Tấm poster chống quấy rối tình dục của chính phủ Nhật gây hiểu nhầm?

17/11/2018 - 14:00

PNO - Nỗ lực khuyến khích nam giới ngăn chặn quấy rối tình dục tại công sở trở thành đề tài tranh luận trên mạng xã hội. Người dùng Twitter nói rằng tấm poster làm sai lệch cách hiểu về vấn đề.

Tấm poster in hình nam diễn viên Mikihisa Azuma với vẻ mặt bối rối, đặt câu hỏi: "Đây cũng là quấy rối tình dục sao?"

Phía sau đó là các câu hỏi: "Em xinh hơn sau khi giảm cân đấy" và "Trang phục của em hôm nay thật dễ thương, đúng kiểu tôi thích”.

Kèm theo đó là hình minh họa những phụ nữ khó chịu cùng dòng chữ: "Bạn đang quấy rối tình dục đó thôi!"

Tam poster chong quay roi tinh duc cua chinh phu Nhat gay hieu nham?
Tấm poster về nạn quấy rối tình dục khiến công chúng có hai cách cảm nhận khác nhau.

Một số người cho rằng tấm poster của chiến dịch nâng cao nhận thức về quấy rối tình dục khiến cho hành vi này trở nên... bình thường, thậm chí, còn đưa ra cái nhìn đầy cảm thông về hành vi của những người đàn ông, đồng thời, miêu tả sự quấy rối như một điều khó hiểu.

Một người viết: "Ngay lập tức, tôi nhận ra rằng phụ nữ không hề góp mặt trong chiến dịch này. Họ (những người làm chương trình) đã thực sự không hiểu vấn đề...  đây là lý do tại sao ít có chính trị gia là nữ giới".

Những người dùng khác thì bảo vệ tấm áp phích. Một người nói: “Tôi nghĩ điều đó là tốt, bởi vì tấm áp phích nói với những người thiếu hiểu biết về quấy rối tình dục rằng đây là điều có thể liên quan đến bạn”.

Văn phòng Nội các cho biết họ nhận thức được những lời chỉ trích và đang thực hiện chiến dịch một cách nghiêm túc, dù không có kế hoạch thay đổi áp phích.

Takanobu Hirowatari từ văn phòng về Bình đẳng giới nói: “Đúng là chúng tôi quyết định nhắm vào những kẻ quấy rối tình dục và tăng cường ý thức của nam giới về vấn đề này, bởi vì rất khó để nạn nhân tự lên tiếng”.

Ông Hirowatari cho biết nhiều phụ nữ cũng tham gia vào dự án và tấm poster nhận được sự ủng hộ của các nhóm dân sự trước khi được đưa ra.

Thủ tướng Shinzo Abe cố gắng thu hút nhiều phụ nữ hơn vào lực lượng lao động và các vị trí quản lý trong chương trình "Phụ nữ", khi đất nước phải vật lộn với tình trạng dân số già và giảm nhanh.

Poster này là một phần của chiến dịch giáo dục thường niên về bạo lực năm nay diễn ra từ 12-25/11.

Đầu năm nay, một nhóm các nhà hoạt động đã phát động #WeToo Nhật Bản để hỗ trợ cho các nạn nhân của quấy rối tình dục. Họ nói rằng vấn đề vượt quá khả năng tự nhìn nhận của nạn nhân như trong phong trào #MeToo bắt đầu ở Mỹ.

Linh La (Theo SCMP)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI