dậy, cho cơ thể có ngày mới tràn đầy năng lượng. Đồng thời tắm mát giúp máu có pH kiềm hơn, tăng sức đề kháng và miễn dịch giúp bảo vệ cơ thể. Còn sau một ngày làm việc mệt mỏi, tắm giúp thư giãn cơ bắp, các nếp nhăn, các vết co thắt của da sẽ được thư giãn, cơ thể thoải mái cho giấc ngủ ngon và sâu.

Tuy nhiên, để tránh mang bệnh do tắm không đúng cách, bác sĩ Nguyễn Văn Đàn khuyến cáo: nên tắm ở nhiệt độ 36-37°C (bằng nhiệt độ cơ thể) là hài hòa và cân đối nhất và cũng để cải thiện chức năng tim. Đồng thời giữ chênh lệch nhiệt độ giữa bên trong và bên ngoài phòng tắm không quá cao, khoảng 2-30C. Lưu ý, hạn chế việc thay đổi thân nhiệt cơ thể đột ngột. Phải tiếp xúc dần từng bộ phận của cơ thể với nước, trước tiên là chân, đến tay, đầu, thân người, sau đó mới là toàn thân tiếp xúc hoàn toàn với nước.

Tắm xong không ra gió hay vào phòng máy lạnh ngay vì dễ khiến nhiệt độ cơ thể hạ xuống gây ảnh hưởng đến việc lưu thông máu. Có thể nấu nước gừng, sả hay đơn giản là nhỏ dầu khuynh diệp, dầu tràm vào nước tắm giúp giảm sung huyết, phù nề trong đường hô hấp (mũi và đường dẫn khí), giúp long đàm, kháng viêm, sát khuẩn đường hô hấp, lại tạo cảm giác dễ chịu, khoan khoái ở đầu, ngực và toàn thân. 

4 không để tránh bệnh khi tắm

Bác sĩ Nguyễn Văn Đàn lưu ý:

- Không nên tắm khuya, từ 23g-3g sáng, theo y học cổ truyền, đó là lúc khí dương lui vào sâu trong cơ thể, sức chống đỡ bị suy giảm nhiều nhất, do vậy tắm vào thời gian này khí lạnh rất dễ xâm nhập cơ thể và gây cảm lạnh. 

- Không tắm sau khi uống rượu vì khi tắm, lượng đường trong cơ thể bị tiêu hao nhiều do hoạt động thể lực và máu tuần hoàn nhanh. Khi mức độ đường trong máu xuống thấp, nhiệt độ cơ thể sẽ hạ theo, dễ gây sốc. 

- Không tắm ngay sau khi ăn vì sẽ làm tăng nhanh tuần hoàn máu khiến công năng tiêu hóa của ruột bị yếu đi, khả năng hấp thụ thức ăn sẽ kém hơn.

- Không nên tắm ngay khi đi ngoài nắng về.

Thùy Dương

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI